News

6/recent/ticker-posts

Chuyện cười ra nước mắt ở chốn pháp đình: Chị dâu xin ly hôn... em chồng

Chị dâu xin ly hôn... em chồng, hoảng hồn rắn phóng ra từ hộc bàn luật sư… là những tình huống lạ chốn pháp đình.

Kiện ra tòa vì bị khám ngực trước mặt công an
Sáng 28/11/2014, TAND huyện Tuy An (Phú Yên) mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm”.
Người đâm đơn khởi kiện là chị Trần Thị Tố Loan (25 tuổi, ở xã An Cư). Bị đơn là Công an huyện Tuy An.
Theo đơn tố cáo được báo Người lao động dẫn thông tin, sau khi xảy ra xô xát với bà Võ Thị Kim Hương, chị Loan bị mời về trụ sở làm việc. Tại đây, chị bị công an huyện bắt đứng úp mặt vào tường, vạch áo để bà Hương khám xét thân thể. Lúc bà Hương khám thì 1 thiếu tá ở Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tuy An đứng xem.
Tại phiên toà, ông Nguyễn Tâm Niệm, Phó trưởng Công an huyện Tuy An - người được ủy quyền đại diện cho Công an huyện Tuy An tại tòa và ông Thái cũng đều phủ nhận đã tổ chức cho bà Hương khám ngực chị Loan sai luật tại trụ sở công an huyện nên không đồng ý bồi thường 10 tháng lương tối thiểu và không xin lỗi tại nơi cư trú như yêu cầu của chị Loan.
Kết thúc phiên toà, HĐXX cho rằng chị Loan bị bà Hương khám xét người sai quy định pháp luật tại Công an huyện Tuy An là có thật nhưng do bà Hương tự khám xét chứ không có ai tổ chức.

Nguyên đơn Trần Thị Tố Loan (trái) tại phiên tòa. (Ảnh Pháp luật TP HCM)

Nguồn chứng cứ về thông báo của Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên ký ngày 3/1/2013 là không đáng tin cậy. HĐXX yêu cầu Công an tỉnh Phú Yên đính chính lại thông báo này. Tòa tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn Trần Thị Tố Loan.
Sau khi tuyên án, chị Loan cho biết không chấp nhận bản án vì xét xử không công bằng, sẽ kháng cáo lên phúc thẩm và nhờ luật sư bào chữa.
Trả giá sau 2 thập kỷ vì tội cướp áo thiếu nữ
Tin tức trên Zing cho hay, vào đầu tháng 7, Phạm Văn Nhật (53 tuổi) và Dương Văn Toản (50 tuổi) cùng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã phải trả giá vì hành vi tham gia vụ cướp giật tài sản xảy ra từ 2 thập kỷ trước.
Theo cáo trạng, mồng 6 Tết năm 1988, Nhật, Toản cùng nhóm bạn Vũ Bá Bừng (cùng xã) đi lễ hội Đền Gióng (huyện Sóc Sơn).
Cả bọn bàn nhau cướp tài sản của khách thập phương. Khi đến chùa Non Nước, phát hiện nhóm sinh viên gồm 4 người đang đi vãn cảnh, Bừng vờ hỏi xin thuốc lá để đồng bọn hành động lấy đi chiếc áo bò, máy ảnh, áo nhung và 5.400 đồng. Thấy 1 thiếu nữ đang mặc áo măng tô, 1 tên trong nhóm đe dọa ép cô cởi áo để cướp. Tổng số tài sản được định giá thời điểm đó là 150.000 đồng.
Năm 1990, các đồng bọn của Nhật lĩnh án từ 20 - 40 tháng tù giam. Nhật và Toản bỏ trốn đến cuối năm 2013 (tức 25 năm sau) bị bắt theo lệnh truy nã.
Chị dâu xin ly hôn... em chồng
Đầu tháng 4, TAND huyện Tuy An (Phú Yên) đưa vụ án xin ly hôn hy hữu xảy ra trên địa bàn. Theo nội dung bản án, năm 2002, chị Bùi Thị Thanh Thương (43 tuổi) kết hôn với anh Bùi Văn Phụng và chung sống tại xã An Cư (huyện Tuy An).
Khi vợ chồng chị Thương nhờ người nhà làm giúp giấy khai sinh cho đứa con thứ 2 thì phát hiện giấy đăng ký kết hôn, mục người chồng ghi tên anh Bùi Văn Minh. Ngớ người, chị Thương nhớ lại sự nhầm lẫn này do anh Phụng không biết chữ nên trước đó nhờ bố đẻ là ông Long đi đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, ông Long mang nhầm CMND của em trai con rể mình làm thủ tục. TAND huyện Tuy An đã ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị Thương và anh Minh, đồng thời tuyên hủy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn này, hủy giấy khai sinh của con cả chị Thương.
Chủ tọa vừa "buôn" điện thoại vừa xử án
Theo tin tức trên báo Xây dựng, trong phiên tòa xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), khi Luật sư đang bào chữa thì Chủ tọa - Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan lại thản nhiên nghe điện thoại, phớt lờ những trình bày của luật sư và đương sự.
Hình ảnh Chuyện cười ra nước mắt ở chốn pháp đình năm 2014 số 2

Chủ tọa - Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan nghe điện thoại khi đang xét xử. (Ảnh Báo Xây dựng)

Trả lời Infonet về bức ảnh "chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử" gây xôn xao cư dân mạng, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng hãng luật Gia đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: "Hành động nghe điện thoại khi đang xét xử làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của phiên tòa, coi thường nội quy phiên tòa, coi thường pháp luật mà hành vi nghe điện thoại không tập trung, chú ý trong lúc làm việc.
Đặc biệt nghe điện thoại trong quá trình xét xử sẽ làm cho thẩm phán không nắm bắt hết các ý kiến, quan điểm các đương sự, bị cáo, đại diện viện kiểm sát, của luật sư để đưa vào bản án, lắng nghe để phát hiện tình tiết mới… và chính sự vi phạm này là một trong những nguyên nhân ra bản án oan sai, thiếu sót.
Đồng thời thể hiện việc chủ tọa phiên tòa coi thường, không tiếp thu các quan điểm, ý kiến của các bên liên quan… Điều đó càng cho thấy những dấu hiệu về “án bỏ túi” và việc xét xử nhiều lúc chỉ là thủ tục, hình thức vì bản án đã soạn sẵn. Điều này thể hiện chất lượng xét xử không cao, chỉ là hình thức và đây không được gọi đúng nghĩa là tranh tụng tại tòa”.
Theo Đời sống & Pháp luật