News

6/recent/ticker-posts

Phù phép thịt trâu thành thịt bò - Bài 2: Ai cũng có thể bị lừa?

Tại sao thịt trâu Ấn Độ lại dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam và được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ. Cơ quan chức năng nói gì?

Chế biến thịt trâu Ấn Độ

Theo một tin tức điều tra đáng chú ý trong năm 2014 của công ty Vissan, tại TP. Hồ Chí Minh, lượng giết mổ trâu bò của các lò tư nhân ở các tỉnh lân cận đưa về khoảng 300 – 400 con trâu, bò/1 ngày. Trong đó trâu chiếm 70 – 80%, còn lại là bò. Nhiều người cho rằng, thịt trâu đắt hơn thịt bò nhưng trên thực tế, thịt trâu đông lạnh giá rẻ hơn thịt bò rất nhiều. Vì nguồn hàng thịt trâu trên thị trường không rộng rãi như thịt bò, nên giá thịt trâu tươi cũng cao hơn thịt bò, nhiều tiểu thương muốn thu siêu lợi nhuận, đã "biến hình" thịt trâu Ấn Độ đông lạnh thành thịt bò tươi ngon hoặc thịt trâu tươi theo ý muốn của khách hàng. 

Cận cảnh món thịt trâu Ấn Độ đông lạnh giả làm thịt bò.

Theo ông Nguyễn Văn Cấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu lên tại tọa đàm trực tuyến về chống hàng giả do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4/2015; năm 2014 hơn 26.000 tấn thịt trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được nhập về Việt Nam qua tờ khai hải quan. Song, điều ngạc nhiên là trên thị trường từ cửa hàng đại lý cho tới siêu thị không hề thấy "bóng dáng" của số thịt nhập khẩu này. Câu hỏi đặt ra là phải chăng loại thịt này đã được biến hình, đội lốt dưới danh nghĩa một loại thịt khác để bán ra thị trường?!
Vụ việc của 26.000 tấn thịt trâu đông lạnh nhập vào thị trường Việt Nam, nhưng biến mất một cách bí ẩn đã được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cho hay: "Toàn bộ số thịt trâu trên nhập khẩu vào Việt Nam, có giấy phép và được thông quan một cách hợp pháp, nên việc được mua – bán trên thị trường không có gì sai. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, không nơi nào trên thị trường ghi nhận có sự hiện diện của lô sản phẩm này, mà chỉ có thịt bò".
Cũng theo một số liệu đưa ra, mỗi ngày có 1.200 tấn thịt đông lạnh các loại được nhập vào Hà Nội, trong đó bao gồm thịt trâu, thịt gà đông lạnh, tỏi gà… Nhưng điều đáng chú ý mặc dù thịt trâu đông lạnh Ấn Độ được nhập khẩu một cách hợp pháp, nhưng lại không hề được bày bán công khai ngoài thị trường, có chăng chỉ là rao bán trên mạng. Bí ẩn thuộc về người bán hàng?!

Người dân đang bị lừa một cách trắng trợn, bị che mắt bởi một bộ phận tiểu thương tham tiền mà bỏ qua quyền lợi của khách hàng. Việc gian lận thương mại, sử dụng hàng giả đội lốt hàng thật trong xã hội khiến người tiêu dùng trở thành những kẻ bị dắt mũi, ngay cả khi bình thường còn khó phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là thịt bò giả. Điều này cần cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm minh.
Theo PGS. TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm Bộ Y tế, việc người tiêu dùng bị lừa khi ăn thịt trâu đông lạnh với cái tên thịt bò là một điều đáng quan ngại. Nếu để tình trạng gian lận thương mại diễn ra quá lâu, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào thị trường tiêu dùng trong nước, điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, để tránh khỏi tình trạng này, khách hàng cũng hết sức thông thái, cần phân biệt được đâu là thịt trâu đông lạnh được rã đông, đâu là thịt bò tươi. Thịt trâu thường có màu sẫm, thớ thịt thô và to hơn, mỡ màu trắng, nấu lên ăn mềm hơn thịt bò. Trong khi thịt bò có màu đỏ tươi, hơi sẫm, mỡ màu vàng, ăn hơi dai khi nấu.

Khách hàng VIP cũng bị lừa

Việc các tiểu thương, những người bán hàng ăn cơm phở nhập thịt trâu đông lạnh bán dưới lốt thịt bò để thu lợi nhuận là hành vi gian lận thương mại. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu thịt trâu đông lạnh so với thịt bò có thành phần dinh dưỡng như thế nào, tại sao thịt trâu đông lạnh lại được lòng dân bán hàng ăn đến thế?

phu-phep-thit-trau-thanh-thit-bo---bai-2:-ai-cung-co-the-bi-lua
Một người bán thịt trâu đang giải thích cho khách mua hàng về những loại thịt của mình.

Ông Nguyễn Đình Đảng – Phó Chi cục trưởng – Chi cục thú y Hà Nội cho hay: "Hiện nay nước ta đang cho nhập khẩu với số lượng lớn thịt đông lạnh, mà hàng đông lạnh thì thường là hàng rẻ. Nguồn nhập từ Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Úc, Ấn Độ. Thời hạn mỗi loại thịt đông lạnh được bảo quản thường là 24 tháng, nếu quá thời hạn này, thịt sẽ bị thiêu hủy". Thế nhưng, liệu những thùng hàng đông lạnh này có được sử dụng đúng thời hạn hay không thì chưa ai kiểm chứng.
Theo một kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng của thịt trâu và thịt bò của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy thịt trâu và thịt bò có giá trị dinh dưỡng tương đương nhau. Phân tích trên mỗi phần ăn là thịt trâu và thịt bò cùng có trọng lượng 85g, kết quả: Lượng calori của thịt trâu là 160, thịt bò là 166; lượng protein của thịt trâu và thịt bò đều là 26g; tổng chất béo của thịt trâu là 5g, thịt bò là 6g; chất béo bão hòa của cả thịt trâu lẫn thịt bò đều là 2g; cholesterol của thịt trâu là 49mg, thịt bò là 76mg. Nhưng thịt trâu đã được để đông lạnh hàng tháng trời trong ngăn đá với nhiệt độ âm 180C thì chẳng ai đảm bảo rằng, thịt ấy vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng như ban đầu và những loại bệnh có thể mang theo trong từng miếng thịt thì khó kiểm soát, kiểm dịch nổi.
Mặc dù vẫn biết rằng người tiêu dùng cần có cái nhìn thông thái, lựa chọn những thực phẩm an toàn, có giấy kiểm dịch rõ ràng của các cơ quan chức năng và nhất là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được in trên bao bì. Tuy nhiên, trường hợp thịt trâu giả thịt bò thì người tiêu dùng rất khó phân biệt để tránh bởi hầu hết thịt trâu đông lạnh đều được tiêu thụ bằng cách chế biến thành những món ăn như cơm, phở, bít tết, món xào trước khi mang ra cho thực khách. Và bởi mùi vị quá giống nên rất khó để những người đi ăn phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là giả.
Rõ ràng, hành vi biến thịt trâu thành thịt bò ở một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hành vi gian lận thương mại đáng lên án. Không những lòng tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà quyền lợi cũng bị xâm phạm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, thị trường có bao nhiêu hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng chịu thiệt hại bấy nhiêu. Tiếc rằng, mức độ quan tâm và ý thức tự bảo vệ quyền lợi, hay đơn thuần là phản ánh hàng giả, hàng nhái của người tiêu dùng chưa cao. Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã bắt 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; trực tiếp kiểm tra và xử lý trên 17.000 vụ/21.000 vụ, xử phạt trên 57.000 hàng hóa vi phạm, phạt trên 35 tỷ đồng. Ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng rất đau đầu về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Còn với riêng Việt Nam, đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, vấn nạn này còn là mối đe dọa đến cả nền kinh tế. Do vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không thể giải quyết trong một sớm một chiều và cần sự vào cuộc của nhiều ngành.
Người dân cần sáng suốt hơn trong cách lựa chọn thực phẩm, đồng thời cần có ý thức tự bảo vệ mình trước những hành vi gian lận thương mại của người bán hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh những người có hành vi gian lận trong buôn bán, nhằm bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất cho người tiêu dùng.