News

6/recent/ticker-posts

'Người dân cần chấp nhận giá điện tăng 5 - 7%'?

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, đã đưa ra con số dự báo trên tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức hôm nay (25.2).

Đề cập đến vấn đề lạm phát trong năm nay, chuyên gia này cho rằng, lạm phát thế giới đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm, nhưng Việt Nam sẽ tăng do nền kinh tế trong nước có độ trễ so với thế giới, chậm nhất là hết quý 1 năm nay.


"Độ trễ" mà TS Cấn Văn Lực đề cập là do doanh nghiệp Việt Nam đa số nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất, gia công xuất khẩu. Quá trình nhập, sản xuất, bán hàng ra thị trường cần một thời gian nhất định. Độ trễ này mất khoảng nửa năm.

Trong bối cảnh đó, với nhiều chi phí đầu vào sản xuất tăng, bắt buột Nhà nước trong thời gian tới phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhất định. Chẳng hạn, tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…

Đặc biệt, với giá điện, chuyên gia này nêu lại vấn đề giá than thế giới tăng mạnh và cho rằng: "Người dân cần chấp nhận giá điện tăng theo dự báo khoảng 5-7% trong năm nay". Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ tới 31.000 tỉ đồng, chi phí đầu vào để sản xuất điện tiếp tục tăng sẽ dẫn đến nguy cơ lỗ nữa. Nếu vậy, sẽ gây tác động tới an ninh năng lượng và không đảm bảo cung ứng điện.

Về tài chính, ông Lực cho rằng, lượng cung tiền tung ra nền kinh tế năm 2023 sẽ tăng mạnh so với năm 2022. Lý do là ngoài tín dụng năm nay tăng trưởng 14 - 15% thì đầu tư công giải ngân tăng đến 20 - 25% so với năm trước.

Với tình hình hiện tại, chuyên gia này nhấn mạnh phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường, dự án bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về chính sách cần hỗ trợ cho doanh nghiệp TP.HCM, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh thành phố cần thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất (gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của CP và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước; gói tín dụng tiêu dùng lãi suất thấp 20.000 tỉ đồng từ các công ty tài chính). Thứ 2 là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1.1.2023. Đề xuất giảm thuế này ông Lực nói là nên áp dụng cho toàn quốc. Thứ 3, phải có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản bằng cách cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian, quy trình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM; rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư; phát triển nhà ở xã hội… Thứ 4 là đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế...