News

6/recent/ticker-posts

NSƯT Trần Đức: “Nhập vai để được người ta ghét, chính là thành công của tôi!”

Nhắc đến NSƯT Trần Đức, khán giả hẳn ai cũng nghĩ đến hình ảnh ông giám đốc tham nhũng, quan chức thoái hóa biến chất hay những gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ...trong những bộ phim như Đầm lầy bạc, Chạy án, Giọt nước rơi... Bộ phim gần đây nhất, NSƯT Trần Đức tham gia đang thu hút sự quan tâm của khán giả là vai ông Chủ tịch tỉnh phim Kỳ phùng địch thủ phát giờ vàng trên VTV1. Được mệnh danh là "ông trùm xã hội đen" trong làng phim Việt, nghệ sỹ Trần Đức chia sẻ với PV báo ĐS&PL, các vai diễn trên phim đã đem đến nhiều hiểu lầm thú vị cho ông ngay cả trong cuộc sống thường nhật.
Căm thù trong phim, ghét lây ngoài đời
Ngoài đời thật, nhiều người gặp gỡ “ông sếp khét tiếng” Trần Đức ngay lập tức đã nhăn mặt, bĩu môi: “Ông này đểu lắm đấy nhé!”. Nghệ sỹ chia sẻ: “Có người phản ứng gay gắt, nói là căm thù tôi. Thậm chí một số người không dám đến gần bắt chuyện vì ác cảm. Nhưng sau khi nhận được phản ứng kịch liệt từ phía khán giả, tôi chỉ cảm thấy buồn cười, nhiều người tỏ ra ghét cay ghét đắng nhưng như thế nghĩa là khán giả ấn tượng với vai diễn của tôi”.

NSƯT Trần Đức.

Nhiều người băn khoăn không hiểu vì sao NSƯT Trần Đức lại hợp đóng vai phản diện đến vậy. Các đạo diễn cứ có vai “đểu” lại nghĩ ngay đến người nghệ sỹ với mái tóc húi cua, nụ cười nhếch mép cùng cặp kính trắng. Nghệ sỹ Trần Đức cho biết: “Những vai diễn phản diện của tôi luôn mang tính chất cao cấp, không phải “đầu trộm đuôi cướp” đao to búa lớn. Đó phải là những ông giám đốc có tầm cỡ đầy chất thâm thúy, mưu sâu kế hiểm, thể hiện được đúng “chất” của mình. Nhiều khi muốn nhận những vai chính diện, đạo diễn lại bảo khó lắm vì khán giả... không quen. Có thể nói diễn để được người xem ghét, căm thù chính là thành công của tôi”.
Hơn 30 năm hoạt động trên sân khấu và truyền hình, tuy người xem luôn nghĩ đến Trần Đức với sở trường vai ác nhưng hiếm ai biết rằng những vai diễn để đời được ghi nhận nhiều thành công của ông lại từ vai chính diện. Ngày đó, khi còn hoạt động ở Nhà hát Kịch Hà Nội, Trần Đức đã thành công với vai Giáo sư Thuận trong Khoảng trống, nhà vua trong Hăm-lét. Ông chia sẻ, vai diễn xuất sắc và đặc biệt nhất trong cuộc đời nghệ sỹ của mình phải kể đến Tám Tính trong vở kịch Ăn mày dĩ vãng chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Chu Lai. Nhân vật Tám Tính chỉ xuất hiện vỏn vẹn 10 phút trong vở kịch nhưng đã đem đến cho ông huy chương Vàng hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998. Với Giáo sư Thuận trong Khoảng trống, NSƯT Trần Đức năm ấy cũng đã lấy đi nhiều nước mắt của người yêu kịch. Nhiều người đã khóc, nán lại sau vở kịch để được gặp "giáo sư"...
Sở trường đóng song sóng hai trường phái thiện - ác của NSƯT Trần Đức đã được khẳng định trong gần 40 năm gắn bó với sân khấu và màn ảnh. Trong bộ phim Ráng chiều (của đạo diễn Đặng Thái Huyền) mới được công chiếu cuối năm 2015, nghệ sĩ Trần Đức vào vai ông Thế cao tuổi hiền lành, sống một mình cô đơn khi người vợ qua đời vì bệnh ung thư. Nhân vật Thế ngày một trở nên rầu rĩ, ốm yếu...phải giả bệnh nặng để gọi người con bên nước ngoài trở về. Diễn biến tâm trạng nhân vật hoàn toàn trái ngược với những vai diễn phản diện đầy mưu mô, đáng ghét của ông.
Cơ duyên đến với nghề giáo
Bên cạnh nghiệp diễn, nghệ sỹ Trần Đức hiện là giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Chuyển sang làm giáo viên đã gần 10 năm, ông hiện là Chủ nhiệm khoa Sân khấu điện ảnh và Múa tại trường. NSƯT Trần Đức chia sẻ nghề sư phạm đến với ông một cách rất tự nhiên: “Khi ấy, cố TS. Nguyễn Xuân Yến đang là hiệu trưởng trường CĐNT Hà Nội. Thầy đã quyết định đưa tôi về giảng dạy khi hai người cùng nghĩ đến việc tái lập lại khoa Sân khấu điện ảnh tại trường. Mọi người đã quen với bặm, phong trần. Tôi đã từng ăn mặc hầm hố, đi những chiếc xe mô tô lớn khá "chất". Nhưng giờ chuyển sáng làm nhà giáo, tiếp tục giữ lấy phong cách ấy cũng thấy...kỳ kỳ. Tuy không còn phóng khoáng tự do như trước, nhưng tôi cũng không đánh mất bản thân mình mà chỉ thay đổi quần áo, hình thức bên ngoài thôi. Cảm giác na ná như những vai "sếp" tôi từng đảm nhận những điềm đạm và nhẹ nhàng, tâm huyết hơn. Nhiều người còn nghi ngờ: "Không biết ông này đi dạy thì thế nào?". Những bản thân tôi nhận thấy mình đang làm tốt.
Nhiều học trò đã thành đạt
Nhiều thế hệ học trò của ông ra trường đã trở thành gương mặt được công chúng biết đến trên sân khấu và truyền hình như Lã Thanh Huyền, Thiện Tùng, Thanh Hoa, Hồng Lê… Họ hiện đang công tác tại các nhà hát danh tiếng của Hà Nội.
Vẫn có thời điểm chuyên đóng những vai ác, nhưng ngoài đời học trò nhận xét NSƯT Trần Đức là một giảng viên tận tụy. Trò chuyện với PV báo ĐS&PL trong ngôi nhà giản dị, ấm cúng, “ông trùm xã hội đen” Trần Đức lại trở về với hình ảnh một người thầy điềm đạm, vui tính. “Với thế hệ trẻ bây giờ, không nên gay gắt, đe nẹt quá. Tôi cũng không đặt quá nhiều áp lực cho sinh viên. Học trò của tôi nhiều bạn vẫn đi làm bên cạnh việc học trên lớp, ai cũng có cuộc sống riêng. Nhiều người thậm chí tiếp xúc với truyền hình rất sớm nên tôi cho họ thoải mái, miễn là học sinh “khai thật” xin nghỉ để đi quay, đi diễn. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trả đủ bài thi cho việc học sớm có thói hư tật xấu gì thì phải trị đến nơi đến chốn. Nhiều khi lớp học kéo dài đến tận 7-8h tối, với học trò tôi đối xử thoải mái như con....", ông chia sẻ.
Công việc giảng dạy hiện tại của NSƯT Trần Đức khá bận rộn, việc diễn xuất tùy thuộc vào hãng phim nên trong năm không phải lúc nào ông cũng đi diễn. "Trong năm 2016, tôi vẫn sẽ tập trung vào việc giảng dạy vì phải chuẩn bị hỗ trợ nhiều kịch bản tốt nghiệp của sinh viên. Quan trọng là nghệ sỹ trẻ và học trò được mình đào tạo toàn diện về nghiệp diễn cũng như các hoạt động nghệ thuật khác", NSƯT Trần Đức nói.
Ngày Tết muốn được nghỉ ngơi bên người thân
Dành nhiều thời gian bên gia đình, nghệ sỹ thích không khí
ấm cúng và quây quần khi năm hết Tết đến nhưng lại sợ “cảnh” chuẩn bị đón Tết. Vì theo ông, cứ đến Tết, mọi người lại “bấn” lên vì rất nhiều việc, có khi còn phải chuẩn bị quá nhiều thứ mà khi hết Tết rồi lại trở thành lãng phí, ăn uống mãi không hết. Trong những ngày Tết, người nghệ sỹ kiêm giảng viên chỉ muốn có những ngày nghỉ ngơi bên người thân, gia đình để đón một năm mới bận rộn với nhiều việc có ý nghĩa.