News

6/recent/ticker-posts

"Nữ đại gia": Thêm một phim Việt xem xong... "hiểu chết liền!"

Được quảng cáo khá rầm rộ ngay từ trước khi ra mắt, liệu "Nữ đại gia" đã đạt được những kỳ vọng của khán giả?

Xem xong buổi ra mắt Nữ đại gia tại TP.HCM tối 17/5, trên Facebook nhiều người (có cả đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch…) đã viết rằng mình mất phương hướng vì không biết chủ đích của câu chuyện và phim này là gì? Mà nhìn lại tất cả các phim được chiếu của Lê Văn Kiệt tại Việt Nam, khả năng gây khó hiểu, hoang mang của đạo diễn này không hề nhỏ.

Trong hồ sơ truyền thông có đoạn: “Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ nhiều khúc mắc giữa hai nhân vật là nữ doanh nhân Kim Anh (Nguyễn Cao Kỳ Duyên thủ vai) và cô con gái Nhi (Trương Quỳnh Anh)”.

Thế nhưng xem phim sẽ thấy mối quan hệ này khá đơn giản, quen thuộc với vô số phim truyền hình, đó chỉ là chuyện mẹ ham mê công việc mà thiếu chăm lo cho con gái. Khán giả sẽ hoang mang vì chẳng biết phim nhiều khúc mắc ở chỗ nào?

Diễn xuất yếu

Nhà sản xuất Trần Trọng Dần từng nói: “Nhiều người sẽ rất bất ngờ về MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cô đã nhập vai xuất sắc hoàn cảnh một nữ đại gia được đổi đời trong vài năm ngắn ngủi”. Thực chất thì MC này chỉ mới đủ sức vào vai tàm tạm, rất ít sáng tạo, chứ đừng nói tỏa sáng.

Chọn cô vào vai chính trong Nữ đại gia là một quyết định chưa hợp lý. Diễn xuất yếu nhất có lẽ là siêu mẫu Thúy Vinh, vai thứ chính của cô xơ cứng, đơn điệu, thoại thiếu tự nhiên. Hai vai chính của Huỳnh Anh Tuấn, Trương Quỳnh Anh thì ở mức độ bình thường, diễn xuất khá nhất thuộc về Quang Sự - một vai thứ chính.

Dù được kỳ vọng, vì lần đầu đóng phim tại Việt Nam, nhưng MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa thể tỏa sáng trong “Nữ đại gia”

Nếu so với các phim trước đây của Lê Văn Kiệt như Ngôi nhà trong hẻm, Dịu dàng… thì phim này thua kém nhiều về mặt diễn xuất. Vai của Huỳnh Anh Tuấn đáng lý không đến mức nhàm nếu đạo diễn không ép trùm xã hội đen này nói quá nhiều. Xem các đoạn cãi lộn tay đôi mà thấy buồn cười, vì ông này nổi danh vì buôn bán vũ khí và giết người không gớm tay, cần gì phải cãi kiểu “hàng tôm hàng cá”.

Về khách quan và chủ quan, phim cũng gặp một số khó khăn, nên rất có thể bị ảnh hưởng đến câu chuyện, diễn xuất và tổng thể chung. Riêng ngày dự kiến công chiếu, phim phải thay đổi 2-3 lần do hội đồng duyệt yêu cầu chỉnh sửa nhiều chỗ.

Liên tục làm phim, dù thua lỗ

Lê Văn Kiệt (sinh 1978 tại Biên Hòa, Đồng Nai) gắn liền với nhà sản xuất Trần Trọng Dần, họ có ít nhất 2 phim không hoặc chưa được phép chiếu tại Việt Nam, đó là Bẫy cấp 3 và Rừng xác sống. Đây là các phim làm theo hướng thị trường, nên dù lý do là gì, hậu quả mà phía đầu tư, sản xuất đã rất rõ ràng, không thể bán vé thì đừng nói đến thu hồi vốn.

Phim bán vé tốt nhất của Lê Văn Kiệt là Ngôi nhà trong hẻm, nhưng do thời điểm ấy còn ít hệ thống rạp chiếu, nên phía sản xuất chỉ thu về hơn mức đầu tư một chút. Ngay cả Nữ đại gia kỳ này, khả năng thu hồi vốn sẽ khá hẹp lối, dù được nhà phát hành “gấu bự” CGV đảm trách.

Một chuyện cũ, khi duyệt phim Dịu dàng, một thành viên của hội đồng (muốn giấu tên) đã chia sẻ suy nghĩ riêng của mình: “đạo diễn phim này khùng quá”. Có lẽ chữ “khùng” ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, đôi khi tích cực, vì làm sáng tạo cũng cần chút khùng. Vì thế, cho đến nay, Dịu dàng vẫn là phim tương đối hoàn chỉnh và có chiều sâu nhất của Lê Văn Kiệt.

Còn lý do “gây hoang mang”, đó là tại sao làm phim liên tục lỗ mà vẫn làm? Trong khi Trần Trọng Dần đã thừa nhận: “Còn về chuyện tiền bạc, thật sự tôi chẳng có gì, khi về Việt Nam tôi là người vô gia cư và phi tài chính. Tôi chỉ có một điều, đó là sở thích phim ảnh mãnh liệt và sự rõ ràng trong việc sản xuất, nên nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn vào”. Cặp đôi này quả thật may mắn vì liên tục có được các nhà đầu tư hào phóng.