News

6/recent/ticker-posts

Cú “lột xác” thần sầu suốt 11 năm của mẹ mìn chuyên nghiệp

Biết tin bị truy nã, Mai “lặn” một mạch. Không chỉ có thế, thị ta còn nhanh chóng kết hôn với một người đàn ông bản địa và công nhiên sinh sống bằng nghề bán thuốc Đông y. Những tưởng với vỏ bọc cực kỳ hoàn hảo như vậy, không ai lần ra tung tích của Mai. Nhưng Mai đã lầm, bởi tất cả những toan tính đó đã bị trinh sát cục Cảnh sát truy nã tội phạm, bộ Công an… bóc mẽ.
Xộ khám sau 11 năm mai danh, ẩn tích
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thượng tá Nguyễn Duy Cương, Phó trưởng phòng 5, cục Cảnh sát truy nã tội phạm, bộ Công an, cho biết: “Với tội phạm trốn nã thì chúng luôn tìm mọi cách để giấu nhẹm tung tích, thân phận của mình, đối tượng Mạc Thị Mai cũng là một trong những trường hợp như thế. Khó khăn của lực lượng công an là Mai không sinh sống và làm việc ở trong nước mà thị ta lại chọn Trung Quốc làm nơi ẩn náu. Vì thế để bắt được đối tượng này, cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã phải mất rất nhiều thời gian cũng như sự phối hợp tác chiến của các đơn vị nghiệp vụ, trong đó đặc biệt là phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Lạng Sơn”.
Cũng theo Thượng tá Cương, do biết được thông tin mình đang bị Công an tỉnh Nghệ An ban hành 2 lệnh truy nã về tội Mua bán phụ nữ và tội Mua bán người nên Mạc Thị Mai (SN 1970), trú tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đã nhanh chóng bỏ trốn sang thị trấn Ái Điểm, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngoài tấm ảnh 4x6 thì cơ quan điều tra không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đối tượng. Chính vì thế, công tác xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn. Còn về phần mình, với suy nghĩ che giấu toàn bộ thân phận, Mạc Thị Mai đã chọn cho mình nghề buôn bán thuốc nam, thuốc bắc để sinh sống. Thị tìm mọi cách lẩn trốn mỗi lần nghe ngóng có ai đó tìm hiểu thông tin về bản thân. Tinh quái hơn, trong quá trình giao tiếp với người bản địa hay với những người từ Việt Nam sang, Mai toàn dùng tiếng Trung thay vì tiếng Việt. Nhờ những mối quan hệ quen biết, Mai đã quen một người đàn ông sở tại rồi lấy người đó làm chồng.
Tưởng rằng khi đã “yên bề gia thất”, Mai sẽ không bị ai sờ đến nhưng với cán bộ, chiến sỹ phòng 5 cục Cảnh sát truy nã tội phạm, bộ Công an thì mọi thông tin về đối tượng này luôn được cập nhật một cách đầy đủ nhất. Theo Thượng tá Cương, khoảng giữa năm 2013, qua công tác nắm tình hình, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Lạng Sơn nắm được nguồn tin về việc Công an Trung Quốc đang tiến hành đợt truy quét tội phạm khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, Tổng đội Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sẽ tiến hành truy quét tội phạm và trục xuất một số đối tượng qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn về Việt Nam.

Đối tượng Mạc Thị Mai lúc bị bắt.

Từ nguồn tin này, xác định nhiều khả năng đối tượng Mai sẽ bị lực lượng Công an nước bạn trục xuất về nước, ngay lập tức, cục Cảnh sát truy nã tội phạm, bộ Công an lên phương án đón lõng bắt giữ Mạc Thị Mai. Một tổ công tác đã lên Lạng Sơn, phối hợp với công an tỉnh này với quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng. Sau một thời gian bàn bạc, tổ công tác đã nhất trí phương án phục kích để bắt đối tượng truy nã ngay tại cột mốc số 0, cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. “Quá trình họp bàn, chúng tôi đã tính toán một cách kỹ lưỡng, cụ thể. Trong đó yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh không cho đối tượng lẩn trốn trở lại Trung Quốc hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn để trốn sang địa bàn khác tại Việt Nam” – Thượng tá Cương nhớ lại.
Đúng như nguồn tin mà PC52 Công an tỉnh Lạng Sơn thu thập được trước đó, sáng 13/6/2013, Mạc Thị Mai cũng như hàng loạt đối tượng phạm pháp bị lực lượng Tổng đội Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tiến hành đợt truy quét, đẩy đuổi. Biết danh tính của mình đã bị lộ, Mạc Thị Mai lập tức tìm đường trở về Việt Nam, đồng thời thị cũng toan tính khi nào yên, lại tìm cách trở về Trung Quốc. Nhưng thị đã lầm, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, vừa đặt chân đến vùng biên giới phía Việt Nam, Mai đã rơi vào ổ phục kích của tổ công tác gồm các lực lượng gồm Công an tỉnh Lạng Sơn, cục Hình sự và phòng 5, cục Cảnh sát truy nã tội phạm.
Chiêu lừa lọc lõi của nữ quái
Tiếp tục quá trình tìm hiểu thông tin liên quan đến Mạc Thị Mai, PV báo ĐS&PL được Thượng tá Cương cung cấp, theo đó Mai là người dân tộc thiểu số, sinh ra trong một gia đình nghèo túng. Không giống như đám bạn cùng trang lứa, Mai bỏ học từ khá sớm, theo cha mẹ, anh chị lên nương, rẫy kiếm củ sắn, củ khoai. Mai cũng không phải là người phụ nữ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” mà có thân hình cục mịch, thấp lùn, đen đúa.

Cũng giống như phần lớn phụ nữ ở huyện miền núi Quỳ Châu, cuộc sống mưu sinh của gia đình Mai cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù làm quần quật từ lúc mặt trời trưa ló rạng cho tới khi đã nhọ mặt người nhưng kinh tế của gia đình Mai vẫn theo kiểu “hai bữa đói, một bữa no”. Với quyết tâm thoát nghèo, Mai khăn gói lên đường tìm miền đất hứa. Và, điểm đến của sơn nữ Mạc Thị Mai chính là tỉnh Lạng Sơn – nơi đầy kim tiền và cũng không thiếu những cám dỗ.
Ở Lạng Sơn một thời gian, Mai quen một số đối tượng chuyên kiếm sống bằng nghề mua bán phụ nữ và buôn bán người. Những đồng tiền mà đám bạn bè kiếm được khiến Mai mờ mắt và thị bắt đầu dấn thân bằng con đường đầy nhơ nhớp này. Nạn nhân của Mai không ai khác là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, thất học đang ngày ngày quần quật cày cuốc trên những quả đồi, mảnh ruộng chai sạn nơi miền Tây xứ Nghệ.
Nghĩ là làm, nữ quái Mạc Thị Mai lập tức trở lại quê nhà. Thị bỏ tiền mua cho mình những bộ đồ sang trọng cũng như những vật dụng cá nhân để “làm hàng” với những phụ nữ cùng quê. Thấy Mai “lột xác”, người dân vùng cao Quỳ Châu không khỏi nể phục xuýt xoa. Biết chiêu trò của mình đã có hiệu quả, Mai bắt đầu “tung đòn” quyết định. Thị ra rả tuyên bố: “Hiện đang có nhiều suất xin vào công ty điện tử tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc làm việc với mức lương khoảng 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Công việc nhàn hạ, lương lại cao, tuy nhiên, họ chỉ tuyển dụng phụ nữ, vì thế nếu ai muốn đi làm thì có thể liên hệ với tôi”.
Nghe lời quảng cáo của Mai, hàng loạt phụ nữ ở huyện vùng cao Quỳ Châu nhao nhác tìm đến nhà Mai với mong muốn được sang Trung Quốc “làm ăn”. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, với sự tiếp tay của một số đối tượng, Mai nhanh chóng lừa được gần chục phụ nữ đồng ý đi theo Mai sang Trung Quốc. Khi đã đưa trót lọt số phụ nữ này sang Trung Quốc, Mai lập tức đem bán cho các chủ chứa với giá từ 5 triệu đến 40 triệu đồng/người, tùy theo nhan sắc. Những nạn nhân nhẹ dạ, cả tin, chỉ đến khi bị Mai bán vào các động mại dâm hay bán cho những người đàn ông Trung Quốc thì họ mới hay rằng mình đã bị lừa. Thậm chí có nạn nhân bị Mai lừa sang Trung Quốc và phải ê chề tủi nhục sống vòng vo với 6 người đàn ông nước sở tại...
“Chạm mặt” nhiều đơn vị khi phục kích Mạc Thị Mai 
Thượng tá Nguyễn Duy Cương cung cấp thông tin “đánh án” thú vị: “Do đối tượng Mạc Thị Mai cùng một lúc tham gia nhiều đường dây mua bán người nên trong quá trình phục kích bắt giữ đối tượng này, cục Cảnh sát truy nã tội phạm, bộ Công an đã “chạm mặt” nhiều cán bộ của các đơn vị khác. Chỉ đến khi bắt giữ Mai thành công, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Và, đây cũng chính là kỷ niệm đáng nhớ của những người lính như chúng tôi”.