News

6/recent/ticker-posts

Lão nông thu 10 triệu mỗi ngày nhờ máy thu gom rơm tự chế

Thấy người nông dân thường bỏ phí rơm rạ trên cánh đồng ruộng, lão nông dân quê Khánh Hòa nảy ra ý tưởng làm chiếc máy gom rơm đa năng và kiếm được 10 triệu mỗi ngày.
Theo báo An Ninh Thủ Đô, lão nông Trần Đức Mạnh xuất thân từ nông dân (thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), chưa qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí lại mang trong mìnhcăn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Thế nhưng, ông đã sáng chế ra một chiếc máy cào rơm, với công suất làm việc bằng 30 lao công làm việc trong 8 giờ. Sáng chế của ông đã góp phần giúp nông dân tiết kiệm được công sức, việc đồng áng thuận lợi, bớt vất vả và hiệu quả hơn… 
Rơm được lão nông dân gom thành từng cuộn. (Ảnh: Dân Việt)
Sau 2 tháng loay hoay với những máy móc cũ, thu mua giá rẻ từ các cửa hàng phế liệu, ông Mạnh đã cho ra đời sản phẩm của mình. Chiếc máy cào rơm của ông được lắp ráp từ nhiều phế liệu khác nhau, không một bộ phận nào của chiếc máy là đồ mới. Khung máy là đồ bỏ đi từ một chiếc xe chở khách của một công viên, các ống thủy lực được ông mua lại từ các xưởng cơ khí trên địa bàn.

Dân Việt cho biết, sau một thời gian đưa máy cào rơm vào hoạt động, đến nay mỗi ngày ông Mạnh kiếm được 10 triệu đồng từ việc gom rơm.
Ông Trần Đức Mạnh (Diên Khánh, Khánh Hòa) phấn khởi cho biết, hơn 10 ngày nay, khách hàng đặt liên tục nhưng không đủ cung cấp. Bình quân mỗi ngày, ông Mạnh gom 500–550 cuộn rơm, bán với giá 20.000 đồng một cuộn, ông thu về hơn 10 triệu đồng và lãi hơn một nửa.
Ông Mạnh cho biết thêm, vì lợi nhuận từ rơm lớn nhưng lượng không đủ cung cấp kịp cho khách, ông còn thuê thêm 2 lao động gom rơm thêm. Ông cho hay 3 ngày trước, có khách hàng điện thoại đặt bao tiêu 1.000 cuộn rơm một ngày nhưng ông từ chối vì nhân công, máy thu gom không kịp theo đơn đặt hàng.
Theo ông Mạnh, do năm nay, tình hình hạn hán khốc liệt kéo dài dẫn đến thức ăn cho gia súc thiếu nên lượng rơm rạ tiêu thụ mạnh. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Bình quân mỗi ngày ông gom rơm từ 2-3ha. Rơm được ông dùng máy cuộn chặt, tròn đều, gọn nên dễ dàng thuận tiện cho việc sắp xếp và vận chuyển.
Ông Mạnh chia sẻ về ý tưởng của mình, trước đây người nông dân thường bỏ phí rơm rạ trên cánh đồng ruộng, xót của ông nảy ra ý tưởng làm chiếc máy gom rơm đa năng. Máy có kết cấu gọn nhẹ, vận chuyển được mọi địa hình, vừa gom và nâng rơm được lên xe. Sau khi chế tạo thành công, chiếc máy đã vận hành vào vụ đông xuân 2015–2016, giúp ông gom rơm và kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Dịch vụ thu gom rơm, rạ tại ĐBSCL lãi hơn 2 triệu đồng/ngày
Trước đó, TTXVN đưa tin, cũng nhờ vào dịch vụ thu gom rơm tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho người nông dân thu lãi hơn 2 triệu đồng/ngày.
Được biết, dịch vụ thu gom, cuộn rơm trên đồng; nếu trời nắng, mặt đất ráo, máy thu gom và ép thành cuộn tròn được 5.000 m2/giờ.
Máy cuộn rơm đi làm thuê thì thu với giá 800.000 – 1.000.000 đồng/ha, còn nếu đi cuốn rơm bán thì bình quân 17.000 đồng/cuộn rơm khô và 13.000 đồng/cuộn rơm ướt, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 2 triệu đồng/ngày.
Thông tin trên được ông Vũ Anh Tuấn, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại hội thảo thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra đầu tháng 3, tại Cần Thơ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.
Theo ông Tuấn, với sản lượng trên 20 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng trên 20 triệu tấn rơm, rạ. Trước năm 2013, tại Đồng bằng sông Cửu Long trên 80% lượng rơm được đốt và vùi rơm trên đồng ruộng, còn lại là bán rơm, cho rơm trên đồng.
Hiện nay rơm, rạ tại Đồng bằng sông Cửu Long được đốt trên đồng một phần, một phần sử dụng trong chăn nuôi, làm nguyên liệu trồng nấm, ủ gốc cây trồng, đốt trên đồng ruộng, vật liệu chèn lót vận chuyển củ quả, làm phân bón...
Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất rằng, rơm rạ bị đốt cháy vừa lãng phí nguồn năng lượng lớn vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Do đó, việc thu gom rơm, rạ góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lúa gạo thông qua việc tận dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp; cũng như góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo và góp phần bảo vệ môi trường.