News

6/recent/ticker-posts

Truy tìm nguồn gốc 6.000 gói hạt nêm Knorr giả trong giỏ quà tết

Nhận phần quà tết năm 2015, nhiều công nhân công ty Chutex đem gói hạt nêm Knorr ra sử dụng thì phát hiện có vị đắng.
Sau đó, đồng loạt công nhân cùng xác minh lại mùi vị, nguồn gốc gói hạt nêm mới tá hỏa phát hiện, quà tặng tết có dấu hiệu bất thường. Lập tức đoàn liên ngành chức năng tỉnh Bình Dương vào cuộc kiểm tra cho thấy, lượng quà tặng hạt nêm mà công ty Chutex nhập về là hàng giả.

Đoàn kiểm tra liên ngành xác định gần 6000 gói hạt nêm Knorr của công ty Chutex là hàng giả.

Vị đắng của thưởng Tết
Trao đổi với PV, đại diện phía công đoàn công ty Chutex (địa chỉ tại KCN Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, công ty vừa tiến hành thu giữ lại toàn bộ số lượng gần 6.000 gói hạt nêm Knorr, mới phát làm quà tặng Tết cho công nhân do bị làm giả. Tuy nhiên, lượng hàng giả này được đưa từ đâu vào để bán cho công ty vẫn đang phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Theo bà Trần Gia Lệ, trợ lý ban Giám đốc Công ty Chutex, việc tặng quà cho công nhân là do công đoàn cơ sở tổ chức tri ân người lao động, song sự cố về gói quà tặng hạt nêm được làm giả thì quá bất ngờ với lãnh đạo công ty.
Được biết, vừa qua, công ty Chutex đã phát tặng gần 6.000 phần quà Tết cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại công ty. Mỗi phần quà bao gồm một chai dầu ăn, một gói bột ngọt, một gói đường và một gói bột nêm nhãn hiệu Knorr (khối lượng 900g). Sau khi nhận quà Tết mang về nhà, một số công nhân mở ra sử dụng thì phát hiện gói bột nêm Knorr ghi nguồn gốc sản xuất do công ty Unilever Việt Nam có vị đắng, bao bì nhợt nhạt. Điều đáng chú ý là hàng chữ ghi hạn sử dụng (HSD) đã bị in thành "HSS". Thấy dấu hiệu lạ, nhiều công nhân mang các gói quà ra kiểm tra, phát hiện tất cả các gói hạt nêm mà công ty phát tặng đều có dấu hiệu bất thường về mùi vị, nhãn mác.
Chị Bùi Kim Liên (công nhân công ty Chutex) cho biết: "Khi tôi mang hạt nêm pha vào nồi canh cải ngọt đã thấy toàn vị đắng. Ban đầu, tôi cứ nghĩ rau cải mới bị phun thuốc hóa học quá nhiều. Tuy nhiên, tiếp tục tra hạt nêm vào nồi thịt kho, tôi vẫn thấy vị đắng. Tôi liền nhờ chồng nếm thử gia vị lại, sau đó chồng tôi khẳng định hạt nêm có vấn đề. Tiếp đó, chúng tôi ra ngoài tiệm tạp hóa mua thêm một gói hạt nêm Knorr mới về để đối chiếu nhãn mác, mùi vị. Chúng tôi thấy các hạt nêm công ty cho có màu nhợt nhạt hơn hạt nêm chính hãng. Sau đó, tôi gọi điện cho những đồng nghiệp khác ở công ty để nói về sự việc, tất cả mọi người đều kiểm tra và xác nhận hạt nêm trong gói quà là hàng giả".
Thông tin nhanh chóng lan truyền khắp cả công ty Chutex. Đến sáng 2/2, toàn bộ công nhân đã mang quà tặng hạt nêm đến trả lại. Phía công đoàn công ty Chutex nhận được phản ánh của công nhân đã tiến hành thu giữ gần năm tấn hạt nêm Knorr từ các phần quà nói trên. Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Quản lý thị trường, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Dĩ An và chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, khẩn trương kiểm tra làm rõ nguồn gốc các gói hạt nêm Knorr bị làm giả.
Nguồn gốc lô hàng giả
Qua kiểm tra hồ sơ, đánh giá theo tiêu chí hướng dẫn của nhà sản xuất, đoàn kiểm tra khẳng định bột nêm Knorr loại 900g trong phần quà tặng là hàng giả. Do vậy, cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ sản phẩm bột nêm Knorr giả. Để có thêm cơ sở điều tra, đoàn liên ngành đã yêu cầu công ty Chutex xuất trình các hóa đơn mua hàng thì thấy, đơn vị bán hàng là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng-thương mại và dịch vụ Cát Điền (địa chỉ 14B5, Cư Xá 30/4, đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Công ty bán gần 6.000 phần quà nói trên với tổng trị giá hơn 812 triệu đồng. Trong đó, riêng bột nêm Knorr gồm 5.680 gói, trị giá hơn 322 triệu đồng.
Truy tìm nguồn gốc 6.000 gói hạt nêm Knorr giả trong giỏ quà tết - Ảnh 2

Số lượng hạt nêm Knorr được làm giả bị thu hồi.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, khi đoàn kiểm tra tiến hành làm việc cũng có sự phối hợp với đại diện công ty Unilever Việt Nam để xác định rõ các gói bột nêm trong phần quà là hàng giả, các phần bao bì, nhãn mác cũng giả, hơn nữa, trên các vỏ gói không ghi rõ ngày tháng sản xuất... Qua buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, đại diện công ty Unilever Việt Nam khẳng định, số bột nêm trên không phải là sản phẩm của công ty. Do vậy, việc làm rõ nguồn hàng giả từ đâu được công ty Chutex nhập về đang được khẩn trương điều tra.
Từ việc quà tết của công ty là hàng giả, khiến công nhân làm việc trong công ty Chutex tỏ thái độ bức xúc. Bà Trần Gia Lệ, trợ lý Ban Giám đốc Công ty Chutex nói: "Khi nhận được phản ánh của công nhân, Công ty đã thông báo công nhân ngừng sử dụng sản phẩm, đồng thời thu hồi lại phần quà. Qua đây, đề nghị cơ quan chức năng truy xét nguồn gốc hàng giả để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Sự việc cũng là bài học giúp những người làm lãnh đạo, quản lý của công ty cẩn thận hơn trong công việc được giao, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ với quyền lợi cho những người lao động".
Thông tin với PV về hướng xử lý số lượng hạt nêm Knorr giả tặng công nhân, một lãnh đạo công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương (công đoàn cấp trên của công đoàn công ty Chutex cho biết: "Công đoàn công ty Chutex sẽ nhanh chóng tặng lại số quà tặng là các bịch hạt nêm Knorr thật để các công nhân yên tâm đón Tết".
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra
Chiều 9/2, trao đổi với PV, đại diện đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp với phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Bình Dương điều tra, làm rõ vụ việc công nhân công ty Chutex nhận quà tết là các gói hạt nêm Knorr giả.
Đến sáng 9/2, đoàn kiểm tra liên ngành xác định, hợp đồng mà công đoàn công ty Chutex cung cấp, đơn vị ký hợp đồng cung cấp hạt nêm Knorr cho công đoàn là Công ty TNHH Thiên Phúc Toàn Cầu (trụ sở quận Thủ Đức, TP.HCM, do bà Nguyễn Thị Thùy Anh làm đại diện). Tuy nhiên, trong hóa đơn mà bà Anh cung cấp cho công đoàn công ty Chutex lại ghi là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng-thương mại và dịch vụ Cát Điền. PC46 đã cho mời bà Anh lên làm việc nhưng bà này không đến.
Để xác minh thêm thông tin, chiều 9/2, PV tìm đến trụ sở Công TNHH Thiên Phúc Toàn Cầu để xác minh. Tuy nhiên, khi PV đến thì công ty này ngưng hoạt động. Người dân cho biết trụ sở đặt công ty này được bà Anh thuê lại. Trong khi đó, khi PV đến trụ sở Công ty TNHH Tư vấn xây dựng-thương mại và dịch vụ Cát Điền thì phát hiện công ty này đã "biến mất" không rõ lý do.
HUỆ TRẦN