News

6/recent/ticker-posts

Thanh niên tử vong ở miền Tây nghi bị nhiều cảnh sát đánh

Cơ quan công tố cho rằng, anh Thanh bị nhiều người dùng nhục hình tại Công an TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhưng không xác định được ai đã gây ra cái chết cho nghi can này.
Cuối tháng tư, phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ Dùng nhục hình tại TAND tỉnh Đồng Tháp có trên 100 người đến xem, ngồi kín phòng xử án. Ngoài người thân của bị hại và hai bị cáo, nhiều công an ở địa phương này cũng đến vì hiếu kỳ.
Tát tay, đá vào đùi và mông
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, trưa 16/11/2012, Phạm Văn Long - quyền Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra trinh sát (Công an TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cùng 3 thuộc cấp phát hiện nghi can trong chuyên án trộm cắp xe máy là anh Nguyễn Tuấn Thanh, sinh năm 1986, ngụ xã Mỹ Thạnh Tây (Đức Hòa, Long An).


Thấy 4 cảnh sát bám theo, Thanh tăng ga chạy về hướng huyện Tháp Mười.
Do không đuổi kịp nghi can, Công an TP Cao Lãnh điện báo cho đồng nghiệp ở huyện bạn hỗ trợ. 13h cùng ngày, Công an xã Đốc Binh Kiều chặn được xe của Thanh, chở theo Phạm Quốc Nhựt.
Lúc này, Công an TP Cao Lãnh ra lệnh bắt khẩn cấp Thanh. Thiếu tá Huỳnh Ngọc Tòng (41 tuổi, lúc đó là Đội phó Đội điều tra trinh sát) trực tiếp cầm quyết định, đi cùng cán bộ điều tra Phạm Xuân Bình (31 tuổi) và Trương Hữu Hậu Em đến xã Đốc Binh Kiều để bắt Thanh. Nhựt sau đó cũng được di lý về Công an TP Cao Lãnh phục vụ điều tra.

Tòng (trái) và Bình trao đổi với nhau tại tòa. Ảnh: Việt Tường.
Khoảng 20h, Tòng lấy lời khai của Thanh, Hậu Em và Bình đứng ngoài hành lang canh gác. Tại đây, Thanh khai cùng hai người khác trộm 3 xe máy, biên bản kết thúc lúc 21h30.
22h, Tòng tiếp tục lấy lời khai của Thanh đến 23h. Gần một giờ sau, Bình giao lệnh tạm giữ cho đồng nghiệp để tống đạt đến nghi can. Khi Thanh được đưa đến nhà tạm giữ, anh Việt là Đội phó Đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phát hiện hai bắp tay và ngực Thanh bị bầm đỏ. Khám những nơi khác, anh Việt thấy Thanh có vết trầy đỏ ở hai vai, hai chân từ gối trở xuống có vết xây xát ửng đỏ, đi khập khiễng, phải có người dìu.
8h ngày 17/11/2012, Thanh bị trích xuất ra khỏi nhà tạm giữ theo yêu cầu của hai cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) là Nguyễn Thanh Tùng và Lê Văn Liệp. Từ 9h15-11h30, hai cảnh sát này thay nhau hỏi nghi can nhưng không lập biên bản và ghi lời khai. 12h, cán bộ điều tra thấy Thanh không ăn cơm, đầu gục xuống bàn, mặt xanh, miệng chảy nước… Anh này được cán bộ Công an Cao Lãnh đưa vào bệnh viện rồi tử vong.
Khám nghiệm tử thi nhà chức trách xác định, môi Thanh tím, đầu các ngón tay tím nhẹ, hai mông và đùi trái tím đen… Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) kết luận: "Cơ chế của những vết xây xát da và tụ máu trên tử thi được hình thành do tác động của vật tày, lực tác động xát da, lực tác động mạnh, nhiều lần… Nguyên nhân chết do suy tuần hoàn cấp không hồi phục trên nạn nhân bị chấn thương do tác động của vật tày với lực tác động mạnh ở nhiều vùng cơ thể. Trong đó có vùng nguy hiểm là vùng mũi ức, thượng vị".
Ngày 24/12/2013, Bình bị Cơ quan điều tra VKSND tối cao bắt tạm giam. Quá trình điều tra, cựu trung úy này không thừa nhận hành vi Dùng nhục hình. Anh ta khai, do Thanh không nhận tội nên Bình dùng tay đánh vào mặt nghi can vài cái. Bình còn dùng chân đá vào đùi và mông anh Thanh.
"Bình còn thấy một người tên Nhân dùng dùi cui đánh nhiều cái vào vai, mông của Thanh. Cơ quan điều tra đã làm rõ đó là Lê Hoàng Nhân, cán bộ PC45 Công an Đồng Tháp. Tuy nhiên, nhân không thừa nhận nên không đủ cơ sở kết luận", cáo trạng nêu.
Nhiều người đánh một người
Theo VKSND tối cao, Bình khai nhận cùng 3 cán bộ điều tra bàn bạc thống nhất với những người tham gia xét hỏi và bắt giữ Thanh. Nếu cơ quan điều tra VKSND tối cao xử lý đến ai thì người đó chịu, không khai ra những người tham gia xét hỏi và đánh Thanh.
Tuy Bình không thừa nhận hành vi trái pháp luật nhưng cơ quan công tố khẳng định có đủ chứng cứ truy tố bị can này về tội Dùng nhục hình. Ngoài những lời khai của người có liên quan về dấu vết trên người nạn nhân (trùng hợp với sự mô tả của Viện Pháp y quân đội), nhiều cảnh sát cũng khẳng định từ 16h30-24h ngày 16/11/2012, chỉ có Tòng, Bình và Hậu Em tiếp xúc với Thanh.
Theo lời khai của Nhựt (đi cùng Thanh), anh này thấy 3-4 người mặt quần áo dân sự cầm dùi cui đánh Thanh. Cho nhận dạng, Nhựt chỉ ra Tòng và Bình là những người trực tiếp dùng tay, chân, cây ba trắc đánh nghi can.
Từ những phân tích và lập luận của mình, VKSND tối cao xác định Tòng và Bình đã Dùng nhục hình với anh Thanh. Ngoài ra, còn có hành vi Dùng nhục hình của một số cán bộ khác là Lê Nhựt Thanh, Lê Tuấn Thanh (Công an TP Cao Lãnh) và Lê Hoàng Nhân (cán bộ PC45). Tuy nhiên, tài liệu điều tra không có cơ sở để kết luận hành vi Dùng nhục hình của những người này.
Tài liệu điều tra cũng không xác định được có sự bàn bạc giữa những người dùng nhục hình với nhau. Viện cũng cho rằng, không kết luận được hành vi Dùng nhục hình của người nào là nguyên nhân chính gây nên cái chết cho anh Thanh. Do đó, không có căn cứ để buộc Tòng và Bình phải chịu trách nhiệm về cái chết theo tình tiết định khung tăng nặng.
"Do bực tức về việc Thanh không nhận tội nên Tòng và Bình đã dùng tay, chân và ba trắc đánh Thanh". Từ kết luận này, VKSND tối cao truy tố Tòng và Bình theo Khoản 1, Điều 298 Bộ Luật hình sự về tội Dùng nhục hình, mức án tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa ngày 20/4, hai bị cáo và các luật sư đề nghị HĐXX hoãn xử vì vắng 8/10 người làm chứng. Sau gần một giờ hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và lên lịch xét xử lại vào ngày 17/5 tới.