News

6/recent/ticker-posts

Campuchia là "con hổ kinh tế" mới ở châu Á?

Campuchia có thể sẽ trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo tại châu Á, khi nền kinh tế nước này không ngừng tăng trưởng trong những năm vừa qua với tốc độ trên 7%/năm.

Kể từ năm 2001 đến nay, kinh tế Campuchia đều phát triển với tốc độ 7%/năm và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo điều này sẽ tiếp tục ít nhất đến năm 2017.


Theo ADB, Campuchia đã thực hiện đúng như mô hình tăng trưởng kinh tế theo kiểu "công xưởng châu Á", mô hình kinh tế dựa vào giá nhân công rẻ và tập trung xuất khẩu. Khi giá lao động ở các nước trong khu vực như Việt Nam, Trung Quốc tăng lên, Campuchia sẽ là một thị trường mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì giá nhân công rẻ.

Báo cáo Phát triển châu Á 2016 của ADB cho biết: "Nguồn cung lớn của Campuchia là lao động giá rẻ, tay nghề thấp đã thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất giày dép và may mặc xuất khẩu", nơi mà mức lương bình quân chỉ 140 USD/tháng.

Dù còn nhiều thách thức nhưng Campuchia đang thực hiện tốt mô hình phát triển của mình, ADB nhận xét.

Nền kinh tế nông nghiệp của Campuchia đang chuyển dịch dần sang công nghiệp và dịch vụ. Trong năm 2015, ngành công nghiệp Campuchia có tốc độ tăng trưởng đến 11,7%, trở thành ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của nước này. Tốc độ gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Campuchia cũng rất cao, lên tới 17%, chủ yếu là xuất khẩu may mặc và giày dép với tỉ trọng lên tới 70%.

Theo Bộ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ (MIH) Campuchia, trong 3 tháng đầu năm 2016 có 40 công ty đăng ký hoạt động mới, tạo ra 12.000 việc làm. Điều này nâng tổng số nhà máy tại Campuchia lên 1.490, tuyển dụng hơn 872.000 lao động, với hơn 700.000 lao động và 1.000 nhà máy sản xuất may mặc và giày dép.

Trong quý 1/2016, 74 doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã đăng ký kinh doanh, nâng tổng số doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc lên 38.933 và sử dụng gần 200.000 lao động. Tuy nhiên, trong thời gian tới ADB khuyến nghị Campuchia cần thay đổi chiến lược phát triển kinh tế của mình vì sẽ bị cạnh tranh trong ngành sản xuất may mặc bởi những nước khác trong khu vực như Myanmar.