News

6/recent/ticker-posts

Tranh cãi chia đàn cá dưới hồ khi ly hôn

Chị Lý nói cá nuôi dưới hồ khoảng 3 tấn, song anh Luận bảo chỉ một khiến nhiều cuộc hòa giải chia tài sản ly hôn của đôi vợ chồng này bất thành, còn thẩm phán "đau đầu" tìm lời giải.

Ngày 24/2, chia sẻ với VnExpress, chị Lý, 29 tuổi, cho biết năm 2022 đã gửi đơn lên TAND huyện Thạch Hà đề nghị ly hôn với anh Luận, 36 tuổi. Nguyên nhân do "chồng không quan tâm và chăm sóc gia đình, thường xuyên bạo hành vợ".


Quá trình chung sống vợ chồng sinh hai con, xác lập được một số tài sản gồm đất đai, nhà cửa. Trong đơn, ngoài đề nghị được nuôi hai con, chị Lý muốn chia đều tài sản, trong đó có yêu cầu phân xử công bằng đàn cá đang nuôi dưới hồ rộng 400 m2, hiện do Luận quản lý làm nhà hàng và dịch vụ giải trí.

Được giao phụ trách vụ án, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn, Phó chánh án TAND huyện Thạch Hà, đánh giá yêu cầu của nguyên đơn "rất lạ", trong lịch sử tố tụng của tỉnh Hà Tĩnh chưa từng gặp. Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật là chính đáng, bởi cá vẫn là tài sản được họ tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, song để tìm phương án xử lý hài hòa, đảm bảo lợi ích cho các bên thực sự rất "đau đầu" cho HĐXX.

Tại các buổi hòa giải, chị Lý luôn mong muốn được ly hôn vì không thể "chịu đựng thêm được nữa". "Hơn một năm nay anh ấy chẳng ngó ngàng đến gia đình, tiền làm ra không đưa cho vợ mà lo việc riêng. Ngoài ra, khi hai người mâu thuẫn, tôi thường bị hành hung. Giải thoát cho nhau là tốt nhất", chị nói.

Còn anh Luận nói: "Lúc vợ đi mổ u xơ tử cung, dù đang sống ly thân nhưng tôi vẫn xoay xở tiền đưa cho cô ấy chữa bệnh. Có thể nói tôi thương gia đình, dù đã hết tình nhưng còn nghĩa, làm sao có chuyện bạo hành được".

Theo thẩm phán Hoàn, chị Lý yêu cầu chia đều thửa đất đang thuê cùng tài sản trên đất cho các thành viên trong gia đình. Trong khi đó anh Luận bác bỏ, nói thửa đất nuôi trồng thủy sản mình đứng tên bìa đỏ và trả tiền thuê hàng năm cho Nhà nước, nên không đồng ý với đề xuất của vợ, chỉ chấp nhận chia đôi tài sản trên đất, đó là đàn cá được nuôi dưới hồ khoảng 5 năm nay.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đã đến nước này thì ai cũng có lý luận riêng. Tòa thấy không hòa giải được nên đồng ý cho họ thuận tình ly hôn, tính đến các hướng chia tài sản cho hợp lý, trong đó có chia đàn cá", ông Hoàn nói.

Chị Lý tâm sự đề nghị chia cá không phải là làm khó tòa, mà muốn mọi thứ phải được phân xử công bằng. Chị phân tích, 5 năm trước anh Luận có ý tưởng làm hồ, nhưng công sức đắp bờ, thuê máy tạo độ sâu, vốn bỏ ra mua cá về nuôi thì chị góp phần rất lớn. Do vậy, nếu chia cả hồ và cá cho chồng là không được.

Khi được tòa cho tự nhẩm tính số lượng cá và mức giá tiền, người phụ nữ 29 tuổi cho biết cá đang nuôi dưới hồ có nhiều loại như trắm, mè đen, chim... tổng trọng lượng khoảng 3 tấn. Giá thị trường 40.000-70.000 đồng một kg tùy loại.

Anh Luận cho biết tại các phiên hòa giải đã nói rằng cá nuôi dưới hồ qua thời gian bị hao hụt do ảnh hưởng thiên tai, ngập lụt, "chắc còn khoảng một tấn thôi, con nặng nhất 3 kg, ngoài ra toàn cá tạp, giá cũng chỉ tầm 50.000 đồng một kg".

Theo cán bộ TAND huyện Thạch Hà, những cuộc hòa giải đầu đổ bể vì hai bên không thống nhất được số lượng cũng như mức tiền quy ước của đàn cá. Thành viên HĐXX gợi ý, chị Lý và anh Luận nên thống nhất số lượng cá đang nuôi dưới hồ là bao nhiêu, sau đó căn cứ theo giá thị trường hiện nay rồi chia đôi.

Phương án thuê người kéo cá lên để chia cũng được tòa tính đến, vì nó gần với sự công bằng nhất, nhưng tiềm ẩn nhiều vấn đề như phát sinh kinh phí như thuê người làm, lập hội đồng định giá. Vì thế, thẩm phán Hoàn cùng cộng sự tự nhủ phải kiên trì, đi tìm hiểu số lượng và giá trị của cá, sau đó phân tích cho hai đương sự hiểu những mặt được và mất nếu như họ nhất quyết đòi kéo cá lên chia.

Cán bộ tòa đến khảo sát hồ, hỏi ý kiến của những hộ dân có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, nhờ tính toán với diện tích mặt nước như vậy thì trong vòng 5 năm có thể nuôi được bao nhiêu cá. Mất khoảng 3 tuần, tòa đưa ra số lượng cá dưới hồ khoảng một tấn. Giá thống nhất là 70.000 đồng một kg, sau khi đã tham khảo ý kiến của nhiều cửa hàng, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn.

Tại các buổi hòa giải tiếp theo, thẩm phán Hoàn đưa ra các dữ liệu đã thu thập từ những người có kinh nghiệm nuôi cũng như mua bán thủy hải sản để chị Lý và anh Luận tham khảo. "Bất đắc dĩ phải kéo cá lên thì cũng được thôi. Nhưng ngoài phải tự bỏ kinh phí thì cá chia xong sẽ để đâu. Anh có hồ, nhưng chị thì không. Chẳng lẽ chị đưa cá đi gửi nhờ, lỡ không bán hết, bị chết thì sao, lúc đó có phải thiệt thòi không", thẩm phán Hoàn nhớ lại lời phân tích tại buổi hòa giải.

Sau lần hòa giải thứ ba, chị Lý và anh Luận bớt căng thẳng, bắt đầu thảo luận nhiều hơn về những mặt tích cực lẫn tiêu cực khi kéo cá lên chia. Kết thúc buổi hòa giải thứ năm, họ đồng ý theo đề xuất của tòa, thống nhất số lượng cá dưới hồ là một tấn, mức giá 70.000 đồng một kg, tổng giá trị khoảng 70 triệu đồng. Ngoài chia đôi, nếu ai muốn nhận hết cá thì phải thanh toán một nửa tiền cho người kia.

"Cán bộ thụ lý thở phào sau khi hai vợ chồng thống nhất với phương án do tòa đưa ra. 17 năm trong nghề, đây là lần đầu tôi xử lý một tình huống chia tài sản phức tạp đi kèm sự hài hước như vậy", Phó chánh án TAND huyện Thạch Hà nói.

Tại phiên xử mở cuối năm 2022, tòa đồng ý cho chị Lý và anh Luận thuận tình ly hôn. Mỗi người nuôi một đứa con, các tài sản gồm: đất đai, nhà cửa, bát đũa, chăn màn, bàn ghế, giường chiếu, vật dụng sinh hoạt... cũng đưa ra chia đều.

Ngoài ra, HĐXX đồng ý cho anh Luận được sở hữu đàn cá khoảng một tấn đang nuôi dưới hồ, nhưng phải đưa cho chị Lý khoảng 35 triệu đồng, tương đương với một nửa giá trị. Chủ tọa đọc xong phương án chia cá, những người dự phiên tòa bật cười, một luật sư tham gia bào chữa cho bị đơn nói đùa: "Vất vả cho tòa rồi".

Thẩm phán Hoàn nói phán quyết trên dựa trên các quy định của pháp luật, nếu đương sự chưa hài lòng thì có thể nhờ tòa cấp trên phân xử.

Chị Lý chia sẻ chỉ hài lòng với quyết định chia cá dưới hồ của HĐXX tòa sơ thẩm. Với các phương án chia tài sản khác thì người phụ nữ chưa hài lòng, đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh để đòi công bằng.

"Sáng 24/2, TAND tỉnh dự kiến xử phúc thẩm, song tôi vừa mổ u xơ tử cung lần hai, sức khỏe không tốt nên gửi đơn xin hoãn. Tôi mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế eo hẹp. Nhưng sắp tới xét xử, nếu cảm thấy bản thân thiệt thòi thì vẫn sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc, kháng cáo lên tòa cấp cao để đòi công lý", chị Lý nói.

Thẩm phán Trịnh Thị Thiện, TAND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đã hoãn xét xử phúc thẩm ly hôn của cặp vợ chồng này, thời gian mở lại chưa ấn định.

Anh Luận cho rằng tình huống chia thủy sản là hợp lý, vì mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối, cá dưới hồ khó cân đong đo đếm. Đối với việc phân xử một số tài sản khác, anh cũng cảm thấy chưa phù hợp, nhưng "không khiếu nại vì thiệt một chút cũng không sao, kéo dài thêm đau đầu". Người đàn ông 36 tuổi mong chuyện này kết thúc sớm để ổn định cuộc sống, kiếm tiền lo cho gia đình.

* Tên nhân vật đã thay đổi.