Hiện ngành y tế chưa xác định được BN867 bị lây tại Hà Nội hay Hải Dương. Trong một tháng qua, bệnh nhân không ra khỏi Hải Dương, trong số những người tiếp xúc gần cũng không có ai đi từ vùng dịch về.
Trường hợp BN867 này là nam, 63 tuổi, quê ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, được xác định mắc Covid-19 khi đến khám tại một bệnh viện của Hà Nội.
"Hiện chúng tôi gặp khó trong việc xác định nguồn lây của bệnh nhân này từ đâu. Qua điều tra bước đầu, trong số những người trong gia đình của bệnh nhân, người tiếp xúc gần không có ai đi từ vùng có dịch về. Trong vòng một tháng gần đây không đi đâu ra khỏi tỉnh Hải Dương", ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết.
Ngành y tế đang tiếp tục rà soát lập danh sách tất cả những người tiếp xúc, tiếp xúc gần với bệnh nhân. Hiện thống kê được 39 trường hợp là F1 của ca bệnh này.
Phát biểu tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội chiều 12/8, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng bày tỏ lo ngại về nguồn lây của bệnh nhân này, chưa biết lây ở đâu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
“BN867 này coi là của Hà Nội hay Hải Dương? Nếu trường hợp này lây ở Hà Nội thì rất đáng lo ngại. Bởi ta ‘bắt’ được ca này nhưng chưa chắc đã là F0. Vì càng nhiều chu kỳ dịch thì số ca mắc ở cộng đồng càng lớn. Do vậy, nếu ca này mắc ở Hà Nội thì chúng ta phải đặt vấn đề tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa”, TS Phu nói.
Hà Nội cần chỉ định xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt
Theo ông với sự xuất hiện của ca bệnh này, TP cũng cần lưu ý xét nghiệm xem có ca mắc ở cộng đồng hay không. TP cũng phải tính đến việc xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định. Việc này ngành y tế phải tham mưu cho UBND thành phố, có kế hoạch cụ thể. Nguy cơ của Đà Nẵng, Hà Nội hay TP HCM là như nhau.
Cụ thể, không chỉ xét nghiệm các trường F1 mà những người có biểu hiện sốt, ho cũng cần chỉ định làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ví dụ, ca mắc vào Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn là những ca chỉ điểm.
Chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội cần tập trung phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, chú ý phòng dịch ở các trung tâm dưỡng lão.
Cũng liên quan đến ca bệnh này, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng quá trình đi lại, khám bệnh của bệnh nhân này rất phức tạp, đặc biệt “không biết thời điểm nhiễm bệnh là thời điểm nào”.
Theo lãnh đạo của huyện Thanh Trì, bệnh nhân này không đến Đà Nẵng hoặc các khu có ổ dịch khác, không rõ tiếp xúc với ca mắc, nghi mắc Covid-19. Bệnh nhân cũng không có bệnh lý mạn tính, qua điều tra không rõ tiếp xúc nguồn lây nhiễm là ai, ở đâu.
Một chuyên gia cho rằng nhiều khả năng bệnh nhân lây nhiễm từ khi còn ở Hải Dương do các triệu chứng khởi phát trước ngày lên Hà Nội. Con rể của bệnh nhân, sống ở Hải Dương cũng có biểu hiện nghi ngờ, đang chờ kết quả xét nghiệm.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã truy vết được 15 trường hợp F1, trong đó 14/15 trường hợp đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Huyện cũng tiếp tục điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần… Hiện trường hợp nghi ngờ là con rể bệnh nhân, là người đi cùng bệnh nhân từ Hải Dương lên Hà Nội, cũng trú tại quán bia Lộc Vừng trong những ngày ở đây. Trường hợp này đã được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
Theo kết quả điều tra dịch tễ, trong vòng một tháng gần đây bệnh nhân không đi ra khỏi tỉnh Hải Dương. Đầu tháng 6, bệnh nhân ở nhà tại huyện Bình Giang sau đó lên ở nhà con gái tại TP Hải Dương ở một thời gian.
Ngày 27/7, bệnh nhân bị nấc, tức ngực nên được con gái đưa đi khám tại phòng khám tư, với chẩn đoán trào ngược dạ dày. Đến ngày 30/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, không điều trị gì, sau đó thì về quê.
Ngày 3/8, bệnh nhân đi xe bus từ Bình Giang lên TP Hải Dương đi ăn đám cưới, đến tối thì đi xe về nhà.
Ngày 8/8 con gái thuê xe riêng tự lái đưa bệnh nhân lên Hà Nội khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó về nhà con gái chơi tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Tại đây, bệnh nhân chỉ nằm nghỉ ở trên tầng 2 và hầu hết chỉ tiếp xúc với vợ và các con. Ngoài ra, do bệnh nhân bị ốm nên có ông bà thông gia, con cháu và một số nhân viên làm việc tại nhà con gái lên thăm (khoảng 8 người)
Tối 9/8, gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Thanh Nhàn với biểu hiện mệt nhiều, sốt 38 độ C, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào lần xét nghiệm PCR thứ 2.