News

6/recent/ticker-posts

Nỗi dằn vặt của kẻ giết em dâu, chém em trai ruột tàn phế

15 năm thụ án, lặng lẽ nhìn mẹ già vật lộn với bệnh tật, con cái lớn khôn từng ngày thông qua những cánh thư thấm đẫm nước mắt của người vợ tảo tần khiến phạm nhân Vũ Văn Cư (SN 1962, trú tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) như quặn thắt trong lòng.
Nỗi đau chưa bao giờ nguôi
Một ngày đầu tháng 7/2015, chúng tôi có dịp làm việc với Trại giam Nam Hà (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an). Nhìn khuôn mặt của phạm nhân Vũ Văn Cư, ít ai có thể biết rằng cách đây 15 năm người đàn ông này đã từng gây nên một tội ác khi xuống tay sát hại người em dâu và chém người em trai thương tích 35%.
Trò chuyện với PV, Cư luôn dằn vặt rằng chính bản thân mình đã phá nát đi tổ ấm, đẩy em trai tới bờ vực tuyệt vọng và cướp đi mạng sống của cô em dâu. Ánh mắt nhìn xa xăm, Cư tâm sự: Ở tuổi 21, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê nhà. Với mong muốn sớm ổn định cuộc sống, phụng dưỡng cha mẹ già, Cư làm quen rồi đi đến kết hôn với một cô gái xinh đẹp ở địa phương. Được anh em bạn bè hỗ trợ ít vốn, Cư bàn với vợ mở cửa hàng bán hoa quả ngoài chợ huyện.

Phạm nhân Vũ Văn Cư tâm sự với PV. 

Vợ Cư xinh đẹp lại khéo léo nên công việc buôn bán có phần thuận lợi, cuộc sống có của ăn của để. Ngoài ra, Cư còn nhận thêm công việc mổ lợn để kiếm thêm thu nhập. Tình yêu của đôi vợ chồng trẻ ngày càng gắn kết khi chị Trần Thị Tằm (vợ Cư) sinh  con. Chính vì vậy, ngôi nhà nhỏ của gia đình Cư chẳng bao giờ thiếu đi tiếng cười. Như ý thức được sự vất vả của cha mẹ, các con của Cư tự bảo ban nhau việc học hành, ngoan ngoãn vâng lời. Cứ tưởng hạnh phúc của họ sẽ vuông tròn như thế. Nào ngờ, biến cố gia đình Cư xảy ra chỉ vì rượu.
Trong tâm trí của Cư vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Hôm đó vào khoảng 17h ngày 13/5/ 2000, nhà bà Trần Thị Đông (cùng xóm) nhờ Cư mổ giúp một con lợn để bán thịt. Trong số những người đến mua có anh Vũ Văn Cứ (em trai Cư). Cùng lúc đó chị Trần Thị Hoa (người cùng xóm 4) cũng có mặt. Do trước đó, anh Cứ nghi ngờ nhà chị Hoa bắt trộm gà nên hai bên lời qua tiếng lại. Thấy vậy, anh Cư có ra nhắc nhở em rằng không có bằng chứng thì không nên nghi ngờ lung tung. Cho rằng, anh trai đứng về phía người ngoài nên anh Cứ cãi lại. Được chị Tằm (vợ Cư) can ngăn nên ai về nhà nấy.
Mong báo hiếu cho mẹ dù chỉ một ngày
Những tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì sau bữa cơm tối, sẵn có hơi men trong người, nghĩ tới việc em trai dám hỗn láo với mình, máu trong người Cư lại sôi lên. Không kiềm chế được cơn bực tức, Cư cầm theo con dao phay tìm tới nhà em trai để nói chuyện. Khi tới nơi, anh Cứ đang ngồi ăn cơm tối, chẳng nói chẳng rằng Cư lao vào chém liên tiếp vào người em trai tới khi gục tại chỗ. Thấy chồng bị tấn công, chị Tạ Thị Vân (vợ của anh Cứ) từ bếp chạy ra can ngăn thì bị Cư chém nhiều nhát vào đầu, cổ.
Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng chỉ có anh Cứ là may mắn thoát chết còn chị Vân đã tử vong. Gây án xong, Cư về nhà thông báo với người thân lên nhà em trai làm ma. Ngay sau đó, Cư bị công an bắt giữ và bị tòa tuyên phạt mức án chung thân về tội giết người.
Ngày mới về trại giam, Cư có cảm giác gần như tuyệt vọng. Lúc đó người đàn ông này nghĩ rằng chắc sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy mẹ già cùng vợ con. Nhưng rồi, theo năm tháng khi nhận được những bức thư động viên của vợ, Cư bỗng vững tin trở lại, nỗ lực cải tạo để mong sớm một ngày có thể trở về với gia đình, phụng dưỡng mẹ già, chăm lo cho vợ và các con dù chỉ một ngày.
“Ở trong trại giam, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ các con phát khóc. Chúng lớn lên khi không có bố bên cạnh. Thậm chí, thời điểm dựng vợ gả chồng, lên xe hoa cũng thiếu vắng bàn tay chăm chút của người cha. Chúng thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa quá nhiều, nhưng biết làm sao khi mà người cha tội lỗi này đã không biết kiềm chế được chính mình, để rượu điều khiển gây ra tội lỗi tày trời...”, phạm nhân Vũ Văn Cư nghẹn ngào chia sẻ.
Mỗi khi nhắc đến người mẹ già năm nay đã 97 tuổi, cùng người vợ hiền, đôi mắt Cư lại đỏ ngầu, hai khóe mắt rưng rưng. Từng ấy năm Cư ở trại giam, một tay người vợ chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu và chăm sóc 4 đứa con nheo nhóc khôn lớn trưởng thành. Do bận như vậy nên chị Tằm cũng không thể thường xuyên vào trại giam thăm và động viên chồng được.
“Qua thư vợ gửi, tôi biết thời gian này mẹ tôi ốm triền miên, cứ vài ngày lại vào viện một lần. Thương mẹ già yếu nhưng cũng thương vợ nhiều hơn, bởi một tay vợ tôi vừa nuôi mẹ già, lại vừa nuôi chồng tù tội. Vì vậy, mặc dù nhiều năm vợ cũng chưa lên thăm, nhưng tôi không dám trách cô ấy nửa lời, bởi tất cả bi kịch gia đình ấy đều một tay tôi chuốc lấy. Nhưng nhìn thấy vợ vất vả, tôi càng có quyết tâm gắng cải tạo để mong được có ngày về đỡ đần vợ và chăm sóc mẹ những ngày cuối đời. Dù có thể ở bên mẹ chỉ một ngày, tôi cũng cam lòng...”, Cư vội dùng gấu áo gạt nhanh giọt nước mắt như muốn trực trào.
Được biết, nếu cải tạo tốt thì chỉ còn khoảng 30 tháng nữa Cư có thể ra tù, trở về với gia đình, quê hương để làm lại cuộc đời. Mong rằng, những điều tốt đẹp sẽ đến với Cư cũng như những phạm nhân từng chót lầm đường, lỡ bước.
Theo Gia đình & Xã hội