News

6/recent/ticker-posts

Mỹ “vờn” nhau với Trung Quốc bằng tuyên bố quân sự hóa

Cuối tuần qua, Mỹ đã phái một số tàu chiến tới Biển Đông, nơi nước này nói Trung Quốc đang tăng cường quân sự. Sau khi phái tàu sân bay tới đây, Mỹ cũng cho biết, Trung Quốc đang gia tăng hoạt động xung quanh nhóm tàu của Hải quân Mỹ trên Biển Đông.
Nhật báo Hải quân của Mỹ ngày 4/3 đăng tải thông tin, tàu sân bay USS John C. Stennis, 2 tàu khu trục, 2 tàu tuần dương và Hạm đội 7 đã tiến vào Biển Đông trong những ngày gần đây. Cụ thể, Hàng không mẫu hạm John C. Stennis rời Washington hôm 15/1 và tới Biển Đông hôm 1/3. Trong khi đó các khu trục hạm và một tuần dương hạm đã tới Tây Thái Bình Dương từ ngày 4/2. Mỹ cũng đưa tin, cùng với đội tàu nói trên là hàng nghìn lính thủy.

Tàu sân bay của Mỹ đã được điều đến Biển Đông để tuần tra.

Thông cáo của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ: Các tàu của Hải quân Trung Quốc cũng hoạt động trong vùng biển lân cận. CNN dẫn lời Greg Huffman, Chỉ huy tàu sân bay John S.Stennis, cho hay: “Chúng tôi thấy tàu Trung Quốc xuất hiện xung quanh chúng tôi, điều này hiếm khi xảy ra trong quá khứ theo kinh nghiệm của tôi”. Vị chỉ huy này cho biết thêm, không có va chạm nào xảy ra giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc.
Nhật báo Mỹ USA Today dẫn lời cựu sỹ quan Hải quân Mỹ Jerry Hendrix: “Rõ ràng là Hải quân và bộ Quốc phòng Mỹ muốn cho thấy quyết tâm của Mỹ trong thực hiện đầy đủ cam kết hiện diện và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực”. Việc Mỹ đưa tàu sân bay đến biển Đông diễn ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cảnh cáo Trung Quốc không nên quân sự hóa biển Đông và đe dọa sẽ có những hậu quả cụ thể nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong khu vực.
Động thái này được giới phân tích cho là nhằm mục tiêu phô trương lực lượng, tuy nhiên, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho rằng, đó chỉ là một hoạt động bình thường của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Hạm đội 7, Trung tá Clay Doss khẳng định trên Navy Times: “Từ nhiều thập niên qua, chiến hạm và phi cơ Mỹ vẫn thường xuyên hoạt động trên toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương – trong đó có cả Biển Đông... Chỉ tính riêng năm 2015, tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã có khoảng 700 lượt hoạt động tại Biển Đông”.
Tính tới nay, Mỹ đã hoàn tất 2 cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép. Tháng 10 năm ngoái, khu trục hạm Lassen đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuối tháng 1 vừa qua, tàu khu trục Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn, một phần của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việt Nam và Mỹ gần đây đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc khẩn trương đắp đảo, xây đường băng và triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và radar ra Biển Đông. Cả Hà Nội và Washington đều lên án các động thái này vì nó đe dọa hòa bình và làm leo thang căng thẳng khu vực.
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh ngày 4/3 tố ngược Mỹ quân sự hóa Biển Đông. Bà Oánh còn chỉ trích chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ và ngang ngược tuyên bố, Trung Quốc có quyền xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng trên Biển Đông, đài TNHK của Nhật Bản đưa tin, ngày 4/3, nước này thông báo sẽ cho Philippines thuê 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 để Hải quân Philippines thực hiện tuần tiễu và do thám ở Biển Đông.
Theo một nguồn tin, Philippines phải chi đến hàng triệu USD mỗi năm để thuê các máy bay của Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản dự kiến cũng sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam trong khuôn khổ sự trợ giúp của Tokyo dành cho hai nước Đông Nam Á đang thua Trung Quốc về trang bị quốc phòng.