Stephanie Richard, chủ một cửa hàng mì đến từ Pháp, khăng khăng cho rằng côn trùng sẽ trở thành chất đạm của tương lai, và nói cô đã nảy ra ý tưởng cho côn trùng vào bột mì từ năm 2012 trong khi đang thử làm ra một loại mì giàu protein cho các vận động viên thể thao.
Đó cũng là lúc một nhà phân phối côn trùng ở phía Đông Lyon (Pháp) đã liên lạc với cô để bàn về ý tưởng thêm loại nguyên liệu đặc biệt này vào mì, và cô đã chấp thuận ý tưởng đó. Cô bắt đầu sản xuất bột mì côn trùng vào Giáng sinh năm đó, không ngờ rằng món mì giòn giòn giàu protein của mình lại rất được yêu thích. Sau đó, cửa hàng của cô bắt đầu bán loại mì ăn liền côn trùng vào trước kì nghỉ đông và chỉ trong vài ngày khoảng 500 gói mì đã được bán sạch.
Tỉ lệ trộn là 7% bột côn trùng trên 93% bột lúa mì spelt hữu cơ (lúa mì spelt thường được trồng ở Trung âu – ít chất xơ hơn trong khi hàm lượng dinh dưỡng cao hơn), cùng với trứng nguyên quả.
Sản phẩm cuối cùng là một loại lúa mì có màu nâu mà được tạo thành hình tương tự các loại mì Ý như Fusilli (mì xoắn); Penne (mì hình ống), Spaghetti, và Radiatori (mì sợi ngắn và lượn sóng).
Rõ ràng, loại bột mì côn trùng có giá cao hơn các loại mì bình thường nhiều, nhưng theo như Stephanie, đó là một món thay thế thịt cá rất tốt, đặc biệt đối với những người ăn chay. Cô cũng đang thử nghiệm một loại mì mới có sử dụng phomat Maroilles nhập từ miền Bắc nước Pháp.
Stephanie cho biết: "Côn trùng là loại protein của tương lai. Đó là loại protein chất lượng cao mà cơ thể chúng ta có thể tiêu hóa một cách dễ dàng".
Báo cáo năm 2013 của Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc có viết rằng côn trùng "có tiềm năng lớn trong chăn nuôi lẫn trong thực phẩm tiêu dùng". Thực tế là, côn trùng gần đây đã trở thành một nguồn cung cấp protein dồi dào cho con người, đến mức mà giờ đây chúng ta còn có cả sách dạy nấu món ăn từ côn trùng, kẹo côn trùng và thậm chí cả rượu ngâm kiến.