News

6/recent/ticker-posts

Người chết do nổ ở Lebanon tăng lên hơn 100

Số người chết trong vụ nổ ở cảng Beirut đã tăng lên hơn 100, trong khi hơn 4.000 người bị thương, theo Hội Chữ thập đỏ Lebanon.

"Các đội của chúng tôi đang tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở các khu vực xung quanh", Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết trong một tuyên bố hôm nay khi cập nhật thiệt hại về người sau vụ nổ khủng khiếp.

Hội cũng cảnh báo số người chết sẽ tiếp tục tăng lên. "Vẫn có thể có nạn nhân. Tôi hy vọng là không", người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Lebanon George Kettani cho hay.

Kettani trước đó nói rằng hội đang phối hợp với bộ y tế để lập nhà xác vì các bệnh viện bị quá tải.

Kho chứa 2.750 tấn phân bón tại cảng ở thủ đô Beirut phát nổ ngày 4/8 với sức công phá ngang 240 tấn TNT, làm rung chuyển thành phố và được ví như "bom nguyên tử ở Nhật Bản". Quy mô sự hủy diệt như hiện trường một trận động đất, với hàng nghìn người bị mất nhà cửa và hàng nghìn người khác bị nhồi nhét vào các bệnh viện vốn đã quá tải để điều trị.

"Chúng tôi đã trải qua một số ngày đen tối ở Lebanon trong những năm qua nhưng đây là chuyện khác", Rami Rifai, kỹ sư 38 tuổi, nói bằng giọng nghẹn ngào từ bệnh viện nơi hai con gái của anh đang được điều trị vì bị thương sau vụ nổ. "Chúng tôi đang chịu khủng hoảng kinh tế, một chính phủ gồm những tên trộm và Covid-19. Tôi không biết liệu đất nước này có thể vực dậy được không. Mọi người sẽ cố rời đi và tôi cũng thế".

Người đàn ông bị thương nằm phía sau một chiếc ôtô trước khi được đưa khỏi hiện trường vụ nổ ở Beirut, Lebanon hôm 4/8. Ảnh: AFP.

Vụ nổ được cho là cú sốc mạnh với đất nước đang quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ cùng đại dịch Covid-19, đẩy gần một nửa dân số vào cảnh nghèo đói. Đồng nội tệ lao dốc, các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Theo giới quan sát, những người có tài sản bị phá hủy trong vụ nổ có rất ít hy vọng được bồi thường. Bị tê liệt vì nợ nần và chính trị, Lebanon dường như không được trang bị đầy đủ để đối phó cuộc khủng hoảng mới.

Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích chính phủ Lebanon, lập luận rằng thảm họa cường độ lớn như vậy chỉ có thể tàn phá ở một nhà nước có thể chế bị tê liệt bởi sự bất tài và tham nhũng. Vài giờ sau vụ nổ, hàng nghìn gia đình đã lái xe khỏi Beirut để đến nơi an toàn, nhưng nhiều người khác bị mắc kẹt, không thể đi bất cứ nơi nào hoặc không muốn để nhà của họ bị cướp bóc.

Hội đồng Quốc phòng cấp cao Lebanon tuyên bố Beirut là "thành phố thảm họa" và đề nghị nội các tuyên bố tình trạng khẩn cấp hai tuần ở thủ đô, đồng thời quyết định quốc tang ba ngày cho các nạn nhân. Đồng minh và cả đối thủ của Lebanon đều gửi lời chia buồn và đề nghị giúp đỡ sau vụ nổ thảm khốc ở thủ đô Beirut.