Việt Nam chưa quy định sử dụng hợp chất ethylene oxide (EO) trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Bộ Công thương cũng sẽ báo cáo Chính phủ, đề xuất biện pháp quản lý trên cơ sở khoa học.
Bộ Công thương đang hoàn thiện báo cáo gửi Chính phủ về vụ việc mì Hảo Hảo và đề xuất biện pháp quản lý
Ngày 3-9, theo nguồn tin của PV, Bộ Công thương đang hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ (thời hạn trước ngày 7-9) liên quan đến thông tin Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất vì có chứa chất ethylene oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).
Báo cáo này sẽ đánh giá kỹ lưỡng các thông tin phản ánh, quy trình sản xuất của sản phẩm xuất khẩu; phân tích các quy định của một số nước trong việc sử dụng hợp chất này trong chế biến thực phẩm, cũng như quy định của Việt Nam... Trên cơ sở đó đề xuất các quy định quản lý trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo đó, biện pháp trước hết sẽ kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo đáp ứng quy định, tiêu chuẩn hiện hành cho từng sản phẩm tiêu thụ ở mỗi nước.
Với thị trường Việt Nam, do chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, nên về dài hạn phải tiến hành các nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, bài bản để có cơ sở ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho quản lý.
Trước đó, ngày 2-9 Cổng thông tin của Bộ Công thương đã đăng tải nội dung "Kiểm soát dư lượng EO trong thực phẩm khi xuất khẩu" do Vụ Khoa học và công nghệ công bố.
Cụ thể, thời gian qua đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt…
Theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Tuy vậy, Vụ Khoa học và công nghệ cho biết nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
Với Việt Nam, hiện chưa ban hành quy định trong khi việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà nước đưa ra là khác nhau. Do đó, Vụ Khoa học và công nghệ khẳng định mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác.
Bộ Công thương khuyến cáo, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.Do vậy, cùng với việc thường xuyên rà soát, đánh giá lại quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.Làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.