News

6/recent/ticker-posts

Hàng nghìn ha lúa mùa sắp thu hoạch bị ngập úng sau nhiều ngày mưa lớn

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ đã khiến hàng nghìn ha lúa và rau màu sắp đến vụ thu hoạch của người dân Thái Bình bị ngập úng. Nhiều nơi, do ngập úng lâu ngày, bông đã mọc mầm.

Việc thời tiết mưa diễn ra nhiều ngày, kết hợp hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình không tiêu nước ở các kênh tưới tiêu thụ kịp khiến 30.000 ha lúa và khoảng 10.000 ha rau màu của bà con Thái Bình bị thiệt hại nặng nề.

Do lượng hoa màu bị ngập khá nặng, nhiều nơi, do diện tích lúa ngập lâu ngày trong nước nên bông đã mọc mầm. Các địa phương ở tỉnh Thái Bình đang dồn sức tiêu nước trong nội đồng cứu hoa màu. Đồng thời huy động lực lượng quân đội, học sinh THPT tham gia thu hoạch lúa, hoa màu giúp dân với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Nhiều diện tích lúa ở Thái Bình ngập nặng khiến bà con thiệt hại nặng nề

Tại huyện Đông Hưng, từ ngày 9/10 đến nay, trên địa bàn huyện Đông Hưng đã xảy ra mưa lớn rải rác, lượng mưa từ 140mm đến trên 270mm, làm khoảng 9.000ha lúa mùa của huyện này chưa kịp thu hoạch và gần 2.000ha rau màu đã trồng bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Tại huyện Vũ Thư, hiện có hơn 2.000 ha lúa bị ngập úng. Theo Ban chỉ huy PCLB huyện, công tác tiêu úng đang được khẩn trương triển khai với việc vận hành toàn bộ mười trạm bơm hiện có trên địa bàn. Tại huyện Kiến Xương, cũng có khoảng 2.000 ha lúa mùa đã chín bị ngã đổ, ngập nước và lên mầm. Tại huyện Hưng Hà, có hơn 800 ha lúa mùa bị đổ và khoảng 2.000 ha cây vụ đông bị ngập úng

Mặc dù tất cả các máy bơm ở các địa phương gần như hoạt động hết công suất nhưng gặp nhiều khó khăn do mực nước trên hệ thống sông đang ở mức cao.

Phía UBND tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để giúp dân khắc phục thiệt hại. Đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị đầy đủ giống cây vụ Đông ưa lạnh để khôi phục sản xuất sau mưa úng.