News

6/recent/ticker-posts

Đại tá công an kể chuyện “đi chơi” với dân anh chị ngày Tết

Nhắc đến Hải Phòng, gần như ai cũng biết đó là xứ sở của các băng nhóm giang hồ. Cảnh nổ súng, đâm thuê, chém mướn, tranh giành “lãnh thổ” nhiều, khiến không chỉ người dân tỉnh khác mà người dân bản địa cũng lạnh cả người.
Thế nhưng, vài năm gần đây tình trạng này đã giảm. Có được điều đó, không thể phủ nhận công lao của “lính hình sự”. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một “lính hình sự” xịn của đất Cảng, có tên trong danh sách H88. Anh là Đại tá Lê Hồng Thắng – Trưởng phòng PC45, Công an TP.Hải Phòng.
Đêm giao thừa được quây quần với gia đình hiếm như tìm sao băng
Anh đã là ông nội thần tượng của những đứa cháu có gương mặt khá cá tính. Ngồi với chúng tôi, anh cũng rất xuê xoa và cười nhiều hơn nói về mình.
Theo hồ sơ, anh tốt nghiệp trường trung cấp Cảnh sát Nhân dân năm 1985, sau đó về nhận nhiệm vụ tại phòng An ninh Điều tra Công an TP. Hải Phòng. Năm 1992, anh xin tổ chức cho về đội Cảnh sát Hình sự đặc biệt, mang bí số H88, trực thuộc phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hải Phòng. Và, những ngày “làm bạn” với dân anh chị, “đi chơi” với họ đêm giao thừa, qua Tết bắt đầu từ đây.
Đại tá Thắng bộc bạch: “Được vào môi trường mình yêu thích, ở đó có những chiến sỹ điều tra cao cấp, những lãnh đạo bề dày kinh nghiệm, Đội lập được nhiều thành tích đáng được đồng nghiệp kính nể, người dân thán phục. Ngày ấy, Đội đấu tranh chống nhiều loại tội phạm nên “tay nghề” của chiến sỹ nhanh chóng trưởng thành. Ai cũng có những sự nhạy cảm nghề nghiệp riêng, khi gặp nhau trong cùng một chuyên án đã tạo nên thành tích đáng nể. Không lâu sau khi về Đội H88 đã hình thành trong tư duy “đánh” tội phạm của tôi là phải nắm rõ càng nhiều đối tượng càng tốt. Thế nên, ngày đó, tôi tập trung vào theo dõi, nghiên cứu hoạt động của những đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm. Nhờ bước đi đúng của mình, tôi cùng H88 tiếp tục lập được nhiều thành tích như Chuyên án 393C, bắt 10 đối tượng có súng; Chuyên án 595C, bắt 4 đối tượng...”.
Mải miết với công việc và được ghi nhận những thành tích, năm 1998, Đại úy Lê Hồng Thắng được bổ nhiệm đội phó rồi sau đó là Đội trưởng đội án tuyến. Năm 2004, anh được tin tưởng giao trọng trách Đội trưởng đội Chống trộm của PC45. Năm 2009, anh được Công an TP. Hải Phòng bổ nhiệm Phó Trưởng Công an huyện An Dương. Trong thời gian này, ngoài việc triệt phá hàng chục vụ án, băng nhóm giang hồ đất Cảng, Đại tá Thắng còn thêm vào “bộ nhớ” của mình được trên 500 đối tượng, trong đó có một số đối tượng cộm cán như: Hải “phú”, Hưng “sự”, Vượng “Tộ Tích”... Năm 2013, khi đó anh là Thượng tá, được điều động về giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Thời điểm này, một số vấn đề trật tự xã hội ở TP.Hải Phòng đang gây nhức nhối trong dư luận, thách thức những người “lính hình sự” có kinh nghiệm như anh. Nhiều người dõi theo anh cùng đồng nghiệp, xem “họ xử lý như thế nào?”.
Chỉ huy của nhiều chuyên án lớn

Về phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khi một số vấn đề trật tự xã hội ở TP. Hải Phòng như: Sản xuất súng, vũ khí nóng, bảo kê, cướp giật, buôn bán ma túy... có dấu hiệu bùng phát trở lại, nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh, đặc biệt là sự hiểu biết tâm lý tội phạm, Đại tá Thắng đã tự tin giải mã chúng.

Theo Đại tá Thắng, đầu năm 2013, tại Hải Phòng các nhóm đối tượng giang hồ hay còn gọi là dân anh chị liên tục sử dụng vũ khí nóng để thanh toán nhau, tranh giành địa bàn để thu lời bất chính... thực sự là thách thức không nhỏ cho “lính hình sự”. Chúng tụ tập sử dụng súng, dao, lê... kéo lê đường phố chủ yếu vào ban đêm gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến bình yên cuộc sống. Để trấn áp, triệt phá băng ổ nhóm trên, củng cố niềm tin của người dân vào “lính hình sự”, ngay lập tức anh xây dựng kế hoạch tuần tra đêm của cán bộ PC45. 80 cán bộ, chiến sỹ được huy động vào kế hoạch này. Chỉ sau 2 năm thực hiện, mô hình do anh lên kế hoạch, cùng Ban giám đốc chỉ đạo đã “giải tán” được 16 ổ nhóm giang hồ, với 42 đối tượng, thu nhiều súng, dao, vũ khí khác.
Cùng với kế hoạch trên, trong 2 năm (2013 – 2014), Đại tá Thắng chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ PC45 phá hàng chục chuyên án, vụ việc chấn động cả nước, bắt vài trăm đối tượng. Trong đó phải kể đến vụ bắt 3 đối tượng Mai Đức Vượng, Đào Duy Tuấn và Đào Văn Thắng. Chúng sử dụng hồ sơ giả điên để trốn tội. Chuyên án 814M, bắt 12 đối tượng, thu 564682g ma túy qua đường hàng không sân bay Cát Bi. Vụ triệt phá đường dây mua bán vũ khí quân dụng trái phép của Nguyễn Văn Tiến và đồng bọn tại huyện An Dương khi chúng đang bán 2 khẩu súng. Chuyên án 75C, bắt giữ 21 đối tượng chuyên cướp trên QL5, QL10. Chuyên án HDL1, bắt 42 người Trung Quốc, Đài Loan sử dụng công nghệ cao đặt tại Hải Phòng để lừa đảo...
Tháng 3/2015, Thượng tá Lê Hồng Thắng được Công an TP. Hải Phòng bổ nhiệm chức Trưởng phòng PC45 và không lâu sau đó, anh được thăng quân hàm lên Đại tá. Nhận nhiệm vụ, với vai trò là người đứng đầu, anh càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn nhưng cũng có điều kiện để thực hiện những kế hoạch mình ấp ủ trong công tác trấn áp, triệt phá tội phạm băng nhóm, giang hồ cộm cán. Một số chuyên án, nhất là án mờ tiếp tục được anh chỉ đạo điều tra. Từ đó, hàng chục đối tượng bị pháp luật trừng phạt. Đại tá Thắng nói chuyện say sưa về phá án mờ: “Đối tượng của những vụ án mờ rất thủ đoạn, ma mãnh. Chúng dùng mọi “chiêu thức” để thoát tội như giả điên, tạo chứng cứ, hiện trường giả. Đặc biệt, chúng còn tạo cả tình tiết ngoại phạm cực kỳ bài bản để lừa cán bộ điều tra... Nếu không tinh ý, bọn tội phạm này sẽ thoát tội rất ngoạn mục và khi thoát tội, chúng còn cười vào mặt điều tra viên ấy chứ!”.
Tiếp tục chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh, triệt phá các băng ổ nhóm giang hồ cộm cán, Đại tá Thắng cho biết, là nghề luôn đối mặt với tội phạm nguy hiểm, việc xây dựng lực lượng lớn mạnh là tối quan trọng. Trong đó, kiến thức thực tế, ngọn lửa nhiệt huyết phải luôn được cháy trong huyết quản mỗi chiến sỹ, cán bộ và người chỉ huy. “Với nghề hình sự, phá án không có “kịch bản” và không vụ nào giống vụ nào, nên mọi thứ đều phải được xây dựng bài bản, hành động chuẩn xác tuyệt đối. Có như thế mới phá được án mà vẫn đảm bảo an toàn cho các chiến bộ chiến sỹ”, Đại tá Thắng tâm sự.
Trò chuyện với PV về người anh đồng nghiệp, Thiếu tá Võ Xuân Hiếu, cán bộ văn phòng PC45 thẳng thắn, đối với nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp, giữ gìn trật tự xã hội, trên địa bàn có “thương hiệu” của băng nhóm giang hồ thì người “thủ lĩnh” là tối quan trọng. Theo Thiếu tá Hiếu, người chỉ huy không những giỏi, dày dạn kinh nghiệm để đấu tranh, trấn áp mà còn phải “có tầm” – tức sự ảnh hưởng mới “khắc tinh” được tội phạm. Thiếu tá Hiếu ví dụ, 6/9/2015, gần 500 “anh chị” từ các tỉnh, thành trong cả nước, chuẩn bị lên đường dự bữa tiệc “bát-ty” tại quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, do một đại ca đất Cảng đứng ra huy động, tổ chức. Nếu bữa tiệc này diễn ra theo đúng “kịch bản” của chúng, chắc chắn, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự và đời sống xã hội. Thế nhưng, khi có thông tin trinh sát, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cùng với ban giám đốc, Đại tá Thắng đã tác động lên đại ca này. Kết quả, đến phút chót, chính đại ca đã thông báo giải tán bữa tiệc. Tác động như thế nào, trao đổi với chúng ra sao, có lẽ đó là bí mật nghề nghiệp của “lính hình sự”. Thế nhưng, ngoài nghiệp vụ ra, không thể không nhắc tới “tầm” ảnh hưởng, hay còn gọi là cái uy của thủ lĩnh đối với giang hồ. Cái uy này thì không phải thủ lĩnh “lính hình sự” nào cũng có.
Trong buổi trò chuyện, tôi nhớ lại câu nói, cười hiền của Đại tá Thắng rằng: “Không có chuyên án lớn để phá thì sẽ không có thành tích, nhưng đảm bảo được trật tự xã hội mới là chiến công. Chiến công là không có gì”.