Lãnh đạo UBND thành phố đồng ý chủ trương miễn phí học kỳ I năm học 2021-2022 cho tất cả học sinh theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang chờ văn bản chính thức của UBND TP HCM để triển khai. Việc miễn học phí này được áp dụng với hệ thống trường công lập.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) nói trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", tối 30/8. Theo ông Hiếu, miễn học phí thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó để học sinh không phải đóng học phí, thành phố sẽ thực hiện cấp bù bằng ngân sách.
Trước đó, tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí học kỳ I nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Ở các trường ngoài công lập (tư thục, quốc tế), học phí do nhà trường thoả thuận với phụ huynh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với các trường từ đầu năm học, đề nghị không tăng học phí nhưng nhiều trường vẫn đề xuất tăng 5-10%. Lý do trường đưa ra là nhiều chi phí phát sinh khi duy trì việc dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí giữ chân giáo viên. "Việc này họ có cơ sở pháp lý, nhưng xét về tính nhân văn, tăng học phí lúc này là phản cảm, không thể hiện sự chia sẻ với người dân", ông Hiếu nói.
Hiện theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học công lập được miễn học phí. Riêng TP HCM giảm học phí cho tất cả học sinh bậc THCS từ năm 2019.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thành phố xác định dạy và học trực tuyến trong học kỳ I nhưng việc này hiện gặp nhiều khó khăn, nhiều học sinh không có thiết bị. Ngành giáo dục kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ với học sinh. Đầu mối tiếp nhận việc này là các trường học.
Ngoài việc dạy online của các trường, Sở đã làm việc với đài truyền hình để sản xuất các tiết giảng, giúp học sinh có thể tự học. Sở cũng đề nghị các đơn vị cung ứng Internet sẽ hỗ trợ học sinh vùng xa.
"Hiện nay, 80% giáo viên thành phố được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch phối hợp với Sở Y tế tiêm vaccine cho học sinh đủ 12 tuổi trở lên. Nếu Covid-19 ổn định, được kiểm soát, giáo viên và học sinh được tiêm ngừa đầy đủ thì có thể tổ chức dạy học tập trung tại trường lớp", ông Hiếu cho biết.
Toàn thành phố năm học tới có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên) và hơn 80.000 giáo viên, nhân viên trường học.
Phương án dạy học năm học 2021-2022 tại TP HCM:- Giáo dục trung học (THCS, THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 1 đến 5/9 sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức; từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy chương trình mới.- Giáo dục tiểu học: Từ ngày 8 đến 19/9 tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, củng cố kiến thức; từ ngày 20/9 dạy chương trình mới.- Giáo dục mầm non: Do đặc thù phải dạy học trực tiếp (giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), bậc học này có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh.