News

6/recent/ticker-posts

"Đại gia" vác bao tiền mua đất ở Phú Quốc: Cẩn thận sốt ảo

“Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau. Thị trường đã lên đỉnh điểm, nguy cơ vỡ bong bóng rất cao”, ông Đoàn Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Quốc cảnhbáo.
Chỉ sau một đêm, giá đất tăng 50%
Theo tin tức từ báo Tuổi Trẻ, tại nhiều nơi ở Phú Quốc, cũng như xác nhận của cơ quan quản lý về đất đai đều cho thấy đây là đợt sốt đất cao nhất trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. 
Ở Phú Quốc người dân bán đất theo công, một công tương ứng 1.000m2.
Khảo sát của VnExpress đầu tháng 7/2015, thị trường bất động sản tại Phú Quốc vẫn tiếp tục nóng dù 6-12 tháng qua huyện đảo này trải qua nhiều cơn sốt thất thường.
Cụ thể, ở Bãi Dài (cách trung tâm 10km), một dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quy mô hơn 1.000 sản phẩm gồm biệt thự, bungalow và phòng khách sạn cùng với hệ thống dịch vụ mua sắm chưa chính thức mở bán đã có khách xếp hàng đặt mua. Trong đó, cá biệt có một nhóm nhà đầu tư từ Hà Nội đặt riêng 10 căn hướng nhìn ra biển dù chủ đầu tư chưa công bố giá bán.
Sát dự án này là một khu nghỉ dưỡng 5 sao, giá các căn biệt thự nhìn thẳng ra biển trên thị trường thứ cấp có mức chênh lệch một tỷ đồng mỗi căn sau gần một năm được tung ra thị trường. Mặc dù tiền chênh lớn, nhà đầu tư vẫn săn lùng bất động sản có hướng nhìn ra biển để gom hàng.
Trong khi đó, đất lẻ tại bãi Cửa Cạn cách Thị trấn Dương Đông 15km tăng theo tuần, cứ vài ngày lại đổi chủ một lần, chủ yếu là giao dịch bằng giấy tay. Theo chia sẻ của dân địa phương, một khu đất lớn hơn 700 m2 hướng biển đã tăng giá từ 2 tỷ đồng lên thành hơn 6 tỷ chỉ trong một năm. Những lô đất diện tích nhỏ hơn tại đây, cứ mỗi tuần lại tăng giá 15-20% một lần sau khi đã đổi chủ.
Riêng đất trên phố Trần Hưng Đạo, một trong những trục đường chính của huyện đảo này được giao dịch quanh mức 100-120 triệu đồng một m2. Trên tuyến giao thông dọc theo sân bay, giá đất trồng cây lâu năm cũng biến động mạnh. Mức giao dịch thấp nhất là 2 triệu đồng mỗi m2 và cao nhất là 20 triệu đồng tùy vị trí.
"Bây giờ những lô đất nhỏ không phải đất thổ cư cũng có giá 300-400 triệu đồng chứ không còn giá vài chục triệu hay một hai trăm triệu như thời chưa sốt đất", một dân địa phương tiết lộ.
Thị trường địa ốc nóng, khiến nhà đầu tư khắp nơi dồn về Phú Quốc để săn cơ hội. Vào các ngày cuối tuần, nhu cầu du lịch, khảo sát thị trường nhà đất tăng đột biến khiến các khách sạn từ 4 sao trở lên đều kín phòng.
Thông tin trên báo Trí thức trẻ, một cò đất cho biết vừa thực hiện thành công một “thương vụ” lớn. Chuyện là cô có nhận 4.000m2 đất nằm cạnh dự án nghỉ dưỡng The Shell Phu Quoc của một Việt kiều đang sinh sống tại Anh. Mảnh đất này được mua từ năm 2009 chỉ có 400 triệu đồng, nhưng đã được bán lại cho một công ty du lịch với giá… 14 tỷ đồng.

Thị trường địa ốc nóng, khiến nhà đầu tư khắp nơi dồn về Phú Quốc để săn cơ hội. 

Đánh giá về cơn sốt này, một nhà đầu tư cho rằng quy hoạch Phú Quốc trong tương lai không xa sẽ trở thành một thiên đường du lịch, có thể sánh ngang với Bali (Indonesia) và Phuket (Thái Lan), nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường biển, hàng không, đường bộ đang được tích cực đầu tư hoàn thiện. Trong khi đó, diện tích của Phú Quốc chỉ khoảng 50km2, nhưng sẽ là “cửa ngõ” kết nối với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trong khu vực. Do vậy, đất đai ở đây đang trở thành một mỏ vàng là điều khó tránh khỏi.
Mới đây khi UBND huyện Phú Quốc đấu giá một lô đất công 3.000m2, cả hội đồng đấu giá bật ngửa khi giá tăng chóng mặt. Thời điểm năm 2013 lô đất này đưa ra giá sàn 11 triệu đồng/m2 nhưng không có ai mua, đến khi đưa ra đấu giá lần hai khách hàng giành nhau mua, giá đội lên 31-32 triệu đồng/m2. Hơn 30 lô đất mỗi lô 110m2 bán được với giá trên 2,9 tỉ đồng/lô.
Chủ một doanh nghiệp bất động sản chuyên về đất nền tại TP.HCM cho biết Phú Quốc giờ như miếng bánh nhỏ rất ngon không chỉ giới đầu tư, đầu cơ trong nước tranh giành mà cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài cũng vào cuộc.
“Ba, bốn năm trước giới đầu tư TP.HCM vào nhiều, công ty chúng tôi cũng mua gần 30ha ở bãi Trường và An Thới, sau đó bán một lô 8ha. Đến nay còn lô hơn 20ha tại An Thới, giá đã vọt lên gấp 4-5 lần rồi” - vị này nói.
Chỉ là sốt ảo
Phó tổng giám đốc Công ty Long Điền, Nguyễn Cao Cường cho biết, trong 2 năm trở lại đây Phú Quốc có sự phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh nhiều tín hiệu tốt như: mở cảng, sân bay, đường bay thẳng, đường xá mở rộng và sức hấp dẫn của mô hình đặc khu kinh tế trong tương lai, ngành du lịch bội thu và tốc độ tăng giá đất cũng diễn ra nhanh hơn.
Thống kê từ huyện đảo này, tính đến tháng 5/2015 doanh thu dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch địa phương tăng hơn 60%. Phú Quốc đón hơn một triệu lượt du khách một năm, trong đó 300.000 người đến từ Hà Nội (chiếm 30%). 125.000 du khách đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nga và số còn lại đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước. "Trong làn sóng các nhà đầu tư bất động sản đổ ra Phú Quốc săn đất, nhà đầu tư Hà Nội luôn chiếm tỷ lệ cao nhất", ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giá đất tại Phú Quốc đã có nhiều vị trí bị sốt ảo. Các giao dịch bằng giấy tay tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đã mua đi bán lại quá nhiều lần với giá lần sau luôn cao hơn lần trước. "Cứ đà này, người mua cuối cùng sẽ lãnh đủ", ông dự báo.
Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết: "Thời gian gần đây giá đất tại Phú Quốc đang tăng lên chóng mặt là do một số người đầu cơ đất, cò đất làm loạn thị trường".
Theo ông Hưng, có nhiều giao dịch mua bán rất nhanh, mới mua hôm nay nhưng 2-3 ngày sau đã nhanh chóng chuyển nhượng cho người khác. Thậm chí, mới chỉ trao tiền cọc cho người bán nhưng trong ngày đã trao chứng nhận cho cá nhân mua tiếp sau đó. Tất cả những giao dịch trên đa phần là hoạt động chui nên Ban quản lý Phú Quốc chưa có con số thông kê cụ thể. Tuy nhiên, giá đất hiện nay so với giá Nhà nước quy định có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí cao ngất ngưởng.
"Đại gia" vác bao tiền mua đất ở Phú Quốc: Cẩn thận sốt ảo - Ảnh 2

Nhân viên bộ phận chuyên trách hồ sơ thuế nhà đất Chi cục Thuế huyện Phú Quốc với đống hồ sơ cao ngút. (Ảnh minh họa).

Cũng liên quan đến yếu tố gia tăng đột biến giá đất, ông Hưng chia sẻ, hiện nay các khoản thu liên quan đến đất như thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ, tiền thuê đất cũng ở mức cao. Tại hơn 10 chi nhánh ngân hàng ở Phú Quốc, 6 tháng đầu năm giao dịch lên đến hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó, chiếm đa số là tiền chuyển nhượng bán đất.
Với tình hình biến động trên, Phó chủ tịch cho biết, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc đang chỉ đạo và đưa ra chỉ thị về quản lý đất đai. Nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất và chuyển mục đích sử dụng đất bất hợp pháp. Đồng thời, tuyên truyền người dân tránh mắc bẫy “cò” đất để giảm thiểu rủi ro gặp phải.
“Hiện nay nhà đầu tư đang mua đất với giá cao ngất ngưởng nên nếu bỏ thêm chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất thì khả năng thu hồi vốn rất lâu và tiềm ẩn rủi ro lớn. Khả năng xảy ra bong bóng bất động sản là điều khó tránh khỏi”, ông Hưng nói.
Ông cho biết thêm, ở Phú Quốc quyền sử dụng đất có nhiều giai đoạn, nguồn đất tại đây rất đa dạng vừa có đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, đất rừng quốc gia… cho nên nhiều trường hợp được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, nhưng cũng không ít cá nhân không hề có giấy tờ chứng nhận. Cho nên nhiều thương vụ là mua bán trái phép.
Ở một khía cạnh khác, Phó chủ tịch lo lắng, với tình trạng giá đất tăng cao, hiện tượng chiếm đất của Nhà nước quản lý, xây dựng công trình trái phép tại Phú Quốc đang diễn biến phức tạp. Hiện nay các cấp, các ngành đang tập trung giải quyết vấn đề này.
Thống kê của huyện Phú Quốc, hiện đảo này có tổng cộng 202 dự án đầu tư, chiếm 7.976 ha. Cấp mới trong năm có 11 giấy chứng nhận đầu tư với hơn 90 ha. Lũy kế đến nay, có 136 dự án đang triển khai với quy mô 5.010 ha. Tổng vốn đầu tư cho tới thời điểm này lên đến 144.190 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án đã hoạt động và đa phần là từ nguồn vốn FDI.
Theo ông Đoàn Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Quốc, từ tháng 6-2014 đến nay giá đất chuyển nhượng nhiều khu vực tăng rất mạnh. Đến nay nhiều khu vực đã tăng 4-5 lần so với 12 tháng trước.
“Thu thuế từ bất động sản vì vậy tăng đột biến gấp hơn năm lần, từ 1,5 tỉ đồng/tháng lên hơn 10,5 tỉ đồng/tháng. Kê khai thuế liên quan đến nhà đất tăng đến mức chúng tôi không thể ngờ được, đến nay bộ phận nhân viên thuế gần như quá tải. Nhiều hôm nhân viên phải làm việc đến 9g tối vẫn chưa giải quyết xong hồ sơ” - ông Đức thông tin.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, tại Chi cục Thuế huyện Phú Quốc có gần 4.500 hồ sơ kê khai thuế liên quan đến nhà đất (bình quân mỗi tháng 750 hồ sơ), trong đó 80% là kê khai chuyển nhượng, mua bán.
Nếu căn cứ bảng giá đất của UBND huyện Phú Quốc, khu vực đắt đỏ nhất như đường Trần Hưng Đạo, 30-4, Nguyễn Trung Trực... chỉ 8 triệu đồng/m2nhưng thực tế hiện nay giá đất bị đẩy lên trên 
15-20 triệu đồng/m2.
Theo ông Đức, giá đất tăng chóng mặt kể từ khi Phú Quốc có quyết định của Chính phủ là đặc khu kinh tế (vào tháng 6-2014). Đến tháng 10-2014 Phú Quốc lên đô thị loại 2. Tiếp đó là các dự án lớn như Vingroup đưa vào hoạt động ở bãi Dài, các trục đường lớn đưa vào hoạt động, sân bay quốc tế Phú Quốc mở đường bay thẳng đến các thành phố lớn... người dân các vùng miền đổ về càng tạo thêm sốt đất cho Phú Quốc.
“Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau. Thị trường đã lên đỉnh điểm, nguy cơ vỡ bong bóng rất cao”- ông Đức cảnh báo.
Ngọc Anh