News

6/recent/ticker-posts

Manh mối mới vụ mẹ nuôi nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội

Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã chính thức vào cuộc để tìm lại gia đình cho chị Tạ Thị Thu Trang và con gái ruột của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, người bị trao nhầm con sau khi sinh ở nhà hộ sinh Ba Đình ngày 10/10/1974.
Tin tức trên báo Công an nhân dân, trước sự việc trao nhầm con cách đây 42 năm tại Hà Nội được gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (75, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ trên báo chí, Công an quận Ba Đình đã thông qua việc sàng lọc tàng thư và có trong tay danh sách 600 người phụ nữ sinh cùng ngày 10/10/1974.
Ngày 11/3, cơ quan công an này đã đến nhà chị Trang để gặp gỡ, trao đổi các vấn đề liên quan

Chị Tạ Thị Thu Trang (bên phải) cùng chị gái lục tìm lại những tờ giấy khai sinh của 4 chị em. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Nguồn tin cũng cho biết, do thông tin trên tàng thư chỉ ghi ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh chung là ở Hà Nội, chứ không ghi cụ thể nơi sinh là nhà hộ sinh nào nên việc rà soát, xác minh từng người sẽ cần phải có thời gian. 
Xác định đây là vấn đề quan trọng và mang tính nhân đạo, Công an quận Ba Đình đang tập trung lực lượng cho việc rà soát, xác minh và tìm hiểu về số phụ nữ trên, để tìm ra và thu hẹp dần danh sách những người có các thông số trùng khớp với bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang. Sau đó sẽ bố trí để những người có liên quan gặp gỡ, tìm hiểu và có thể xét nghiệm ADN cho chính xác.
Zing.vn đưa tin, cơ quan công an dự tính sẽ làm việc với Nhà hộ sinh quận Ba Đình để có thông tin, danh tính những nữ cán bộ công tác ở đây 40 năm trước nhằm tìm kiếm manh mối vụ việc.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, với sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan, cảnh sát nhận định có thể thu được danh sách những người sinh ngày 10/10/1974. Từ đó, cơ quan công an sẽ lọc lấy danh sách các bé gái chào đời ngày 10/10/1974, có bố mẹ là người quê Hà Nội cũ.
Từ số liệu này, cảnh sát sẽ tiếp tục khoanh vùng có bao nhiêu bé gái chào đời bằng phương pháp sinh thường, bao nhiêu là đẻ mổ để tiếp tục thu hẹp số lượng trẻ cần xác minh và tìm kiếm.
Các vướng mắc cũng được cơ quan công an tính tới. 40 năm trước, có bao nhiêu bé chào đời ở Nhà hộ sinh quận Ba Đình được bố mẹ khai sinh đúng ngày 10/10/1974; bao nhiêu trường hợp người thân do không nhớ ngày sinh của con mà khai nhầm, không chính xác, gây khó khăn trong truy tìm.
“Nếu tra cứu hồ sơ toàn bộ thành phố có hy vọng tìm được”, đại diện cơ quan công an nhận định.
Manh mối mới vụ mẹ nuôi nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội - Ảnh 2

Chị Thu Trang (bên trái) chụp ảnh cùng mẹ Hạnh và chị gái. Ảnh do gia đình cung cấp.

Trước đó, vào chiều 10/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã tìm ra 3 nữ hộ sinh làm việc tại Nhà hộ sinh quận Ba Đình năm xưa. Tuy nhiên, họ đều ngoài 80 tuổi nên không còn nhớ rõ điều gì. 
Liên quan đến sự việc nhận được sự quan tâm của dư luận này, báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 10/10/2015, sau hơn 40 năm trăn trở và giấu sự thật trong lòng, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 64 tuổi) quyết định nói cho đứa con gái thứ ba của mình là Tạ Thị Thu Trang (hiện 42 tuổi) rằng “con không phải là con ruột của mẹ”.

Quá đỗi bàng hoàng và bị sốc, chị Trang chỉ biết khóc. “Ngay lúc ấy tôi chỉ biết nói con chỉ có gia đình này, mở mắt chào đời, con là con của mẹ”, chị Trang nói.
Thei đó, cách đây 42 năm, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Để tránh nhầm lẫn, đứa trẻ sau khi sinh và người mẹ được viết bằng bút mực cùng một con số vào chân. Bà Hạnh được đánh số 33 nhưng trong lần cho con bú đầu tiên, bà phát hiện trên chân con mình lại đánh số 32. Nghĩ đã bị trao nhầm con, bà bảo các nhân viên hộ sinh bế cháu số 32 đi kiểm tra lại và tìm cháu số 33.
“Nhân viên nhà hộ sinh đi tìm vài bé nhưng không thấy và nói cho mẹ tôi rằng đây chính là em bé số 33, nhưng khi đi tắm mực ở chân cháu bị mờ”, chị Tạ Thị Thu Vân, con gái cả của bà Hạnh kể.
Linh cảm đứa trẻ không phải là con mình, bà Hạnh tâm sự với chồng, ông cũng ngạc nhiên: “Vừa đi đẻ về sao lại nói đứa trẻ không phải là con mình”.
Trang càng lớn càng không giống với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Khi Trang được 1-2 tháng tuổi, nhiều người ác miệng nói bà Hạnh “không chung thủy với chồng” nhưng bà vẫn im lặng.Tuy nhiên, y học lúc bấy giờ chưa phát triển, phương tiện thông tin cũng không nhiều như bây giờ, bà Hạnh đành đưa con về nhà nuôi với nỗi hoài nghi...
Năm Trang được 22 tuổi, bà Hạnh một mình đi xét nghiệm ADN. Kết quả dù đã linh tính trước nhưng không khỏi làm bà đau xót: chị Trang không phải là con ruột của ông bà.
Biết sự thật ấy nhưng vì thương con, bà Hạnh vẫn âm thầm giấu kín mọi việc. 12 năm trước, chồng bà qua đời vẫn không biết bí mật ấy.
Cuối năm 2015, bà Hạnh sang Anh thăm con gái út. Sau khi nghe tâm sự của mẹ, cách đây ba ngày, người con gái đã đăng thông tin lên mạng xã hội để giúp bà Hạnh tìm được con ruột. Câu chuyện tìm con bị thất lạc suốt 42 năm những ngày qua đã làm cư dân mạng xúc động.
Những ngày này, nhiều phóng viên đã đến gặp gia đình bà Hạnh để lấy thông tin. Điều đó làm bà Hạnh và cả gia đình mừng rỡ vì tin rằng, bà sẽ có thêm cơ hội tìm con gái, còn chị Trang cũng sẽ có cơ hội tìm lại được gia đình mình...