News

6/recent/ticker-posts

Báo Mỹ: Mục tiêu của “Giấc mơ Trung Hoa” là kiểm soát Biển Đông

Cạnh tranh hàng hải giữa các quốc gia được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng và bất ổn trên Biển Đông. Song, theo nhà nghiên cứu Linda Jakobson, chính Trung Quốc mới là tác nhân chính.
Theo National Interest, trong bài viết mang tựa đề: “Những tác động tới nền an ninh hàng hải không thể dự đoán trước của Trung Quốc”, bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney (Australia), nhận định chính quyết tâm khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương và mở rộng quyền kiểm soát trên Biển Đông mới là thách thức hàng đầu tác động tới tình hình an ninh tại vùng biển chiến lược này. 
Theo đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ rõ quan điểm “bảo vệ chủ quyền và lợi ích lãnh hải mà đặc biệt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” là những ưu tiên hàng đầu mà Bắc Kinh nên theo đuổi, đồng thời duy trì sự ổn định và các mối quan hệ hữu hảo với những quốc gia láng giềng. 

Trung Quốc chưa dám dùng vũ lực trên Biển Đông là sợ Mỹ có cớ can thiệp. 
Trong phiên bế mạc Hội thảo Công tác Ngoại giao Trung ương mới đây, ông Tập còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên “từ bỏ các quyền hợp pháp và lợi ích hay hy sinh những lợi ích cốt lõi của mình”. 
Chuyên gia Jakobson cho hay đôi khi những hành động phối hợp không nhịp nhàng giữa các ban ngành, địa phương tại Trung Quốc đã tạo ra một chính sách hỗn loạn. Điển hình là việc Trung Quốc cho công bố những tấm bản đồ gây tranh cãi thể hiện chủ quyền tại các khu vực trên Biển Đông mà quốc gia này đơn phương tuyên bố chủ quyền. 
Song không thể phủ nhận là, phần lớn hành động gây bất ổn và quyết đoán của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền. Như việc, Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng Năm cũng như tăng cường hoạt động khai hoang tại nhiều hòn đảo trên Biển Đông. 
Trung Quốc trái phép tiến hành xây đảo nhân tạo trên Biển Đông nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương. 
Để nhanh chóng biến các hòn đảo nhỏ bé thành đảo nhân tạo, Trung Quốc đã đẩy mạnh công tác nạo vét bùn lầy. Chuyên gia Jakobson nhận định: “Dường như đây là một công cụ trong cuộc chiến pháp lý nhằm củng cố những tuyên bố về quyền hàng hải của Trung Quốc dựa trên cái gọi là đặc điểm địa hình thay vì triển khai các hành động quân sự để khẳng định chủ quyền đối với những vùng biển mà nước này tự tuyên bố trên Biển Đông”. 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều rõ ràng là Trung Quốc đang đồng thời theo đuổi cả 2 mục tiêu trên. 
Đặc biệt, Bắc Kinh hiện tỏ ra không hài lòng với hiện trạng trên Biển Đông. Do đó, Trung Quốc đã tập hợp năng lực để dần dần thay đổi tình hình và giúp quốc gia này giành lợi thế. Song, Trung Quốc cũng vô cùng thận trọng nhằm tránh sử dụng vũ lực cũng như giữ không để Mỹ can thiệp. 
Theo National Interest, một số chuyên gia mô tả chiến lược của Trung Quốc là “tạo ra sự ép buộc”. Trong khi, những người khác lại gọi đây là chiến lược “cắt lát xúc xích”. Nhưng dù dùng thuật ngữ nào, thì một điều rõ ràng là nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang có một chiến lược quy mô lớn. Trong đó, tăng cường kiểm soát Biển Đông là một phần trong “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập.  
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

MINH THU (lược dịch)