News

6/recent/ticker-posts

Rộ trào lưu dân chơi đua nhau chi tiền khủng độ “siêu xe”, máy bay để… ngắm

Chưa từng học qua trường lớp cơ bản, chỉ vì đam mê các “siêu xe”, máy bay, không ít người vốn dĩ là nông dân chân đất, những thợ rèn “cấp làng” đã tự chế ra các sản phẩm cực dị.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Nói về chuyện độ xe, có thể nói mỗi người mỗi kiểu, mỗi người một sở trường, sở thích khác nhau. Có những người thích kiểu cổ điển trang nhã, có người thích kiểu hầm hố thể thao.
Mới đây, nhiều người trầm trồ khi biết tin anh Nguyễn Văn Thắng, ở quận Long Biên, TP. Hà Nội bỏ rất nhiều tiền ra độ “siêu xe”, máy bay. Tên tuổi của người đàn ông này nổi như cồn khi anh chế chiếc xe ô tô 5 bánh, được cho là hình dáng không đụng hàng với bất cứ ai.

Sau khi anh này đưa video giới thiệu về “đứa con cưng” của mình lên mạng đã ngay lập tức nhận được hàng ngàn lượt like, lượt chia sẻ. Các “đệ tử” của thú chơi độ xe ngay lập tức lao vào bàn tán sôi nổi. Trong đó, nhiều người gọi anh bằng các mỹ từ “thiên tài”, “chuyên gia” và sản phẩm chiếc xe 5 bánh hầm hố kiểu... siêu xe Lamborghini nhưng “made in Long Biên”.
Khi bàn về chiếc “siêu xe” này, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao anh Thắng lại có thể chế tạo thành công cửa xe nâng tự động cùng hai bánh trước có thể chạy ngược chiều nhau một cách tài tình như vậy. Tất cả đều ngạc nhiên hơn khi biết trình độ học vấn của anh này chỉ hết cấp trung học phổ thông. Hiện anh đang là một thợ rèn “cấp làng”.
Xe Roll Royce tự chế từ chiếc xe Nissan cũ với giá 50 triệu đồng.
Được biết, sản phẩm này do anh cóp nhặt các vật liệu từ nhiều chiếc xe khác và phải mất hơn một năm kỳ công chế tạo mới biến nó thành hàng độc. Để hoàn thiện “siêu xe”, người thợ rèn này không chỉ mày mò, khám phá mà còn bỏ không ít tiền của, thời gian đi tìm thiết bị có thể thay thế được.
Trước đây, người ta từng biết anh Thắng là “cha đẻ” của chiếc trực thăng tự chế. Với suy nghĩ “người ta chế được máy bay thì mình cũng làm được”, anh đã chi ra hơn 200 triệu đồng để hoàn thành ý tưởng. Cuối cùng, “đứa con” thai nghén hơn một năm trời cũng ra lò và cất cánh lên độ cao vài chục mét trong sự kinh ngạc của nhiều người...
Khi đó, anh Thắng là “thần tượng” của không ít người đam mê tự chế. Niềm đam mê độ xe như anh Nguyễn Văn Thắng không phải là chuyện hiếm mà ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia vào trào lưu này. Đơn cử như anh Hoàng Ngọc Lê (ở Thanh Hoá) chi ra đến 240 triệu đồng cùng nhóm bạn chế tạo một chiếc Rolls – Royce từ một chiếc xe ô tô hãng Nissan đời 2002 được mua với giá 50 triệu đồng.
Rồi chiếc Lamborghini Reventon tự chế của anh Trần Văn Kim ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng gây xôn xao dân mạng. Anh Kim đã chi 25 triệu đồng để mua một chiếc Toyota Corolla cũ và bỏ thêm khoảng 25 - 30 triệu đồng để chế ngoại thất xe theo kiểu “siêu xe” Lamborghini Reventon. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, việc bỏ hàng đống tiền tự chế ra những chiếc “siêu xe”, máy bay này cũng chỉ để đắp chiếu.
Chỉ đắp chiếu hoặc để “tự sướng”
Mới đây, cư dân mạng cũng xôn xao trước chiếc ô tô gỗ độc đáo của ông Lê Nguyên Khang (ở quận 7, TP.HCM). Khung gầm, động cơ, hộp số, hệ thống truyền động, vô lăng của hãng BMW đều được ông nhập về từ nước ngoài, còn lại tất cả các phần khác được làm thủ công từ gỗ.
Chiếc xe dài 4,6m, rộng 1,8m, nặng 1.420kg, thân xe được trang trí với các hoa văn hình long, ly, quy, phụng. Trước đó, cư dân mạng cũng xôn xao về chiếc Ferrari F430 nhái ở Hà Tĩnh. Đuôi xe mang phong cách thiết kế đặc trưng của “siêu xe” đến từ Italia với kiểu đèn hậu tròn tách rời, cản sau cứng cáp gắn logo ngựa chiến Ferrari cùng cặp ống xả đôi...
Theo anh Trương Quang Nghĩa, kỹ sư sửa chữa ô tô (ở một gara ở quận Ba Đình, Hà Nội), độ xe theo kiểu chơi ngông, ở khía cạnh nào đó bộc lộ tư chất kỹ thuật của các “hai lúa” Việt Nam. Đó là kết quả của niềm đam mê về kỹ thuật mà không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, ta phải khẳng định thú chơi và đam mê của những cá nhân trên tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tất cả các sản phẩm chỉ dừng lại ở mức “tự sướng” thôi. Nếu xem đó là cái thú thì không sao. Còn đánh giá nó quá cao như một kỳ tích trong công nghệ thì không nên. 
Đồng quan điểm với anh Nghĩa, anh Đặng Như Quỳnh - một thương gia chuyên buôn bán “siêu xe” ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng: “Tôi cũng như mọi người Việt Nam đều mơ ước một ngày nước ta sản xuất được “siêu xe”. Có thể đó cũng là lý do mà cộng đồng mạng tỏ ra phấn khích và cổ vũ cho thú chơi tự chế này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, không nên quá kỳ vọng vào đường đi như kiểu các “hai lúa” ở mình để hy vọng có thể cho ra đời một chiếc “siêu xe” made in Việt Nam đích thực trong tương lai. Chúng ta chỉ nên xem đó như là một thú chơi “ngông” của những bạn trẻ đam mê kỹ thuật. Với thú chơi này, chắc chắn là tốn tiền, tốn thời gian vì thế trước khi thực hiện, các bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng hành động vì thấy nhiều người được tán dương, thổi lên mây mà chạy theo, đổ tiền vào trò chơi không hiệu quả”.
Lưu thông sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Tiến Hán, Phó trưởng khoa Công nghệ Ô tô (trường đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng: “Việc các hai lúa độ “siêu xe”, máy bay mà cộng đồng mạng ca ngợi thời gian qua chỉ cho thấy họ là những người đam mê về kỹ thuật và khéo tay. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng việc làm những bản nhái như thế này rất dễ và nhiều người thợ làm được. Nói về các “siêu xe” tự chế, tôi có thể khẳng định đây chỉ là sản phẩm bắt chước, mô phỏng về bên ngoài, chứ không phải là những phát minh hay sáng chế nào cả. Chúng ta hình dung rằng, một bản thiết kế ô tô được tính toán nhiều yếu tố, trong đó có cả tính toán về khí động học với giá bán thiết kế lên đến con số triệu đô. Chính vì thế nó không hề dễ làm. Với tôi, những bản nhái các “siêu xe” trên chỉ chứng minh được những chủ nhân làm ra mới chỉ dừng lại ở việc khéo tay mà thôi. Nếu đi xe tự chế ra đường không những vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho chính chủ nhân của nó và người đi đường”.