News

6/recent/ticker-posts

Gặp người lật tẩy kẻ “nhảy múa” trên hồ sơ gây oan sai cho Huỳnh Văn Nén

Vụ án người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén đã đi qua, ông Nén được giải oan, được công khai xin lỗi. Nhưng với một vị luật sư, nó là cả một quá trình đấu tranh cho công lý còn đọng lại.
Đó là một sự tình cờ vào một ngày giữa tháng 5/2004, có một vị khách lạ ôm chồng đơn thư, tự giới thiệu mình tên Trần Mỹ- nhà báo nghiệp dư ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận đến gặp phó giáo sư, tiến sỹ, LS Phạm Hồng Hải cầu cứu. Sau một đêm nghiên cứu hồ sơ của ông Mỹ đưa cho, PGS. TS. LS Hải nhận thấy đây là một vụ án oan và đồng ý bào chữa, minh oan miễn phí cho gia đình bà Nguyễn Thị Lâm. Từ đây, kỳ án oan sai vườn điều từng gây “bão” dư luận trong suốt hơn chục năm qua được công lý soi sáng, mà mắt xích đầu tiên phải kể đến là ông Huỳnh Văn Nén

LS Phạm Hồng Hải.

Cuộc gặp định mệnh
Với anh em PV Báo ĐS&PL chúng tôi, PGS.TS. LS Phạm Hồng Hải - Trưởng Văn phòng LS Phạm Hồng Hải & Cộng sự (Đoàn LS TP. Hà Nội) là chỗ thân tình suốt hơn chục năm qua. Dù ở cương vị thầy giáo giảng dạy, Trưởng Văn phòng LS, Chủ nhiệm Đoàn LS TP. Hà Nội, hay Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, PGS.TS. LS Phạm Hồng Hải vẫn được mọi người đánh giá là một chuyên gia pháp lý hình sự hàng đầu Việt Nam. Nhân ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm anh mang theo chút hơi ấm của mùa xuân đất nước. Thật mừng, sức khỏe của LS Hải đã khá hơn trước rất nhiều sau cái ngày bị đột quỵ cách đây mấy năm về trước. Gặp anh em nhà báo từng “vào sinh ra tử” với mình trong nhiều vụ kỳ án trên khắp cả nước, PGS.TS Phạm Hồng Hải đôi mắt rưng rưng, giọng thều thào kể về những kỷ niệm cuộc đời làm “thầy cãi”.
Tuy nằm ở nhà dưỡng bệnh, phục hồi sức khỏe sau cơn bạo bệnh, LS Hải vẫn theo dõi nỗi oan khuất của ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận, hiện dư luận cả nước đang hết sức quan tâm. Trong lúc trò chuyện, LS Phạm Hồng Hải đưa chúng tôi trở về 22 năm trước (năm 1993), tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xảy ra một vụ giết người gây Chấn động dư luận cả nước. Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận xác định nạn nhân là Dương Thị Mỹ (SN 1955, trú tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) có chồng là Huỳnh Ngọc Bửu và 6 người con, đã ly thân với chồng đang chờ ngày đến Tòa án để ly hôn. Dương Thị Mỹ bị giết chết vào đêm 18 rạng ngày 19/5/1993 tại một vườn điều ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân. Do không tìm được thủ phạm, hết thời hạn điều tra (4 tháng), cơ quan CSĐT quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Cái chết thương tâm của bà Mỹ tưởng chừng khép lại, đến năm 1998, tại huyện Hàm Tân lại xảy ra một vụ giết người dã man, nạn nhân cũng là nữ giới. Vụ án xảy ra vào ngày 23/4/1998, nạn nhân là Lê Thị Bông. Đến ngày 16/5/1998, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt Huỳnh Văn Nén (SN 1962, trú tại xã Tân Minh, Hàm Tân) để điều tra, làm rõ về hành vi Giết người và Cướp tài sản. Kết quả xét xử vụ án này đã xử phạt Huỳnh Văn Nén tù chung thân. Đây là vụ án oan đầu tiên của ông Nén, sau gần 20 năm mới được “đèn giời soi sáng”.
Sự việc oan sai không dừng lại ở đây, cơ quan CSĐT lại điều tra theo hướng ông Nén có liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ nên đã đấu tranh, dùng “biện pháp nghiệp vụ” để ép con người đáng thương này một lần nữa phải nhận tội “giết người”. Ban đầu, ông Huỳnh Văn Nén không nhận giết bà Dương Thị Mỹ. Sau 5 tháng cầm cự bảo vệ thanh danh của mình không thành, đến ngày 20/12/1998, ông Nén buộc phải nhận tội là cùng với Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ), Nguyễn Thị Nhung (chị gái vợ), Nguyễn Văn Sơn (anh trai vợ), Nguyễn Văn Tiền (em trai vợ), Nguyễn Thị Tiến (em gái vợ) và Nguyễn Thị Cẩm (vợ) cùng cháu Nguyễn Thanh An, Trần Thanh Vân (con riêng của chị Nhung) đã giết bà Dương Thị Mỹ. Nguyễn Thị Tiến lấy nhẫn vàng, đồng hồ, khuyên tai vàng của bà Mỹ. Từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận đã dựng lên câu chuyện đánh ghen không có thật như sau: Đầu năm 1993, Trần Văn Sáng có quan hệ tình ái với Dương Thị Mỹ. Mối quan hệ này làm cho vợ Sáng là Nguyễn Thị Nhung rất ghen tuông. Khoảng 9h ngày 18/5/1993, Nhung phát hiện trong túi quần Sáng một tờ giấy ghi nội dung: “Mỹ muốn gặp anh Sáng vào 1h đêm nay tại vườn điều ông Hai Hoàng”. 17h cùng ngày, Nhung tập hợp mẹ, con ruột cùng các em, trong đó có Huỳnh Văn Nén (em rể Nhung) bàn cách đánh ghen bà Mỹ.
Rạng sáng ngày 19/5/1993, chờ cho Sáng và Mỹ ôm nhau, Nhung ra hiệu cho mọi người xông đến. Lâm dùng dao phay chém một nhát vào quai hàm bà Mỹ và chém liên tiếp nhiều nhát nhưng không xác định trúng vào đâu. Sơn dùng gậy đánh nhiều nhát vào đầu, Tiền đánh vào ngực, các tên còn lại đấm đá, cào cấu vào người bà Mỹ. Nhung xé áo ngực nạn nhân, Tiến lột nữ trang gồm 2 nhẫn vàng, 1 sợi dây chuyền, 1 chiếc bông tai vàng và 1 đồng hồ điện tử. Riêng Huỳnh Văn Nén và vợ Nguyễn Thị Cẩm thấy nhiều người xông vào đánh nên chỉ đứng coi, không tham gia.
LS Hải cho hay, khi ông gặp ông Trần Mỹ thì vụ án vườn điều đã qua 2 lần xét xử, nhưng ông đã “đọc vị” còn nhiều bất hợp lý trong hồ sơ vụ án.
Gặp người lật tẩy kẻ “nhảy múa” trên hồ sơ gây oan sai cho Huỳnh Văn Nén - Ảnh 2

Ông Nguyễn Thận người có công lớn trong quá trình minh oan cho ông Nén.

Lật tẩy kẻ “nhảy múa” trên hồ sơ gây oan sai
LS Phạm Hồng Hải cho hay, vụ án giết người được phát hiện vào ngày 21/5/1993, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Vào thời điểm này, thi thể không còn khả năng nhận dạng. Các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, nạn nhân bị giết vào đêm 19 rạng ngày 20/5/1993 là điều khó tin. “Vào tháng 5, ở địa bàn miền Trung như Bình Thuận thường hanh khô. Và theo kết quả xác minh từ cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 19/5 đến ngày 20/5/1993 tại Bình Thuận không có mưa nên nếu mới qua hơn một ngày tử thi không thể thối rữa và có nhiều nhộng bò như kết quả khám nghiệm hiện trường”, LS Phạm Hồng Hải phân tích tình huống pháp lý.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, LS Hải không thấy một tài liệu nào được gọi là bức thư tình, hẹn hò của bà Mỹ gửi ông Sáng. Thế nhưng, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận từ đầu tới cuối luôn cho rằng có một bức thư tình như trên đã nói. Đây là một tài liệu quan trọng, là tâm điểm, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc cả gia đình bà Nguyễn Thị Lâm bàn bạc, tổ chức giết bà Dương Thị Mỹ. LS Phạm Hồng Hải mổ xẻ tâm lý: Người nông thôn ngoại tình thường kín đáo, không ai dại gì nhờ người khác viết hộ thư tình (bà Mỹ không biết chữ), đây là điều bất hợp lý. Còn nữa, ông Sáng đọc xong thư, nhét vào trong túi quần để vợ giặt quần áo buổi sáng phát hiện ra. Đây là một “kịch bản” của cơ quan điều tra, vì ở nông thôn cũng như thành thị, người ta thay quần áo bẩn vào buổi chiều tối, sau một ngày lao động. Nếu ông Sáng thay quần áo trong đó có cái gọi là bức thư hẹn hò của bà Mỹ, thì cuộc hẹn hò giữa hai người phải được ấn định vào đêm 17 rạng ngày 18/5. Vì theo cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận thì cuộc hẹn vào 1h khuya (tức đêm của ngày viết bức thư). Điều này lại không đúng với nhận định là bà Dương Thị Mỹ bị giết vào đêm 19/5/1993, chứ không phải đêm 18/5/1993. Ngược lại, nếu ông Trần Văn Sáng sau một vài tiếng đồng hồ làm việc buổi sáng ngày 18/5/1993, rồi mới về thay quần áo để vợ giặt thì có nghĩa rằng Trần Văn Sáng đã nhận được bức thư đó vào đầu giờ sáng. Liệu anh ta có thể sơ suất tới mức độ không tiêu hủy bức thư để che đậy một buổi hẹn hò vào buổi tối hôm đó không? “Tất cả những nội dung trên không được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận làm rõ. Do vậy, tôi cho rằng bức thư hẹn hò giữa Dương Thị Mỹ và Trần Văn Sáng chỉ là một bức thư ảo mà thôi”, LS Phạm Hồng Hải khẳng định.
Trong nhiều hung khí mà đối tượng gây án dùng để tấn công nạn nhân phải kể đến con dao phay thái thịt. Theo quy kết của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận, chính Nguyễn Thị Lâm đã dùng con dao này tấn công nạn nhân, gây đứt tay, đứt quai hàm, gây mất máu dẫn đến cái chết của nạn nhân. Con dao đó đã được Huỳnh Văn Nén chôn giấu dưới lòng đất. 5 năm sau, khi CQĐT khai quật và thu được, thì nó chỉ xác định là một thanh kim loại có kiểu dáng con dao phay. LS Hải chỉ ra những bất hợp lý của hung khí giết người như sau: “Đất Bình Thuận ít mưa, nắng nóng và khô. Nếu thực sự con dao gây án chôn ở độ sâu khoảng 50cm, nó không thể biến dạng, han rỉ nhanh như vậy được (khi xét xử mẫu vật được gọi là con dao là hung khí chỉ còn là mạt sắt đựng vỏn vẹn trong vỏ bao thuốc lá). Sau này cơ quan chức năng xác định các vết thương trên người nạn nhân là do dao quắm gây nên và nhận định của tôi hoàn toàn có cơ sở pháp lý”.
Một trong những điểm thiếu thuyết phục trong nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng, hiện trường vụ án chính là nơi phát hiện thi thể nạn nhân. Thực tế, tại nơi phát hiện ra tử thi, mặc dù có một số vết máu nhưng không đáng kể, trong khi đó nạn nhân là một người to khỏe, bị giết chết bởi những vết thương gây mất máu (đứt xương trụ tay, vùng cổ và gáy bị vỡ toác nham nhở, giập nát vùng cằm và vỡ xương hàm dưới, đứt lưỡi...). Với các vết thương nêu trên, chắc chắn trên quần áo, người nạn nhân và nơi xảy ra vụ án phải có rất nhiều máu. LS Phạm Hồng Hải chỉ ra khi nạn nhân chết tới lúc phát hiện ra thi thể, ở địa phương không có mưa (một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm xáo trộn hiện trường và xóa đi các vết máu ở lại). Vậy thì máu nạn nhân đã chảy đi đâu? Điều đáng nói, quần áo nạn nhân lại không có một giọt máu nào? LS Hải nghi ngờ nạn nhân bị giết ở nơi khác và thi thể được chuyển đến vườn điều nhà ông Hai Hoàng. Nhiều người đồng tình với quan điểm của luật sư, vì khi họ tham gia khâm liệm nạn nhân Dương Thị Mỹ đã thấy trong lòng các móng tay để dài của nạn nhân dính nhiều đất màu đen (đất thường có ở nhiều nền nhà người dân huyện Hàm Tân). Trong khi đất ở vườn điều nhà ông Hai Hoàng là đất đồi có màu vàng. Tâm sự với chúng tôi, LS Phạm Hồng Hải cho biết, ông gần như khóc khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạc cuối đời của bị cáo Nguyễn Thị Nhung gửi gia đình trước lúc lâm chung. Xin trích đoạn: “...Trước khi tôi nhắm mắt xuôi tay, kính gửi cha mẹ ruột, cha mẹ chồng, nội ngoại, người thân và chồng Trần Văn Sáng thực hiện nguyện vọng của tôi như sau: 1) Khi tôi chết không được chôn cất phải đưa thi hài tôi giao cho Công an tỉnh Bình Thuận; 2) Tài sản gia đình trước đây đã bán nhà, đất, xe để đi kiện, nay còn lại phải vơ vét toàn bộ dù nghèo, đói, rách, chồng tôi Trần Văn Sáng và toàn bộ người thân trong gia đình cũng phải đội đơn đến Quốc hội... để minh oan giải quyết cho tôi, khi đó linh hồn tôi mới siêu thoát, thanh thản ra đi...”.
Từ những điều nói ở trên đã thôi thúc LS. Phạm Hồng Hải đưa ra quyết định tham gia bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong vụ án vườn điều. Dù gần 22 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về vụ án “vườn đều” vẫn không hề phai nhạt trong lòng vị luật sư tài ba có tấm lòng nhân hậu. Quyết tâm phá án oan sai vì công lý, LS Phạm Hồng Hải đã bị kẻ gian làm đơn tố cáo có hành vi phạm tội “vu khống” và “làm nhục người khác” (điều tra viên Cao Văn Hùng) gửi đến Ban nội chính Trung ương, Ủy ban tư pháp Quốc hội. Giờ đây, bão tố đã xua tan, ông Huỳnh Văn Nén đã được giải oan, chính thắng tà, quy luật từ ngàn xưa đến nay vẫn còn giá trị.
Tại sao Nén vào diện nghi can trong vụ án sát hại bà Lê Thị Bông?
Đêm ngày 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2, xã Tân Minh (căn cứ 6) bị hung thủ dùng dây siết cổ chết để cướp một nhẫn vàng. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vào cuộc được hai tuần vẫn chưa tìm ra hung thủ. Theo tài liệu mà PV thu thập được, cùng thời gian này, ở căn cứ 6, Huỳnh Văn Nén có trục trặc với vợ, hay đi lang thang ngoài chợ, ai nhờ gì làm nấy để lấy tiền uống rượu. Mấy ngày sau khi bà Bông bị giết, trong một lần ngà ngà say, Huỳnh Văn Nén đã nói với bạn nhậu đại ý rằng đã từng giết người ở căn cứ 6. Có tài liệu thể hiện: Mấy ngày sau khi bà Bông bị giết, gặp ai hơi có vẻ lịch sự là Nén chắp tay: “Thưa sư phụ, em lỡ giết bà Năm (bà Bông). Sư phụ cho em mấy đồng để em mua rượu cúng cho bà...(?!)”.
Trong quá trình điều tra vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt, thì thông tin này đã lan nhanh đến công an tỉnh Bình Thuận. Các điều tra viên sung sướng như bắt được vàng vì nghĩ rằng Huỳnh Văn Nén là hung thủ. Vậy là Huỳnh Văn Nén bị cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận gọi lên để “đấu tranh”. Điều tra viên Cao Văn Hùng được giao nhiệm vụ phá án đã không từ một “nghiệp vụ” nào với ông Nén. Tất nhiên, một người nông dân chân chất như Huỳnh Văn Nén làm sao chịu nổi “đòn” nghiệp vụ suốt nhiều tháng trời của điều tra viên. Sự chịu đựng của con người cũng có giới hạn, Huỳnh Văn Nén buộc phải nhận là hung thủ giết bà Bông, trong khi kẻ giết người thực sự đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Điều đáng nói, Cơ quan điều tra lại tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và “đấu tranh” với Huỳnh Văn Nén theo hướng là hung thủ giết bà Dương Thị Mỹ năm xưa. Như một sự tin tưởng của cơ quan cấp trên, điều tra viên Cao Văn Hùng tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ điều tra vụ án vườn điều (khôi phục điều tra). Ban đầu ông Nén cương quyết bảo vệ tâm thân trong sạch của mình, khẳng định không tham gia vào vụ án vườn điều. Như một kịch bản đã định sẵn, Huỳnh Văn Nén lại phải nhận tội giết bà Mỹ, trong khi ông ta không làm. Bản án 5 năm tù về tội giết người một lần nữa đẩy công dân Huỳnh Văn Nén xuống tận đáy xã hội của tội phạm.
Qua 4 lần xét xử, ngày 26/12/2005, cơ quan CSĐT bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bà Nguyễn Thị Lâm, anh Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Sơn, chị Nguyễn Thị Tiến và Huỳnh Văn Nén. Những nỗ lực của LS Phạm Hồng Hải khi tham gia vụ án vườn điều đã được đền đáp xứng đáng. Từ vụ án vườn điều, những oan sai của ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án bà Lê Thị Bông tiếp tục được phơi bày ra ánh sáng. Công lý được thực thi. Hai kỳ án oan sai của ông Huỳnh Văn Nén được xem là một bài học đắt giá cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chứng cứ, định hướng điều tra và trên hết là cái tài, cái tâm của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán. Phó viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể khẳng định, cục Điều tra Hình sự VKSND Tối cao sẽ xem xét, xử lý những sai phạm trong hoạt động tư pháp dẫn tới oan sai kéo dài trên 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén.