News

6/recent/ticker-posts

Trung Quốc đưa tàu khảo sát mới hoạt động ở Biển Đông

Một tàu khảo sát mới của Trung Quốc rời khỏi cảng ở thành phố Quảng Châu hôm nay 6.9 để hướng tới Biển Đông trong chuyến hoạt động đầu tiên của tàu này.

Tàu khảo sát Thực nghiệm 6 của Trung Quốc

Tàu khảo sát địa chất nói trên, mang tên Thực nghiệm 6, sẽ thực hiện “những nhiệm vụ khoa học quan trọng” ở cửa sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông và vùng biển ở phía bắc Biển Đông, theo tờ South China Morning Post dẫn lại thông tin từ báo Khoa học và Công nghệ thuộc nhà nước Trung Quốc.

Công trình đóng tàu Thực nghiệm 6 được bắt đầu vào tháng 11.2018 và tàu này hiện được xem là tàu nghiên cứu cỡ trung tối tân ở Trung Quốc. Những phòng thí nghiệm trên tàu cho phép các nhà nghiên cứu xử lý, phân tích các mẫu thu thập được và gửi dữ liệu về cho các đồng nghiệp trong đất liền thông qua vệ tinh.

Với vốn đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (77 triệu USD), tàu Thực nghiệm 6 có thể chở thủy thủ đoàn 60 người, có lượng giãn nước 3.990 tấn và có thể hoạt động trên biển liên tục 60 ngày. Tàu này có thể tiến hành các cuộc nghiên cứu ở vùng biển gần các đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, theo South China Morning Post.

Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) khoe rằng tàu Thực Nghiệm 6 là lực lượng chủ chốt trong đội tàu nghiên cứu của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.

Hồi tháng 10.2020, giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật pháp và các Vấn đề biển (Đại học Philippines) cảnh báo các tàu khảo sát là phương tiện để Trung Quốc "mở rộng sức mạnh”, theo tờ Philippine Daily Inquirer.

Theo ông Batongbacal, Trung Quốc công khai thừa nhận việc phát triển công nghệ hải dương và việc thực hiện nghiên cứu khoa học hải dương (MSR) là phương tiện bảo vệ yêu sách trên biển của nước này. Trung Quốc đã không ít lần triển khai tàu khảo sát đến vùng biển của nước khác ở Biển Đông, theo Philippine Daily Inquirer.