News

6/recent/ticker-posts

Vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: "Để cứu sống bệnh nhân, chúng tôi chấp nhận"

"Trước một người bệnh đang đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, sẽ chẳng có y bác sỹ nào nghĩ đến việc phải trang bị cho mình phương tiện bảo hộ khi tham gia cứu chữa bệnh”, bác sỹ Nguyễn Duy Ánh cho hay.
Liên quan tới thông tin về ca mổ đặc biệt khiến 18 y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm HIV được dư luận chú ý thời gian qua. Chiều 9/7, Đại diện Bộ Y tế đã đến thăm hỏi động viên và khen ngợi tinh thần làm việc quên mình của 18 y, bác sỹ cũng như tập thể Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại cuộc họp tuyên dương tinh thần, thái độ hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát biểu tóm tắt quá trình tham gia cứu chữa bệnh về ca mổ đặc biệt của sản phụ.
“Vào 9h ngày 4/7, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. (SN 1979, trú tại Quảng Ninh) được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và rất nguy kịch. Bệnh viện phải huy động 18 y bác sĩ từ các khoa xuống phòng cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân” – Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh cho biết.
“Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu; bệnh nhân có dấu hiệu sống, tim đập trở lại nhưng máu từ âm đạo vẫn chảy. Vì thế, các bác sĩ quyết định mổ cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu, không kịp chuyển đến phòng phẫu thuật. Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử nên chỉ có cách này mới bảo toàn được tính mạng người bệnh. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu và 2 lít dung dịch thay máu”.

Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhận bằng khen của Sở Y tế.

Vị Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay: “Trong giây phút sự sống và cái chết chỉ còn là thời khắc, cả kíp trực đã quên mình cấp cứu, không còn nghĩ tới việc phải sử dụng các phương tiện bảo hộ để tránh lây bệnh từ sản phụ”.
“Điều chúng tôi hạnh phúc nhất là chị H. đã được cứu sống, chị lại có cơ hội thực hiện nghĩa vụ làm mẹ, làm người con dâu hiếu thảo. Đối với đội ngũ các y bác sỹ bệnh viện, đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, dù có phải cấp cứu với đôi bàn tay trần nhúng đầy máu người bệnh nhiễm HIV thì chúng tôi cũng vẫn chấp nhận”.  
“Chúng tôi biết rõ những hậu quả phải hứng chịu khi tham gia cứu chữa bệnh khi không có các phương tiện bảo hộ. Tuy nhiên, trước một người bệnh đang đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, sẽ chẳng có y bác sỹ nào nghĩ đến việc phải trang bị cho mình phương tiện bảo hộ khi tham gia cứu chữa bệnh” – Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh  cho hay.

PGS, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Cũng trong buổi tuyên dương 18 y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PGS, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết:
“Hành động của 18 y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mang đến hình ảnh của ngành y ngày càng đẹp lên trong con mắt người dân. Điều đó là minh chứng cho tinh thần, thái độ hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y bác sỹ. Chúng tôi coi đây là tấm gương điển hình, đáng trân trọng trong công tác khám chữa bệnh”.
Bác sỹ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa đẻ, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh cho biết, tình trạng bệnh nhân H. khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập.
"Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Nếu chỉ chậm 1, 2 phút, bệnh nhân sẽ không qua khỏi”, bác sĩ Khải cho biết.
XUÂN TÙNG