News

6/recent/ticker-posts

Hồi ức của người “nhạc công” tay không bắt “trùm giang hồ” Phước “tám ngón”

Từng là nhân vật “huyền thoại” của thập niên 90, một tay quật ngã trùm giang hồ Phước “tám ngón” nhưng anh Hoàng chưa một lần cảm thấy tự hào với “chiến thắng”. Đã 20 mùa xuân trôi qua, anh vẫn sống cuộc đời bình dị với niềm đam mê đàn, hát.
Cái Tết bình dị
Trở lại vùng cao nguyên nắng gió vào dịp cuối năm, tôi ghé thăm anh Hóa Công Hoàng (52 tuổi, ngụ phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào một buổi chiều muộn. Người đàn ông ấy từng nổi danh vào những năm cuối của thế kỷ trước, khi anh một tay quật ngã trùm giang hồ Phước “tám ngón” khét tiếng đất Sài thành.
Sự kiện anh Hoàng đưa kẻ “máu lạnh” trở về làm bạn với danh phận tử tù đã gây nên một cơn bão dư luận lúc bấy giờ. Tên tuổi của anh như một đề tài nóng trên khắp các mặt báo và trở thành một “hiệu ứng” khiến cho nhiều người phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trái ngược với sự tung hô và nổi tiếng tứ phương, anh Hoàng chưa một lần cảm thấy việc bắt được Phước “tám ngón” là một thành tích. Hai thập kỷ trôi qua kể từ cái đêm định mệnh mà tên tướng cướp lừng danh “viếng thăm”, cuộc sống của anh Hoàng vẫn bình dị, êm ả trôi như một làn nước không chút gợn sóng.
Ở cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” nhưng niềm đam mê đàn, hát trong anh Hoàng chưa bao giờ nguội lạnh. Với tiếng đàn du dương đi vào lòng người và vẻ bề ngoài lịch thiệp dễ gần, anh Hoàng được nhiều người mệnh danh là “lãng tử thời hiện đại”. Anh không chỉ chơi nhạc những lúc vui, gặp gỡ bạn bè mà những khi buồn cây đàn cũng giống như một người bạn tri kỷ để chia sẻ tâm sự.
Anh Hoàng cho hay: “Niềm đam mê chơi đàn đã ăn vào máu, thịt của tôi từ thuở nhỏ. Nó như một “người tình trăm năm” mà tôi luôn theo đuổi để tìm hiểu. Tôi chơi đàn không chỉ để vui mà chơi bằng cả cái tâm và nhiệt huyết”. Để phô diễn tài năng của mình, anh Hoàng liền chọn lấy một trong số hơn 10 cây đàn ghi ta treo trên tường. Những ngón tay điêu luyện, thuần thục của anh khiến cho những người chứng kiến phải reo lên kinh ngạc. Cứ thế, cái lạnh mùa đông của vùng cao nguyên như được sưởi ấm bởi tiếng nhạc mê hồn của người nghệ sĩ tài hoa, lãng tử.
Không chỉ những ngày thường, anh Hoàng còn đem niềm đam mê âm nhạc, đàn hát của mình để giúp cho mỗi mùa Tết Nguyên đán được ấm cúng hơn. Anh Hoàng cho biết: “Cũng như bao người dân Việt Nam, cứ vào dịp cuối năm các thành viên trong gia đình tôi lại hăm hở, nhộn nhịp đón cái Tết truyền thống. Tết đến là dịp để mọi người hội ngộ, đoàn viên bên nhau sau một năm làm việc cực nhọc. Với tôi, ấn tượng nhất trong dịp Tết vẫn là việc mọi người hối hả, quây quần ngồi bên nhau gói bánh. Những nồi bánh chưng nóng hổi và những đêm dài thức trắng cùng người thân là điều hạnh phúc nhất mỗi độ xuân về”.
Bên cạnh những hương vị thông thường và lời chúc tốt đẹp của ngày Tết, thì với gia đình anh Hoàng còn có thêm niềm vui âm nhạc. Trong giây phút giao thời giữa năm cũ và năm mới, anh Hoàng lại say sưa bên những tiếng đàn để các thành viên trong gia đình, người thân cảm nhận được niềm hạnh phúc và chào đón một năm mới đầy thuận lợi, đoàn kết. Anh Hoàng cho biết thêm: “Bên cạnh gia đình, năm mới cũng là dịp bạn bè tứ phương được gặp mặt nhau. Như một ấn định, cứ đến ngày họp lớp đầu năm mới, tôi lại dùng tiếng đàn của mình để phục vụ bạn bè hát hò, chúc tụng nhau. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tôi đã chuẩn bị nhiều bài hát vui nhộn liên quan đến loài khỉ tinh nghịch”. Cứ thế, những “món quà” rất đỗi bình dị của anh Hoàng đã giúp cho mọi người thấy phấn khởi để bắt đầu cho một năm mới đầy niềm vui.

Căn nhà – nơi anh Hoàng giáp mặt và bắt Phước “tám ngón”.

Đêm giáp mặt...
Ngược dòng thời gian theo dòng ký ức, người nhạc công kể lại: “Buổi tối hôm đó là Chủ nhật ngày 1/10/1995, như thường lệ vào ngày cuối tuần khoảng 18h tôi chở vợ con đến nhà thờ cầu nguyện và 19h thì về nhà ăn cơm. Tuy nhiên khi vừa về đến nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên khi cánh cửa chính trước khi đi đã được khóa cẩn thận bỗng bị mở toang”.

Theo lời anh Hoàng, lúc đó, trong đầu anh đã có cảm giác hoang mang. Tuy nhiên, người đàn ông này trấn an gia đình mình rằng chắc là cậu sinh viên mà mình cho ở trọ đã về nhà trước nên mở cửa vô nhà. Đang loay hoay dắt chiếc xe vào nhà thì anh Hoàng giật mình khi phát hiện một bóng đen đang lục lọi buồng ngủ của vợ chồng mình. Chưa kịp định thần thì từ trong buồng một người đàn ông mặc áo sơ mi kẻ sọc, dáng người nhỏ, đầu đội chiếc mũ kết quay ngược ra sau bước ra chĩa thẳng nòng súng đen ngòm về phía anh Hoàng. Kèm theo đó là tiếng lên đạn “răng rắc” của khẩu súng AK, cùng lời đe dọa sặc mùi máu: “Mày quay ra không tao giết”. Biết rằng đây là một “đạo chích” đến nhà “viếng thăm”, anh Hoàng bình tĩnh hỏi: “Mày là ai, vô đây làm gì?”. Vẫn câu nói cũ, tên cướp gằn giọng đe dọa lớn hơn.
Trước họng súng vô tình của tên cướp, anh Hoàng không còn cách nào khác đành lùi ra cổng. Trong lúc vợ và con anh Hoàng chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tên cướp quay nòng súng sang chĩa thẳng vào người anh khống chế: “Chở tao đi nếu không tao bắn cả vợ con mày”. Lúc này chị Diễm Huyền (vợ anh Hoàng) chỉ biết ôm hai con nép vào góc tường run lặp bặp.
Biết rằng, thực hiện theo lời tên cướp đồng nghĩa với việc sẽ giao tính mạng cho hắn. Tuy nhiên không còn cách nào khác, anh Hoàng phải nổ máy làm theo yêu cầu của tên “đạo chích” khi họng súng trong tay hắn vẫn lăm le không rời vợ con mình.
Nhớ lại giây phút đối mặt với ranh giới của sự sống và cái chết, anh Hoàng cho hay: “Khi chiếc xe 67 cà tàng của tôi vừa “bò” lên cái dốc trước nhà được khoảng 50m thì một cảm giác rùng người khi tên cướp rê nòng súng lạnh ngắt của hắn từ dưới lưng lên sau gáy mình. Trong phút hoảng loạn ấy, tôi đã lấy được chút bình tĩnh, quay đầu lại hỏi: “Mình đi đâu đây?”. Khi tên cướp chưa kịp trả lời thì tôi phát hiện nòng súng của hắn đã lệch khỏi đầu mình. Như một bản năng sinh tồn, tôi buông tay lái quay người lại ôm chầm lấy tên sát thủ máu lạnh”.
Lúc đó, cả người và xe đều ngã sầm xuống mương nước bên đường nhưng người đàn ông dũng cảm ấy vẫn quyết tâm không buông tên cướp. Mặc dù bị ôm chặt nhưng tên cướp vẫn đe dọa: “Mày thả ra không tao bắn”. Sau đó là một tiếng “đoàng” nổ inh tai, ngọn lửa từ họng súng làm cháy một phần tóc bên tai nhưng anh Hoàng vẫn cố gắng dùng hết sức ôm chặt đối phương.
Nghe thấy tiếng súng nổ, ông Lâm Trường Thắng (nguyên là Thượng tá, Phó ban chỉ huy an ninh Công an tỉnh Đắk Lắk trước năm 1995) kế bên nhà anh Hoàng chạy ra cùng bắt gọn được tên cướp. Sau khi được đưa về trụ sở Công an TP.Buôn Ma Thuột, danh phận của tên “đạo chích” dần được hé lộ. Hắn tên là Nguyễn Hữu Thành (SN 1972, quê tỉnh Bình Dương) còn có biệt danh là Phước “tám ngón”. Năm 1988, hắn bị tuyên phạt 36 tháng tù vì tội trộm cắp. Tuy nhiên hắn đã trốn trại và tiếp tục gây ra hàng loạt các vụ cướp nghiêm trọng bằng vũ khí nóng. Ngày 24/6/1994, Phước nhận án tử hình và bị biệt giam tại Chí Hòa. Tuy nhiên, sau 8 tháng bị biệt giam, Phước “tám ngón” đã vượt ngục và lên Tây Nguyên tiếp tục gây án thì giáp mặt anh Hoàng.
Tên cướp lừng danh có đôi mắt sắc lạnh 
Nhớ lại đêm định mệnh cùng anh Hoàng tóm gọn Phước “tám ngón”, ông Lâm Trường Thắng cho hay: “Phước “tám ngón” là một đối tượng máu lạnh. Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của hắn lúc đó lạnh lùng và đằng đằng sát khí. Thời điểm bị khống chế, hắn đe dọa giết toàn thể mọi người. May là khẩu súng AK hắn dùng để đi cướp đã bị cắt nòng, không thể tự lên đạn, chỉ bắn được một phát nên chúng tôi dễ dàng tóm gọn được hắn”.