News

6/recent/ticker-posts

Kiều nữ dính bẫy tình vì... súng nhựa, vàng giả!

Mơ đến một cuộc sống ở thành phố Đà Lạt thơ mộng, chị Hồng chấp nhận lấy một người đàn ông đã xấp xỉ 70 tuổi làm chồng. Ai ngờ, mọi danh vọng và tài sản của ông chồng chỉ là giả dối.
Đám cưới rình rang với cục nợ to đùng
Gần một tuần kể từ khi chị Trần Thị Hồng (40 tuổi, ngụ xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, Bến Tre) phát hiện mình bị người đàn ông hơn 20 tuổi lừa tình, dư luận tại xã Nhuận Phú Tân, vẫn chưa hết xôn xao, bàn tán. Để tường tận sự việc, ngày 19/4, PV tìm về địa phương này để tìm hiểu thông tin. Theo nhiều người dân, chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật, đám cưới được tổ chức đàng hoàng, trước sự chứng kiến và chúc phúc của hàng trăm khách mời, người thân. Không ngờ, chàng rể U70 chỉ “nổ” để cưới được cô dâu trẻ đẹp, chứ thật ra không phải công an như lời nói ban đầu. Sự việc ngay sau đó được cô dâu trình báo với Công an huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) để điều tra làm rõ.

Chị Hồng và ông Phòng trong ngày đám cưới. (Ảnh do chị Hồng cung cấp)

Theo chị Hồng, chị và ông Nguyễn Phòng (68 tuổi, trú tại phường 9, TP. Đà Lạt, tạm trú tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) có quan hệ vợ chồng. Đám cưới của hai người được tổ chức vào ngày 31/3 tại Bến Tre, có đông đảo họ hàng nhà gái, bà con làng xóm đến dự, chúc mừng. Trước khi kết hôn, ông Phòng nói với chị, ông là Thượng úy công an cơ động huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Trong quá trình lui tới huyện Mỏ Cày thăm chị Hồng, ông Phòng còn mang theo bên người một khẩu súng ngắn để “ra oai” với gia đình nhà gái. Một lần đưa chị Hồng lên TP. Đà Lạt chơi, ông Phòng chỉ cho chị Hồng thấy một ngôi nhà trên đường Mê Linh và nói đó là nhà của ông.
Trong quá trình tìm hiểu, chị Hồng thấy ông Phòng là người đàng hoàng, chị còn nhìn thấy ông Phòng có mang theo khẩu súng ngắn nên vô cùng tin tưởng và quyết định lấy ông làm chồng. Sau đám cưới, hai người sống tại quê chị Hồng. Một thời gian, ông Phòng thuyết phục vợ về huyện Đức Trọng sinh sống nhưng chị Hồng vẫn chưa quyết định. Khi hai người bàn về quyết định sẽ sống ở đâu thì xảy ra mâu thuẫn, chị Hồng yêu cầu ông Phòng phải cho xem sổ hồng nhà của ông ở TP. Đà Lạt thì mới chịu về Đức Trọng. Mấy hôm sau, ông Phòng nói với vợ rằng ông về Đức Trọng để chứng thực giấy tờ nhà đất. Nhưng rồi ông Phòng không quay trở lại, để món nợ tổ chức tiệc cưới cho nhà vợ. Để giải quyết bớt tiền nợ cưới, chị Hồng bấm bụng mang đôi bông tai (sính lễ mà chồng tặng trong ngày cưới) đi bán, thì mới tá hỏa phát hiện đó là vàng giả.
Chị Hồng cho biết: “Dù biết hai người cách nhau gần 20 tuổi nhưng nghĩ cảnh sau khi cưới nhau, tôi sẽ được lên sống ở TP. Đà Lạt nên mới chấp nhận cuộc tình “đôi đũa lệch”, quyết định lấy ông Phòng làm chồng. Đám cưới được gia đình tổ chức, trước sự chứng kiến của rất đông khách mời và người thân. Ông Phòng cũng rất đàng hoàng, khi mua các loại nữ trang bằng vàng để tặng cho cô dâu trong ngày cưới. Tưởng mọi chuyện êm đẹp, ai ngờ ...”.
Hôn nhân là do nhà gái sắp đặt?
Sau khi phát hiện mình bị lừa tình, chị Hồng tỏ ra rất tức giận. Tuy nhiên, vì chưa tường tận được thông tin nên chị chưa muốn làm lớn chuyện. “Ban đầu thấy giận lắm, tôi chỉ biết tâm sự với người thân, chứ không dám nói cho ai biết vì sợ xấu hổ. Để tìm hiểu về con người thật của ông Phòng, ngày 11/4, tôi tức tốc đón xe đến Công an huyện Đức Trọng để tố cáo”, chị Hồng kể. Tại cơ quan Công an huyện Đức Trọng, chị Hồng ngã người, vì được công an cho biết không có ai tên Phòng là Thượng úy công an đang công tác tại Công an huyện Đức Trọng như chị tố cáo. Nhận thấy sự việc chị Hồng tố cáo có dấu hiệu phạm tội, Công an huyện Đức Trọng quyết định cử lực lượng truy tìm danh tính của người đàn ông đã giả danh công an để lừa tình, đồng thời làm rõ có hay không ông Phòng đang tàng trữ vũ khí trái phép.
Từ đơn tố cáo của chị Hồng, bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 13/4, Công an huyện Đức Trọng nhanh chóng xác định ra nơi ở, và mời ông Phòng đến cơ quan công an để làm rõ. Tại cơ quan công an, ông Phòng trình bày: “Từ trước đến giờ không hề công tác tại Công an huyện Đức Trọng, mà có làm nhân viên vệ sỹ cho một công ty tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng), ai gọi gì làm nấy chứ không có nghề nghiệp ổn định”. Về thông tin gia đình chị Hồng nhầm tưởng ông Phòng là Thượng úy công an đang công tác tại đội CSCĐ Công an huyện Đức Trọng, ông Phòng giải thích: “Một số lần ông có nói với chị Hồng là làm “cơ động ở Đức Trọng”, nhưng chị và gia đình chị nghĩ là ông làm “cảnh sát cơ động”, chứ ông không nói như vậy”. Ông Phòng còn cho rằng, cuộc hôn nhân của ông và chị Hồng là do gia đình nhà gái sắp đặt, vì không có tiền và muốn giữ thể diện nên ông đã mua vàng giả trao cho cô dâu.
Khám xét phòng trọ ông Phòng đang thuê để tìm khẩu súng như theo tố cáo của chị Hồng, Công an huyện Đức Trọng phát hiện một khẩu súng được ông Phòng bọc cẩn thận trong mảnh vải để trong tủ. Qua xác minh, khẩu súng ông Phòng đang giữ là súng giả, bằng nhựa. Theo một cán bộ Công an huyện Đức trọng tham gia xét hỏi, ông Phòng một mực xin lại khẩu súng nhựa mà cơ quan chức năng tịch thu. Khẩu súng ngắn bằng nhựa này là do ông mua về cho con chơi, ngoài khẩu này ra, ông không còn khẩu súng nào khác.
Sẽ thụ lý vụ “lừa tình” để lại nợ 100 triệu  nếu nạn nhân có đơn tố cáo
Trao đổi với PV, Đại tá Phan Văn Thông, Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết: “Việc ông Phòng giả danh công an chúng tôi đã làm rõ. Còn việc ông sử dụng khẩu súng giả để “lòe” với chị Hồng không thể xử lý hình sự, mà bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiếp tục làm rõ ông Phòng còn tàng trữ khẩu súng nào khác không theo đơn tố cáo của chị Hồng. Về vụ “lừa tình” để lại món nợ sau đám cưới gần 100 triệu đồng, nếu chị Hồng có đơn tố cáo thì cơ quan chức năng tại Bến Tre sẽ thụ lý, giải quyết”.            
Tên cô dâu trong bài viết đã được thay đổi.
Có thể xử lý tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc
Kiều nữ dính bẫy tình vì... súng nhựa, vàng giả! - Ảnh 2

Luật sư Vi Văn Diện.

Trao đổi với PV, Luật sư Vi Văn Diện (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ: Thời gian vừa qua, báo chí trong nước phản ánh rất nhiều về hành vi giả mạo lực lượng công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an. Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của các đối tượng giả danh công an thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Hình thức thể hiện của loại tội phạm này cũng rất đa dạng, chúng giả danh là cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, có trường hợp lại là cảnh sát cơ động.
Tội phạm giả danh công an ngày càng tinh vi, liều lĩnh vì khi mặc bộ sắc phục (hoặc mang súng giả như vụ việc trên) và giới thiệu là công an, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của người dân, từ đó thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, thu lợi bất chính, phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Hành vi của các đối tượng này rất nghiêm trọng, đó không chỉ là việc lừa gạt tiền bạc của người dân mà còn gây ra nhiều vụ “lừa tình” rúng động, do đó cần được xử lý nghiêm khắc, phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Về phía người dân cũng cần đặc biệt cảnh giác đối với những loại tội phạm này.
Đối với vụ việc trên, LS. Vi Văn Diện cho biết, cơ quan điều tra có thể xem xét áp dụng xử lý đối tượng về hành vi giả danh theo quy định tại Điều 265 Bộ luật Hình sự: “Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc quy định: Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Còn với việc ông này có mang súng đi để “ra oai” thì được coi là một tình tiết của tội giả danh nói trên chứ không thể xử lý tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vì cơ quan công an đã xác định đây là súng giả, bằng nhựa.
“Riêng việc đối tượng dùng vàng giả làm của hồi môn và sau vụ “lừa tình” để lại nợ 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân cần phải điều tra rõ xem động cơ, mục đích của đối tượng nếu có dấu hiệu cố tình mới có thể xử lý thêm các tội danh khác”, LS. Vi Văn Diện nói thêm.
CAO TUÂN