News

6/recent/ticker-posts

Nam Bộ có thể nóng trên 39 độ C

Từ đầu năm đến nay Nam Bộ chỉ có 3 cơn mưa tương đối lớn. Dự báo đến giữa tháng sau mới vào mùa mưa và nắng nóng từ 37-39 độ C, có nơi cao hơn.

Thời tiết ở Kiên Giang có phần mát mẻ hơn sau cơn mưa gần nửa giờ ở TP Rạch Giá và huyện Châu Thành (Kiên Giang) vào chiều 6/4. Tuy nhiên, ngày 7/4, nắng tiếp tục nóng trở lại và nhiệt độ tăng cao dần như các tỉnh lân cận.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mưa ở Kiên Giang là trái mùa, xuất hiện vào các tháng mùa khô. Mưa trái mùa thường không phủ trên diện rộng, thời gian xảy ra ngắn và chủ yếu do đối lưu nhiệt tại địa phương gây ra.

Ngoài cơn mưa ở Kiên Giang, từ đầu năm đến nay Nam Bộ có vài cơn mưa trên diện hẹp (cục bộ) với lượng mưa nhỏ. Hai tuần trước mưa rào ở Châu Phú (An Giang); riêng Tân Sơn Hòa (TP HCM) và Mỹ Tho (Tiền Giang) có một ngày mưa to (3/1) với lượng mưa 24 giờ lớn nhất lần lượt là 25 mm và 53 mm.

Nông dân huyện Châu Thành (Trà Vinh) lên giồng trên mặt ruộng để trồng hoa màu nhưng không tìm được nước. Dự báo đến giữa tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2016, mùa mưa ở đây mới bắt đầu. Ảnh: Việt Tường.
Thời kỳ mưa chuyển mùa được cơ quan khí tượng nhận định vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2016. Sau đó, mùa mưa chính thức bắt đầu ở Nam Bộ với thời gian muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-20 ngày. Như vậy, mùa mưa đến ở hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực vào nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016.

Cụ thể, các tỉnh ven biển phía tây (Kiên Giang, Cà Mau) và phía bắc (Miền Đông) mùa mưa đến từ 15-25/5, các khu vực còn lại từ 20-30/5. Riêng vùng ven biển các tỉnh từ Sóc Trăng đến Bà Rịa - Vũng Tàu, mùa mưa xuất hiện muộn hơn, từ 1-10/6.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, El Nino đã có xu hướng giảm dần về cường độ trong các tháng đầu năm nay. Dự báo, El Nino tiếp tục suy giảm nhanh trong khoảng 2-3 tháng tới và nhiều khả năng sẽ trở về trạng thái trung tính vào tháng 6-7.

"Có một số mô hình còn dự báo ENSO sẽ chuyển sang pha lạnh (La Nina) với xác xuất khoảng 52-57% vào những tháng cuối năm 2016", ông Dũng chia sẻ.

Đối với nhiệt độ, trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 là thời kỳ nắng nóng cao điểm ở khu vực Nam Bộ. Các đợt nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng nhưng chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất tại khu vực này và TP HCM phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi cao hơn.

Miền Tây Nam Bộ trong thời điểm này nhiệt độ ở mức 35-37 độ C. Riêng vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia (An Giang, Long An, Đồng Tháp) có khả năng nhiệt độ trên 37 độ C. Tình hình nắng nóng, khô hạn còn kéo dài đến cuối tháng 5/2016, có nơi sang đầu tháng 6/2016.

Về tình hình áp thấp nhiệt đới và bão hoạt động ở Biển Đông, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định: "Có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn). Trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Diễn biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào nửa đầu năm nhưng hoạt động mạnh và phức tạp hơn vào nửa cuối năm khi ENSO trở lại trạng thái trung tính".

Ông Dũng cũng cảnh báo người dân cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (10, 11, 12) ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ - Nam Bộ.

Về thủy văn, lũ đầu mùa ở miền Tây ít có khả năng xuất hiện vùng đầu nguồn sông Cửu Long (đến cuối tháng 7, mực nước tại Tân Châu bằng hoặc cao hơn 3,0 m). Tuy nhiên, sẽ có các đợt nước lên trên sông Cửu Long và đỉnh lũ chính vụ cao nhất năm tại Tân Châu và Châu Đốc xuất hiện vào nửa đầu tháng 10/2016. Khi đó, lũ ở mức cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm, tương đương mức báo động 1 (báo động 1 tại Tân Châu là 3,50 m).

Ở miền Đông Nam Bộ, mực nước đỉnh lũ năm tại Tà Lài (sông Đồng Nai) sẽ cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn mức báo động 2, xuất hiện trong tháng 8-9/2016 (mức báo động 2 tại Tà Lài là 113,00 m).

Mực nước triều cường cao nhất năm tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) sẽ cao hơn báo động 3, xấp xỉ đỉnh triều năm 2015, ở mức 1,60-1,65 m, xuất hiện vào các kỳ triều cường giữa tháng 11 và 12/2016.

Hiện nay mực nước trên sông Mekong đang tăng, khu vực thượng và trung lưu ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng 4-5/2016 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, mức độ xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu giảm dần và xấp xỉ cùng kỳ mùa khô 2014-2015.

Trên hệ thống sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai - Sài Gòn, độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện trong nửa đầu tháng 4/2016. Khu vực bán đảo Cà Mau - Kiên Giang, xuất hiện vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2016.