News

6/recent/ticker-posts

Trung Quốc xả nước để mua chuộc các quốc gia hạ lưu sông Mekong?

Trước khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn”, Trung Quốc nỗ lực tăng cường cam kết với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, các nhà quan sát ghi nhận hầu hết các nước ASEAN đều ngần ngại phải lựa chọn.
Báo South China Morning Post ngày 16-5 dẫn lời chuyên gia Lee Ying Hui ở ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận xét: “Nếu quan hệ giữa hai nước lớn tiếp tục suy giảm, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với lựa chọn vì điều quan trọng đối với họ là duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh lẫn Washington”.
Bà cho rằng các nước ASEAN sẽ phải xem xét hai yếu tố gồm quan hệ an ninh với Mỹ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc. ASEAN đã chứng tỏ không muốn lựa chọn bằng cách mời Mỹ lẫn Trung Quốc tham gia tập trận ở biển Đông với 18 nước.

Mới đây, Trung Quốc đã cho xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng để giải quyết hạn hán ở vùng châu thổ sông Mekong. Các nhà phân tích ghi nhận động thái này nhằm mua chuộc các nước hạ lưu (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).
Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo các nước ASEAN tại Sunnylands (bang California, Mỹ) ngày 16-2. Ảnh: REUTERS
Ngay sau đó, Bắc Kinh khẳng định đã đạt được thỏa thuận với Campuchia, Lào và Brunei về tranh chấp biển Đông. Campuchia đã tuyên bố bác bỏ thông tin đạt thỏa thuận với Trung Quốc trong khi Lào và Brunei vẫn im lặng.
Theo South China Morning Post, sau khi Trung Quốc xả nước đập, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trò chuyện với chủ tịch nước Lào và cam kết đào sâu quan hệ hợp tác với Lào, nước chủ tịch ASEAN trong năm 2016. Gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đề nghị ra một tuyên bố chung về tranh chấp biển Đông với ASEAN.
Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định Trung Quốc đang dùng đòn bẩy kinh tế để đạt lợi ích địa-chính trị. Ông nói: “Trung Quốc đang gây chia rẽ trong ASEAN vì các nước nhỏ có xu hướng nghiêng về Trung Quốc… trong khi các nước ven biển như Philippines thường sẵn sàng đối đầu hơn”.
Trong khi Trung Quốc ráo riết vận động hành lang, Mỹ đã tăng cường hợp tác an ninh với Philippines. Hồi tháng 2, tổng thống Mỹ cũng đã mời các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Sunnylands (Mỹ).
Trong khi đó, ngày 15-5, đảng bảo hoàng Funcinpec ở Campuchia đã phát thông báo tuyên bố Funcinpec ủng hộ quan điểm Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng. Cùng ngày tại Philippines, báo The Standard đưa tin chánh văn phòng thông tin Herminio Coloma Jr. đã chỉ trích Trung Quốc từ chối tham gia tiến trình trọng tài để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Ông giải thích:“Philippines tham gia tiến trình trọng tài quốc tế là thể hiện mạnh mẽ các nguyên tắc trong Công ước LHQ về Luật Biển”. Ông nói Philippines không phải là nước duy nhất tin rằng cần nhờ đến tòa án trọng tài mà còn nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật cũng bày tỏ ủng hộ các nguyên tắc hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.
Báo The Washington Post ngày 16-5 đã đăng thư của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ phản ứng về bài bình luận “Đá ngầm nguy hiểm ở biển Đông” đăng trên báo hôm 8-5. Bài viết khẳng định Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Trong thư, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Chu Hải Quyền cho rằng bài viết của báo Mỹ là không công bằng và khăng khăng cho rằng Trung Quốc hành động phù hợp luật pháp quốc tế khi không chấp nhận hay tham gia vụ kiện trọng tài.
______________________________
Chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn ASEAN đưa ra quan điểm chung về phán quyết trọng tài. Hiện chưa rõ cơ sở để Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận với Campuchia, Lào và Brunei và phải chăng họ cố tình diễn đạt sai quan điểm của một số nước ASEAN.
Chuyên gia IAN STOREY 
ở Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore)