News

6/recent/ticker-posts

Ông Đinh La Thăng "xin tham dự" hội nghị mô hình bác sĩ gia đình

Nói về mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) ở Việt Nam, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng: “Đây là mô hình tiên tiến trên thế giới nhưng hội nghị triển khai lại không thấy sự tham gia chỉ đạo và điều hành của các cấp Chính phủ là không ổn …”.
Theo Dân Việt, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020” diễn ra sáng nay (4/3), tại TP.HCM.
Theo Bí thư Thăng, đúng ra hội nghị này Bộ Y tế nên mời các cấp chính phủ như Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc phó Thủ tướng để có sự chỉ đạo sâu sát hơn chứ vấn đề quan trọng như thế này mà chỉ có sự tham gia thảo luận của các cấp giám đốc sở thì ông thấy không ổn.
Ông Thăng nhấn mạnh vấn đề: “Nói thật, sáng nay tôi không nằm trong thành phần được mời tham gia dự hội nghị này nhưng nghe văn phòng Ủy ban báo cáo có diễn ra tại TP.HCM nên tôi mới gọi điện cho chị Tiến (Bộ trưởng Bộ Y tế - PV) để xin tham dự

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành Ủy TP HCM. (Ảnh: Dân Việt)

“Lý do tôi muốn tham dự hội nghị này ngoài mục đích nắm thêm về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại TP.HCM hiện nay diễn ra tới đâu. Đặc biệt là muốn gặp gỡ lãnh đạo Bộ Y tế để gửi gắm những trăn trở hiện nay của ngành Y tế TP.HCM nói riêng, y tế cả nước nói chung ở 4 lĩnh vực gồm: Các biện pháp giảm tải bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Các biện pháp cải cách thủ tục khám chữa bệnh; Các biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý ngành Dược”.
“Thực tế lâu nay Bộ Y tế đã triển khai kiểm soát, nâng cao chất lượng y tế… nhưng việc này cũng chưa sát sao nên cũng còn tồn tại nhiều vấn đề”, ông Thăng nói.
Kết thúc bài phát biểu, Bí thư Thăng cho rằng, việc triển khai mô hình này còn quá chung chung đề nghị nên đặt mục tiêu đến năm 2020 có bao nhiêu người dân tham gia tích cực vào mô hình bác sĩ gia đình này, nhất là 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM phải đạt được bao nhiêu % dân cư tham gia để góp phần giảm tải bệnh viện”.
Ghi nhận những đóng góp của Bí thư Thăng, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ sẽ gửi trình Chính phủ xem xét, tham gia chỉ đạo.
Mô hình BSGĐ chật vật tìm bệnh nhân
Liên quan tới mô hình BSGĐ, trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin, nhiều mô hình BSGĐ tại các trạm y tế trên địa bàn thành phố đều vắng hoe, tin tức trên báo Tiền Phong.
Theo một lãnh đạo tại trạm y tế ở quận 7 cho biết, dù triển khai được 2 năm qua nhưng chỉ tiếp nhận được 10 bệnh nhân.

“Mô hình này còn mới, ở trạm y tế chưa có các chẩn đoán lâm sàng cơ bản trong khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế nên người dân cũng không mấy mặn mà”- bác sĩ này buồn bã.
Ngoài ra, mặc dù mô hình đã triển khai 5 phòng khám BSGD tại các trạm y tế phường ở quận Gò Vấp nhưng trong 6 tháng cuối năm 2015, quận Gò Vấp cho biết cả 5 phòng khám chỉ tiếp nhận được… 9 bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Bình ở trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp cho biết phòng khám chỉ tiếp nhận số ít người dân mắc các bệnh lý thông thường như cảm cúm và theo dõi các bệnh lý mãn tính.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nói rằng mới chỉ 43% trạm y tế xã phường đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để lập phòng khám BSGĐ. Vì vậy, theo ông hầu hết người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên để điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của BSGĐ như tôn chỉ của mô hình đề ra.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - nguyên giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho mô hình BSGĐ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng phòng khám BSGĐ vẫn chật vật tìm bệnh nhân vì người dân vẫn còn mù mờ về mô hình này.