News

6/recent/ticker-posts

Mẹ và con đều "yêu râu xanh" hãm hiếp

Đến xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân nơi đây ai ai cũng cảm thương cho số phận gia đình bà Trương Thị Vân, bởi từ đời bà cho đến đời cháu bà đều không biết mặt chồng mình là ai. Những người dân nơi đây cho biết, từ đời bà cho đến cháu bà từ khi sinh ra đầu óc đều không được bình thường, cũng có thể vì thế mà bà và con cháu bà đều bị hãm hiếp, bị chửa hoang. Thảm kịch cứ luẩn quẩn khiến chính quyền địa phương phải nghĩ tới biện pháp “triệt sản” gia đình bà để tránh hậu quả về sau.
Tìm tới căn nhà bà Trương Thị Vân (56 tuổi) ngụ ấp Nhân Trí, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Căn nhà nằm sát ngay đường quốc lộ lớn, lọt thỏm giữa hàng cây um tùm. Trong căn nhà trống huơ, không có nổi vật dụng gì đáng giá. Vài ba chiếc nồi móp méo nằm lăn lóc, chổng chơ trên nền nhà, chiếc rổ nhựa gãy vành, đựng vài bát mẻ. Đáng giá nhất chỉ là chiếc giường ngủ được làm bằng khối bê tông đúc cao hơn nền nhà.
Khi bắt gặp chúng tôi, người đàn bà có nước da đen nhút đang ngồi trên chiếc “giường” bê tông được cho là quý giá nhất, với ánh mắt ngây dại, đôi tay bíu chặt vào nhau, thỉnh thoảng ngước lên nhìn người lạ cười khanh khách. Gần đó, cô con gái nước da đen thui, tóc tai rũ rượi nằm vắt vẻo trên võng, đưa tay bốc thức ăn dưới đất nhét vào miệng nhai trái ổi một cách ngon lành. Khi chúng tôi lại gần, người phụ nữ với ánh mắt hoảng sợ đứng bật dậy “phi” tuốt ra vườn sắn phía sau nhà “lẩn trốn”. 
Được chị Cao Thị Cúc, người giám hộ cuả gia đình bà Vân cũng là cán bộ văn hóa xã Xuyên Mộc hướng dẫn nên PV mới hiểu được thấu đáo câu chuyện, bà Cúc nói: “Đây là gia đình đặc biệt nhất của xã chúng tôi. Người ngồi trên giường bê tông là bà Vân, còn đứa chạy ra trốn là Lượm - con gái bà ấy. Mấy chục năm nay họ sống điên dại với nhau trong căn nhà tình thương của xã. Thấy mẹ con họ bị những kẻ xấu lợi dụng, chúng tôi xót xa mà không có cách nào ngăn chặn”.
Bà Trần Thị Huyền (67 tuổi) người hàng xóm cận kề nhà bà Vân kể: Bố mẹ bà Vân là người di cư từ nơi khác đến. Đôi vợ chồng trẻ mua miếng đất dựng căn nhà sống tạm. Người bị hỏng một mắt suốt ngày làm đủ nghề để chăm nuôi người chồng mắc bệnh tâm thần. Khi bé Vân chào đời đầy đủ bộ phận như đứa trẻ khác. Mọi người xung quanh đến mừng chúc phúc cho gia đình họ. 
Đau đớn thay, càng lớn lên, người mẹ phát hiện con gái mình đã bị di truyền bệnh tâm thần từ chồng. Người phụ nữ suy sụp, rồi mắc bệnh nan y qua đời. Mấy năm sau người cha “điên” cũng bỏ bé Vân mà đi lưu lạc khắp nơi. Cô bé bơ vơ giữa dòng đời không còn ai thân thích bảo vệ. Đến tuổi cập kê, Vân “ngớ ngẩn” biến thành cô gái xinh xắn, thân hình nở nang, một mình sống trong căn chòi bố mẹ để lại. Lợi dụng đầu óc không bình thường của mình, Vân trở thành “món mồi” béo bở của những gã đàn ông “đục nước béo cò” làm chuyện người lớn.

Ngôi nhà 3 thế hệ bị bệnh tâm thầm.

Vừa tròn 18 tuổi, vào một đêm bà bị tên “yêu râu xanh” lẻn vào nhà giở trò đồi bại. Sau đêm định mệnh đó, người phụ nữ không ý thức được mình đã mang trong bụng đứa con đầu lòng. Cho tới khi bụng đau dữ dội, người “điên” nghĩ mình ăn phải thứ gì bị đau bụng đi ngoài. Trong cơn mưa rào, bà la hét một mình “vượt cạn”, đứa bé ra đời, nhưng không may rơi xuống nền nhà và qua đời. 
Sau cơn vượt cạn một mình thất bại, sức khỏe bà Vân có phần giảm sút. Từ lần đó, gã “yêu râu xanh” theo lối “ngựa quen đường cũ” nhiều lần tìm đến bà Vân để thỏa mãn cơn thú tính. Lần lượt, hai đứa con một trai một gái ra đời mà không biết mặt cha.
Bất hạnh thay, cả hai đứa con không giống bố mà chúng mắc căn bệnh tâm thần di truyền từ mẹ. Cuộc sống của ba mẹ con chỉ biết trông chờ vào sự “bố thí”, giúp đỡ của người hàng xóm. “Những lần bà Vân bị đàn ông giở trò đồi bại thường vào ban đêm nên người dân xung quanh không hay biết. Bà ấy không la hét, không biết tự vệ được bản thân. Hai đứa con sau ra đời bà ấy cũng không biết là con của mình. Cả gia đình kéo nhau đi lang thang, ai cho gì ăn nấy”. Chị Cúc cho biết.
Số kiếp người điên lao vào vòng luẩn quẩn khi Trương Thị Lượm (SN 1987, con gái thứ 2 của bà Vân) lại bị “yêu râu xanh” lợi dụng, hãm hiếp đến có bầu sau khi chị từ Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh trở về. Người giám hộ đặt tên cho đứa bé là Tâm với mong muốn đứa bé không mắc bệnh như mẹ. Mọi người ai cũng biết cha đứa trẻ là ai nhưng ông ta chối đẩy trách nhiệm. Đến nay bé Tâm được 7 tuổi mà vẫn chưa nói được thành thạo. 
Chính quyền xã chu cấp cho gia đình bà Vân 1 triệu đồng/tháng nhưng không đủ để nuôi sống 4 miệng ăn. Có những hôm đói quá, Lượm bế con ra chợ ăn trộm, giật đồ ăn của người khác. Bị phát hiện, cô bị đánh thâm tím mặt mày. Chị Cúc phải đi xin lỗi, năn nỉ họ bỏ qua.
Người con trai oái oăm không kém, tuy có phần tỉnh táo hơn em nhưng mỗi khi ra nắng Trương Văn Côi (SN 1979) phát bệnh, mắt trợn ngược, sùi bọt mép co giật liên hồi. Trước hoàn cảnh bi đát của gia đình, chị Cúc (hiện đang làm cán bộ văn hóa xã Xuyên Mộc) tình nguyện đứng ra làm người giám hộ cho họ trước pháp luật. Chị Cúc đưa Côi về nhà nuôi dưỡng, cho uống thuốc điều trị nên bệnh tình của anh cũng thuyên giảm hơn. Người phụ nữ xin cho Côi vào làm tại một xưởng bao bì ở địa phương.
Được một thời gian, chàng trai dẫn một người phụ nữ lạ về sống như vợ chồng trong căn nhà gỗ cũ nát của gia đình. Thấy người con gái ấy nhanh nhẹn, mọi người ai cũng mừng cho Côi. Tiếp xúc một thời gian, hàng xóm nhận ra “con bé đó chẳng thương yêu gì thằng Côi, mục đích nhắm là nhắm vào mảnh đất của gia đình bà Vân”. Nhiều lần người dân địa phương chứng kiến đứa “con dâu” đánh đuổi mẹ “chồng” và hai mẹ con Lượm ra đường để “độc chiếm” mảnh đất.
Có lần, người vợ hờ của Côi còn vác dao đuổi chém vào đầu bà Vân khiến chính quyền địa phương phải đứng ra xử lý. Sống êm đẹp được hơn 1 tháng, “nàng dâu” khăn gói bỏ đi và không quên cuỗm theo cuốn sổ đỏ của gia đình “chồng”. Tưởng bị lừa vố chí mạng chàng trai đã tởn đến già, nào ngờ chỉ nửa năm sau anh lại xiêu lòng một phụ nữ khác. Sống không hôn thú, người đàn bà thứ 2 của Côi càng ngỗ ngược, suốt ngày hằn học, mơ tưởng đến mảnh đất cắm dùi.

Cùng đi triệt sản

Lo cho họ miếng ăn qua ngày đã khó, suốt nhiều năm qua điều khiến chị Cúc và cả chính quyền địa phương đau đầu hơn là việc ngăn chặn những kẻ “yêu râu xanh”  làm hại. Nhiều lần chính quyền xã đã bắt quả tang và xử lý những đối tượng này. Tuy nhiên, vẫn không ngăn chặn được ý đồ lợi dụng “người điên” để thỏa mãn cơn thú tính. Chỉ cần cán bộ địa phương sơ hở là chúng xúi nhau vào làm bậy. Đêm đến, Công an viên thường phải đi qua nhà mẹ con người điên để kiểm tra.

Mẹ và con đều 'yêu râu xanh' hãm hiếp

Mẹ con bà Vân liên tiếp bị cưỡng hiếp.

“Những người đàn ông “bệnh hoạn” không chỉ người địa phương mà có khách vãng lai lui tới. Cách đây 1 tuần, có người đàn ông say xỉn phá cửa vào định làm bậy với hai mẹ con. Lần này bà Vân phản kháng, la hét mọi người xung quanh vội chạy tới ngăn chặn. Những lúc tỉnh táo bà mới ý thức được chút ít. Còn không chỉ cần đưa bánh kẹo, tiền bạc dụ dỗ là họ nghe theo răm rắp”, một người hàng xóm bức xúc.
Để bảo vệ mẹ con “người điên”, không còn cách nào khác, người giám hộ đã quyết định đưa hai mẹ con đi triệt sản. Năm 2007, bà Vân được cán bộ y tế xã tiến hành đặt vòng tránh thai. 
“Để không biến Lượm thành cái máy đẻ, chúng tôi đưa cô đi triệt sản. Nhưng nó còn quá trẻ lại không thể ký xác nhận muốn triệt sản nên chúng tôi đành đặt vòng tránh thai cho Lượm. Dù vậy tôi vẫn rất lo lắng, đêm nào mẹ con họ cũng bị những người đàn ông rình rập. Chúng tôi không thể ở bên thường xuyên, họ có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào. Không sinh đẻ được nữa nhưng ai đảm bảo được những người kia không truyền bệnh cho họ. Rồi đây bé Tâm sống, lớn lên trong môi trường đó sẽ bị ảnh hưởng. Biết làm sao để bảo vệ bé khỏi vòng xoay của bi kịch. Tôi chỉ muốn mẹ con họ được đưa vào trung tâm chăm sóc người khuyết tật thì tôi mới thực sự yên lòng”, chị Cúc tâm sự.
Nhìn cô bé gầy gò, xanh xao cầm que củi vạch đất lên chơi khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 7 tuổi rồi cô bé vẫn chưa được đi học. Hàng ngày vẫn sống ú ớ trong thế giới người điên. Gia đình bất hạnh chỉ biết sống nhờ bằng sự giúp đỡ của người dân xung quanh. Ai cũng thầm lặng cầu mong đứa bé lớn lên không bị bệnh tâm thần di truyền.