News

6/recent/ticker-posts

Phạt kiều nữ bán d âm ngàn đô 500.000 đồng: Xử phạt “gãi ghẻ”?

Thời gian gần đây, rất nhiều góc khuất đầy tăm tối trong giới chân dài bị lộ sáng bởi những đường dây bán dâm ngàn đô liên tục bị triệt phá.
Dư luận không khỏi choáng váng, bởi trong các đường dây mại dâm, thậm chí “sex tour” xuyên quốc gia này có sự hiện diện của không ít người mẫu, á khôi, thậm chí hoa hậu... ít nhiều được xem là “nổi tiếng”.
Thế nhưng, khi mức xử phạt được công bố, nhiều người đã không khỏi sửng sốt. Kiều nữ bán dâm ngàn đô chỉ bị phạt hành chính ở mức cao nhất: 500 nghìn đồng?! Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt trên chẳng khác gì “gãi ghẻ hình trung “mở đường” cho các đường dây mại dâm hoạt động?

Các chân dài trong một số đường dây mại dâm bị triệt phá.

Đánh đầu voi, “xử”... đuôi chuột?
Nếu so sánh giữa số tiền mà các kiều nữ được hưởng sau những lần “mây mưa” với số tiền bị xử phạt, không khó để nhận thấy một sự tương phản đáng kinh ngạc. Những kiều nữ bán dâm với giá hàng chục nghìn USD trong đường dây “sex tour” vừa bị cục Cảnh sát hình sự (C45, bộ Công an) triệt phá chỉ phải nhận mức phạt hành chính cao nhất là 500 nghìn đồng. Với người mua dâm, mức phạt từ 500.000 đồng tới 5 triệu đồng. Trong khi đó, hành vi trên đã gây bức xúc tột cùng cho xã hội. Tại sao lại có sự tương phản kinh ngạc này?
Được biết, trong đường dây “sex tour” cao cấp nói trên, giá bán dâm của các kiều nữ thấp nhất là 1.000 USD (khoảng 22 triệu đồng) một lượt, cao nhất giá 20.000 USD (khoảng 440 triệu đồng) cho một chuyến “mây mưa” dài ngày. Theo cơ quan chức năng, đường dây này có sự tham gia của nhiều người mẫu, người đẹp từng đoạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh.
Vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều đường dây mại dâm cao cấp có sự tham gia của những “người nổi tiếng”, gây bức xúc trong dư luận. Trước đó không lâu, hồi tháng 4/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM cũng triệt phá một đường dây khác, bắt giữ Lê Bảo Lộc (tức Lộc “pê đê”) để điều tra hành vi môi giới mại dâm và 4 người mẫu đồng phạm. Người này cầm đầu đường dây điều hành các người mẫu, diễn viên tự do bán thân phục vụ các đại gia với giá 500-1.000 USD (11-22 triệu đồng). Mỗi lần môi giới thành công, anh ta được hưởng từ 50-70% hoa hồng.
Cuối năm 2014, đường dây bán dâm ngàn đô cao cấp có sự tham gia của nhiều người mẫu, ca sỹ do Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng “mẫu”, 33 tuổi, ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) điều hành cũng bị triệt phá. Gã đã đứng ra môi giới nhiều chân dài tham gia bán dâm cho các đại gia, chủ doanh nghiệp hoặc công tử nhà giàu. Giá mỗi cuộc “mây mưa” lên tới 1.500 USD (khoảng 30 triệu đồng)...
Trong những vụ việc kể trên, các đối tượng phạm tội môi giới mại dâm đều bị cơ quan điều tra khởi tố hình sự, còn đại gia mua dâm và người đẹp bán dâm bị xử phạt hành chính. Trong từng vụ việc cụ thể dù mức phạt không được công bố chi tiết nhưng đều được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt cao nhất cũng chỉ đến 500 nghìn đồng cho người bán dâm.
Tiếp tay cho tệ nạn?
Khi biết thông tin về hình thức xử phạt, mức xử phạt, nhiều người rất bất bình, bởi những kiều nữ trong các đường dây mại dâm kể trên đều là người của công chúng, ít nhiều được tôn vinh là nổi tiếng. Thế nhưng, họ đã bất chấp đạo lý và danh phận để thu lợi bất chính. Câu hỏi đặt ra, tại sao rất nhiều đường dây mại dâm bị bóc trần nhưng tệ nạn này vẫn không có xu hướng giảm. Phải chăng, hình phức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
Hẳn dư luận còn nhớ, cách đây vài năm, hiện tượng người bán dâm được đưa vào các cơ sở giáo dục nhân phẩm diễn ra phổ biến. Rất nhiều cô gái sau khi “bán mình” đã phải chịu sự giáo dục trong các cơ sở này, trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, thời gian gần đây, mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng khác.
Đem thắc mắc trên trao đổi với luật sư Đỗ Toàn Thắng (đoàn LS Hà Nội), PV nhận được giải thích: Mua, bán dâm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính nên tuân theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Theo LS Thắng, trước đây, người bán dâm có thể được đưa vào cơ sở giáo dục nhân phẩm nhưng từ 1/7/2013, luật Xử phạt vi phạm hành chính bỏ quy định áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Theo đó, người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính (phạt tiền 300.000 đồng lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm), sau đó chính quyền địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.
Theo LS Thắng, mức phạt trên khó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và không đủ sức răn đe, cảm hóa các đối tượng vi phạm. Với số tiền hàng chục ngàn đô có được sau mỗi đêm “mây mưa” thì số tiền phạt kể trên chẳng khác gì “gãi ghẻ”. Hơn nữa, khi bắt rồi lại chỉ phạt hành chính thì hoạt động mại dâm có nguy cơ càng phát triển mạnh hơn. Thậm chí, có những tụ điểm mại dâm trước đây đã bị triệt phá thì nay có cơ hội lại tiếp tục quay trở lại hoạt động.
Thế giới xử phạt hành vi mua dâm như thế nào?
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL từ báo chí nước ngoài, pháp luật nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hàn Quốc... phạt nặng hành vi mua dâm để răn đe tối đa những người có ý định mua dâm. Ở những nước này, mua dâm là tội hình sự, có thể bị phạt hàng nghìn USD và đi tù nhiều tháng. Điển hình là Thụy Điển đã thông qua luật xử lý hình sự việc mua dâm và không xử phạt việc bán dâm.
Mại dâm được coi là một khía cạnh bạo lực do đàn ông gây ra đối với phụ nữ và trẻ em. Những người mua dâm có thể đối mặt với hình thức xử phạt hoặc đi tù tối đa 6 tháng. So với các nước trên, chế tài xử lý đối với người mua dâm của nước ta nhẹ hơn rất nhiều nên không có sức răn đe, phòng ngừa. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, chúng ta cần bổ sung chế tài hình sự nghiêm khắc với người mua dâm để nâng cao tính răn đe, hạn chế tệ nạn này.
ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam): Để ngăn chặn vẫn phải tập trung giáo dục
Vừa qua, cục Cảnh sát hình sự (bộ Công an) triệt phá đường dây bán dâm giá nghìn đô với sự tham gia của một số chân dài - đại gia, đây không phải vụ đầu tiên. Tôi cho rằng chế tài chưa được nghiêm minh nên việc mua bán dâm vẫn diễn ra với nhiều tình tiết phức tạp. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cái chính vẫn phải tập trung giáo dục, phòng ngừa. Không phải họ nghèo khó mà tìm đến việc bán dâm đâu.
Những cô ca sỹ, người mẫu đâu có nghèo khó gì, nhưng họ bất chấp làm vì đồng tiền, vì thế cần phải có sự giáo dục, răn đe, ngăn chặn, nếu không sẽ gây nguy hại cho xã hội. Ngoài ra, việc mua dâm với giá từ 20 triệu đồng đến 400 triệu đồng mà mức xử phạt cao nhất mới có 5 triệu đồng thì không ăn thua, không giáo dục, răn đe được ai, họ không sợ, vì vậy cần tăng mức xử phạt, xử phạt nghiêm minh để tạo sức răn đe. Nếu có cán bộ thuộc cơ quan Nhà nước mua dâm với số tiền lớn, phải làm rõ nguồn tiền đó từ đâu, nếu tiền đó là tiền của Nhà nước hay tiền làm ăn phi pháp thì phải xử lý thật nặng.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng: Hình phạt không tương xứng, khó răn đe phòng ngừa
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) phân tích, luật Hình sự không xem hành vi mua dâm là tội phạm, xuất phát từ việc xem xét tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này chưa đến mức phải áp dụng chế tài hình sự. Nếu gái mại dâm hoạt động bị bắt quả tang chỉ phạt hành chính, mà không phải đưa vào diện quản thúc như trước kia. Thế nhưng, mua dâm là điều kiện dẫn đến hành vi bán dâm, tức có cầu thì mới có cung.
Hơn nữa, vấn nạn mại dâm thời gian qua gây nhức nhối dư luận xã hội với những đường dây “sex tour”, mua dâm hàng chục ngàn đô. Từ thực tế đó, ĐB Thuyền cho rằng, để hạn chế mua bán dâm, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức người dân thì cần có chế tài mạnh hơn nữa đối với người mua dâm. Nếu chúng ta không có hình phạt tương xứng với hành vi của họ thì mức độ giáo dục, răn đe, phòng ngừa cũng chỉ có giới hạn.
ANH ĐỨC