News

6/recent/ticker-posts

Công trình thủy lợi đầu tư hơn 100 tỷ đồng chưa nghiệm thu đã hư hỏng

Hệ thống thủy lợi Pleikeo được đầu tư hơn 100 tỷ đồng phục vụ tưới cho khoảng 500 ha cây trồng ở xã Ayun, khi chưa nghiệm thu đã nứt nẻ, sụt lở.

Ngày 13/8, UBND Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND huyện Chư Sê và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra công trình thủy lợi Pleikeo chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.

Tuyến kênh N2 bị xói lở hôm 10/8. Ảnh: Ngọc Oanh.

Năm 2017, UBND Gia Lai phê duyệt dự án Công trình thủy lợi Pleikeo tại xã Ayun với kinh phí hơn 41,5 tỷ đồng, giao UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư.

Một năm sau, UBND tỉnh tiếp tục chi thêm 77,7 tỷ đồng để làm hệ thống kênh dẫn của thủy lợi Pleikeo, gồm một kênh chính dài 560 m, sau đó tách ra thành hai (kênh N1 5,6 km và N2 5,9 km).

Khi hoàn thành, Công trình thủy lợi Pleikeo, do Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành thi công, dự kiến phục vụ nước tưới cho khoảng 500 ha cây trồng; trong đó 400 ha lúa, còn lại là hoa màu của người dân 10 làng thuộc xã Ayun.

Tuy nhiên, khi chưa được nghiệm thu, nhiều vị trí kênh máng bêtông bị nứt toác. Nhiều đoạn kênh không có nắp đậy. Dọc theo tuyến kênh chính, nhiều vị trí bị xói lở, gãy nứt, đất đá vùi lấp hết phần kênh. Nhiều điểm nối ống thép dẫn nước với kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành cho biết, công trình hoàn thành từ cuối năm 2019, tuy nhiên do ảnh hưởng mưa gió, dịch bệnh kéo dài nên chưa bàn giao được.

Theo ông Thưởng, tuyến kênh chủ yếu đi dọc sườn núi, nên không tránh khỏi việc hư hỏng. "Sắp tới chúng tôi sẽ khắc phục, bàn giao", ông Thưởng nói và cho biết một số đoạn kênh không đạt đơn vị thi công đã bỏ làm lại cái khác.

Ayun là xã đặc biệt khó khăn nằm phía Đông huyện Chư Sê, với gần 900 hộ. Thu nhập chính của người dân dựa vào cây mì, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ và đánh bắt thủy sản trên sông Ayun...

Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) người dân luôn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, đất đai khô cằn, cây cối chết khô. Vì thiếu nước, mỗi năm, người đồng bào Jarai và Ba Na nơi đây chỉ canh tác được một vụ.