Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nền tài chính của IS đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn và phạm vi kiểm soát của “đế chế” Hồi giáo này đang dần bị thu hẹp.
|
Bên ngoài một thị trấn hoang vắng ở al Hawl, miền Bắc Syria từng có một mạng lưới những đường ống với 3 bể dầu mỏ. Mặc dù đây chỉ là cơ sở nhỏ nhưng hơn 1 năm qua nó đã giúp IS kiếm không ít tiền. IS đã phải từ bỏ địa điểm “béo bở” này hồi tháng 11/2015, để lại một số hình vẽ nguệch ngoạc trên xe tăng, bẫy mìn, nhà máy bom và 3.000 dân – một nguồn thuế đáng kể.
Việc rút lui khỏi al Hawl là một ví dụ nhỏ về việc Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang ngày càng thu hẹp diện tích kiểm soát, nền kinh tế suy thoái, đánh mất nhiều nguồn tài nguyên.
Đường ống của các bể dầu tại phía Bắc Syria của IS bị bỏ lại, han gỉ. |
Tính trung bình trong năm 2015, IS đã đánh mất khoảng 40% diện tích đất kiểm soát ở Iraq và vùng Đông Bắc Syria – nơi đất đai màu mỡ và có nhiều mỏ dầu. Các mỏ dầu – nơi mang lại thu nhập vô cùng lớn cho IS đã bị không kích liên tục; một số nhà lãnh đạo về tài chính của IS cũng bị tiêu diệt; các giao dịch qua Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Dù chưa đến mức “phá sản” nhưng rõ ràng là tình hình tài chính của IS đã ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Tài chính của IS đã từng rất hùng mạnh
Khi nhóm khủng bố quyết định thành lập “Nhà nước” hay “Đế chế”, chúng cần rất nhiều tiền, đặc biệt là khi theo ước tính ban đầu sẽ có từ 4 – 5 triệu người sống dưới sự kiểm soát.
Theo một nghiên cứu của Rand Corporation, trước năm 2014 IS sở hữu tài sản khoảng 875 triệu đô, chủ yếu thông qua tống tiền. Theo ước tính của Mỹ, IS cũng được lợi lớn từ việc chiếm các ngân hàng, riêng chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Iraq ở Mosul đã đã chứa tới hơn 400 triệu đô.
IS chiếm được các thiết bị quân sự, giếng dầu và những nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của chính phủ Iraq trước đó. IS đã từng giàu có với “tốc độ chưa từng có”.
Vì sao kinh tế của IS ngày càng đi xuống?
Sản lượng dầu mỏ - nguồn thu nhập chính của IS bị giảm từ 30-60%. |
Tuy vậy, ISIS vẫn phải cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc y tế, nước và điện, và duy trì đường giao thông và hệ thống nước thải. Nó phải trả tiền lương, thậm chí nhiều hơn kể từ tháng 9/2015 khi chính phủ Iraq tuyên bố sẽ không tiếp tục trả lương cho công chức làm việc trong khu vực IS kiểm soát.
Vào cuối năm 2014, các nhà máy lọc dầu của IS sản xuất khoảng 50.000 thùng mỗi ngày, mang về khoảng 500 triệu đô/năm. Tuy nhiên việc sản xuất dầu đã gặp phải nhiều khó khăn vì không kích. Vào tháng 11/2015, 283 tàu chở dầu bị đánh chìm gần Deir Ezzour, Syria.
Hiện tại, rất khó để ước tính được lượng dầu sản xuất hiện nay từ các khu vực IS kiểm soát. Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên của Lực lượng đặc nhiệm ở Baghdad nói rằng nó có thể đã giảm xuống còn khoảng 34.000 thùng một ngày. Một nguồn tin khác nói với CNN rằng có thể sản lượng đã giảm xuống dưới 20.000 thùng mỗi ngày - giảm 60%.
Một nguồn thu đáng kể khác của IS là thuế. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người bỏ trốn khỏi lãnh thổ do IS kiểm soát.
Nền kinh tế của IS cũng bị thế giới cô lập vì vậy chúng cũng gặp khó khăn trong việc bán các nguồn tài nguyên. Các nhà lãnh đạo về tài chính thì liên tục bị tiêu diệt.
Nguồn thu của IS hiện nay, theo tính toán đạt khoảng 80 triệu đô/tháng, chủ yếu do thuế và cướp bóc, nhưng không đủ để chi tiêu. Các con đường ở phía Bắc Iraq bị phá, IS cần chi nhiều hơn cho việc vận chuyển binh sĩ, vũ khí, vật tư vì phải đi đường vòng qua sa mạc Jazeera.
Việc tiền mặt để mua bán cũng gặp phải nhiều khó khăn khi Mỹ kêu gọi 30 quốc gia khác cắt giảm chi nhánh ngân hàng tại khu vực IS kiểm soát ở Iraq ra khỏi hệ thống quốc tế.
Hiện tại, IS vẫn có thể giao dịch tiền tệ ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon thông qua các hệ thống không chính thức.
Nhà nghiên cứu người Anh Aymenn al-Tamimi nói với CNN: "Đừng đánh giá thấp các giao dịch tiền tệ với thế giới bên ngoài. Mặc dù tôi chưa thấy một sự sụp đổ kinh tế từ bên trong nhưng các tiêu chuẩn sống sẽ ngày một tồi tệ hơn".