News

6/recent/ticker-posts

Người dân vùng lũ Quảng Ninh nhận hàng cứu trợ "hết date"?

Phản ánh của một số người dân vùng lũ tại phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh tới đường dây nóng của chúng tôi về việc thời gian qua họ nhận được một số hàng cứu trợ hết date.
Theo tìm hiểu của PV, sự việc trên là có thật. Song, số hàng đó là của doanh nghiệp hỗ trợ người dân theo hướng tự phát.
Bất ngờ với hàng cứu trợ được sản xuất cách đây nhiều năm, không hạn sử dụng
Sau đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Ninh những ngày cuối tháng Bảy vừa qua, hàng cứu trợ từ các nhà hảo tâm, các đoàn thể khắp nơi trên cả nước được chuyển về Quảng Ninh nhằm san sẻ những khó khăn với người dân vùng lũ. Và, một trong những địa điểm nhận được nhiều hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm là phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có hơn 50 đoàn thể, cá nhân đã liên hệ trực tiếp với UBND phường để trao tặng hàng cứu trợ đến tận tay người dân. Đó là chưa kể nhiều đơn vị đã trực tiếp xuống trao quà cho nhân dân vùng lũ mà không thông qua hệ thống chính quyền.
Người dân phường Mông Dương nhận hàng cứu trợ hết hạn sử dụng (nguồn: Internet).
Tuy nhiên mấy ngày vừa qua, người dân sống ở tổ 2, khu dân cư số 4 và tại khu tái định cư cho người dân mất nhà phát hiện có nhiều hàng cứu trợ đã quá hạn sử dụng hoặc hàng không có hạn sử dụng trên bao bì. Cụ thể, trong số hàng cứu trợ mà những người dân nhận được có mặt hàng kem đánh răng, sữa tắm... đã hết hạn sử dụng từ năm 2010 hoặc sản xuất cách đây đã 8 năm. Trên bao bì của một hộp kem đánh răng có nhãn hiệu Herbalfresh in ngày sản xuất là 26/11/2007 và hạn sử dụng đến 26/11/2010. Trong khi đó, trên vỏ hộp sữa tắm nhãn hiệu Goat Milk được cấp phát cho người dân có in thời gian sản xuất là 21/12/2007 và không in hạn sử dụng.
Bác Nguyễn Mạnh Hà, người được nhận hàng cứu trợ bày tỏ: “Chúng tôi chỉ biết thông tin về những sản phẩm cứu trợ bị hết hạn khi những thanh niên trong xóm kể lại. Lúc đó, mọi người mới bảo nhau không dùng nữa vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vì thấy lọ sữa tắm vẫn có mùi thơm nên vẫn dùng để rửa tay. Khi nhận hàng cứu trợ, chúng tôi không để ý xem những sản phẩm đó còn hay hết hạn”.
Chiều 10/8, trao đổi với PV báo, ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết: “Người dân phường Mông Dương vô cùng cảm kích trước tấm lòng của người dân cả nước khi gửi tiền và hàng tới để chia sẻ những khó khăn. Bản thân UBND phường cũng đã lập tổ công tác bao gồm Mặt trận Tổ quốc, hội Chữ thập đỏ kết hợp với chính quyền địa phương để tiếp nhận, phân loại, kiểm tra kỹ lưỡng và cấp phát cho hơn 800 hộ gia đình bị thiệt hại các nhu yếu phẩm cần thiết.
Thực tế là tổng cán bộ của phường chỉ hơn 20 người nhưng lại có nhiều đoàn xuống cứu trợ nên chúng tôi cũng không thể quản lý hết được, nhất là với những tổ chức tự phát, không thông qua hệ thống chính quyền. Những đồ cứu trợ hết hạn phần lớn là do những tổ chức tự phát đó tặng. Việc một tổ chức, cá nhân có tấm lòng chia sẻ với người dân vùng lũ, chúng tôi cũng hết sức cảm ơn và luôn tạo điều kiện dù họ không thông qua kênh chính thống. Tất nhiên, việc hàng cứu trợ “hết date” này xảy ra một phần cũng do người dân chủ quan, không để ý xem sản phẩm mình nhận còn hạn sử dụng không. Chất lượng ra sao?”.
Làm từ thiện để giảm chi phí tiêu hủy hàng “hết date”?
Bên cạnh những mặt tích cực của cách làm từ thiện tự phát, lâu nay, nó cũng bộc lộ những mặt hạn chế nhất định mà sự việc ở Quảng Ninh là một ví dụ khá tiêu biểu. Rõ ràng bên cạnh những cá nhân, tổ chức làm từ thiện với tâm trong sáng, vẫn còn đó những người coi làm từ thiện như một cách quảng bá bản thân, quảng bá thương hiệu sản phẩm, là cơ hội tuồn hàng kém chất lượng ra bên ngoài để đỡ mất chi phí tiêu hủy... Và dù hàng cứu trợ hết hạn sử dụng cho một số người dân phường Mông Dương là do doanh nghiệp vô tình hay hữu ý thì nó cũng để lại những hình ảnh không đẹp.
Hình ảnh Người dân vùng lũ Quảng Ninh nhận hàng cứu trợ hết date? số 2
Ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hội Chữ thập đỏ Việt Nam (ảnh nhân vật cung cấp).
Trao đổi với PV báo, ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam phân tích: “Thực tế, có nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu gửi hàng cứu trợ qua khâu trung gian sẽ nảy sinh tiêu cực hoặc phát sinh chi phí nên đã trực tiếp đi làm từ thiện. Bên cạnh những doanh nghiệp, tổ chức thực tâm làm từ thiện thì vẫn có đơn vị coi làm từ thiện là cách đưa hàng kém chất lượng cho người dân, cũng là tiết kiệm chi phí tiêu hủy. Mọi cá nhân, tổ chức làm từ thiện đều rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Nếu họ phối hợp tốt hơn với hội Chữ thập đỏ thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn”.
Theo ông Đoàn Văn Thái thì: “Nếu thông qua Hội thì những trường hợp đáng tiếc ở Quảng Ninh đã không xảy ra. Vì thứ nhất, Hội thực hiện cứu trợ và tiếp nhận hàng cứu trợ theo một quy trình chặt chẽ. Những hàng đảm bảo chất lượng được đóng gói trong bao bì có in lô-gô của hội Chữ thập đỏ và nếu có sự cố thì Hội sẽ chịu trách nhiệm. Thứ hai, Hội sẽ chuyển tiền, hàng cứu trợ do tổ chức, cá nhân ủng hộ tới đúng đối tượng, địa bàn nếu người ủng hộ mong muốn hoặc tới đúng đối tượng, địa bàn sau một quy trình lựa chọn kỹ lưỡng và khi kết thúc hoạt động, Hội thông tin trở lại nhà hảo tâm, đảm bảo minh bạch, chính xác.
Trong quá trình tổ chức cứu trợ, Hội không sử dụng bất kỳ khoản kinh phí nào từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân ủng hộ, điều đó có nghĩa là 100% tiền, hàng tiếp nhận được sẽ được chuyển trọn vẹn đến người dân. Thứ ba, phối hợp với Hội hoặc thông qua Hội, tiền, hàng của người ủng hộ sẽ đến với người dân nhanh nhất, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong cứu trợ.
Quá nhiều đoàn về cứu trợ trong một thời điểm tất nhiên cũng khó quản lý hết và sẽ phát sinh vấn đề mà trường hợp ở Quảng Ninh là ví dụ. Để thực hiện tốt vai trò cầu nối, điều phối trong cứu trợ, hội Chữ thập đỏ cũng cần không ngừng hoàn thiện, phải tạo được uy tín, niềm tin với người dân, doanh nghiệp. Có như vậy, hoạt động từ thiện mới thực sự phát huy hết hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, dù hàng cứu trợ phát trực tiếp hay thông qua bất kỳ một tổ chức nào thì đều phải đảm bảo chất lượng. Chứ nếu là hàng rởm, hàng hết hạn thì đó không phải là lòng từ thiện, thậm chí còn đi ngược lại ý nghĩa cao đẹp của hành động đó. “Để việc làm từ thiện phát huy được đúng lúc, đúng chỗ, hàng được đưa đến tận nơi với người dân cần trợ giúp thì cần có sự cam kết rõ ràng với bên trung gian (nếu không trực tiếp trao tận tay).
Hiện nay, nhiều người lo ngại nếu trao cho bên trung gian thì sẽ nảy sinh tiêu cực nhưng đó không phải là vấn đề. Nếu hàng chuyển cho bên trung gian là hàng thật, hàng chất lượng nhưng khi tới tay người dân lại là hàng đểu, hàng “hết date” thì cần xử lý nghiêm bên vi phạm. Cần có thỏa thuận sòng phẳng giữa các bên trong việc làm từ thiện để tránh tư lợi. Nếu ai vi phạm thỏa thuận thì có thể đưa ra xử lý trước pháp luật bởi hành vi lừa đảo đối với người được từ thiện”, ông Tuấn nói.
 
Cứu trợ cũng phải thông qua “kênh chính thống”
Ông Phạm Ngọc Lự khẳng định: “Hiện nay, chưa có quy định, chế tài nào hướng dẫn các địa phương về việc tiếp nhận và cấp phát đồ cứu trợ một cách cụ thể. Vì thế mới có chuyện nhiều tổ chức tự thực hiện mà không thông qua chính quyền địa phương. Tôi cho rằng, các cá nhân, tập thể có lòng hảo tâm khi đi phát quà nên phối hợp với chính quyền địa phương để tình cảm của họ đạt được hiệu quả cao nhất”.
  


Nguồn : Người đưa tin