News

6/recent/ticker-posts

Truy tố hai kẻ trộm chim: Khó định giá chính xác 3 con chim của vị Giám đốc Sở

Trên đường đi “săn mồi”, hai siêu đạo chích đã táo tợn đột nhập biệt thự của ông Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam để lấy trộm 3 con chim cảnh quý. Sau khi bị phát hiện, hai tên này đã bị truy tố về tội Trộm cắp tài sản.
“Phản ứng nhanh” là do ăn trộm “nhà quan”
Chuyện hai đối tượng trộm chim cảnh của Giám đốc sở KH-ĐT Quảng Nam bị truy tố khiến nhiều người thắc mắc, khó hiểu. Người dân đặt câu hỏi, không biết giá trị các con chim bị trộm bao nhiêu mà hai tên trộm lại bị xử lý hình sự? Trao đổi với PV, luật sư Đỗ Toàn Thắng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Trong trường hợp trên, các đối tượng bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138, BLHS là có căn cứ. Tuy nhiên, việc VKSND TP.Tam Kỳ truy tố các đối tượng trên theo khoản 1 hay khoản 2, Điều 138 BLHS là nội dung cần phải xem xét. Bởi theo nội dung cáo trạng, các đối tượng trong vụ án này bị truy tố theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 138, BLHS”.
Luật sư Thắng phân tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc trộm cắp tài sản có giá trị hai triệu đồng trở lên là có căn cứ để xử lý hình sự. Khi xem xét hướng xử lý vụ trộm chim, Cơ quan điều tra cần định giá các con chim bị trộm để làm căn cứ đảm bảo việc xử lý khách quan, đúng pháp luật. Nếu qua điều tra, các đối tượng trộm cắp thừa nhận giá trị các con chim bán được sau khi trộm là hơn hai triệu đồng, phù hợp với lời khai của người mua chim ăn trộm thì có thể sử dụng giá trị đó làm cơ sở xử lý hình sự. Nếu lời khai của các nghi can trộm cắp có chênh lệch với lời khai của chủ chim bị mất cắp, người mua chim thì Cơ quan điều tra phải cho giám định giá trị tài sản bị thiệt hại. Yêu cầu đối với việc giám định là giá mua bán chim phải được tham khảo theo giá thị trường.
Tuy nhiên, khác với các tài sản giao dịch phổ biến, có giá thị trường rõ ràng nên việc định giá đơn giản thì với các tài sản đặc biệt rất khó xác định được giá thị trường như cây kiểng, chim, cá, thú nuôi cảnh, đồ cổ... Chính vì thế, kết quả định giá cũng chỉ mang tính tương đối. Trong trường hợp đó, nếu chủ tài sản chứng minh được bằng các hóa đơn, chứng từ mua bán, thuế, nhập khẩu... hợp lệ thì giá của tài sản được ghi nhận hợp pháp để làm cơ sở tranh chấp, xử lý hình sự.
“Chỉ giới chơi sành mới biết giá trị thực của các con chim. Theo tôi, cơ quan tố tụng cần tổ chức định giá tài sản bị mất cắp đặc biệt (như các con chim kiểng) một cách phù hợp, sát với giá trị thực tế thì việc áp dụng pháp luật mới đảm bảo chính xác. Nếu không đủ cơ sở để xử lý hình sự thì hành vi trộm chim sẽ bị xử phạt hành chính...”, LS.Thắng nói.

Ngôi biệt thự mà Giám đốc Sở sinh sống (Ảnh: báo Pháp Luật Plus)

Liên quan đến vụ trộm chim nói trên, có ý kiến khôi hài cho rằng, tên trộm gặp “vận đen” khi ăn cắp của “quan” nên các nhà chức trách mới “phản ứng nhanh” như vậy. Và, qua vụ việc này, nhất thiết phải có tổ chức, cá nhân nào đó định giá các loài... chim?! Tuy nhiên, trao đổi với PV, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhận định: “Tại sao chúng ta không tư duy theo hướng công an rất tích cực điều tra, thậm chí ngay chỉ một vụ mất chim thì có nghĩa là họ cũng sẽ không bàng quan với những vụ mất trộm tài sản chỉ là chiếc xe đạp. Chẳng có lý nào chim nhà quan thì điều tra, truy tố còn chim nhà dân thì lại cười nhạt! Theo tôi cơ quan chức năng rốt ráo là điều hết sức hoan nghênh”.
“Tuy nhiên, trên thực tế, có bao nhiêu vụ mắt cắp vặt được các cơ quan chức năng “phản ứng nhanh” như vậy? Giá như các vụ án tham nhũng lớn người ta cũng vào cuộc quyết liệt như thế thì chắc chắn sẽ chẳng còn “con sâu làm rầu nồi canh”, “sâu tham nhũng” sẽ không còn cơ hội để mà phát triển ngày càng tinh vi như hiện nay. Giá như các vụ án khác cơ quan tố tụng cũng vào cuộc một cách vô tư, trong sáng như thế thì chắc chắn những công dân vô tội như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén không phải chịu án oan cả chục năm trời”, ông Cuông đặt câu hỏi.
Đích thị tội Trộm cắp tài sản?!
Thượng tá Lê Văn Hòa, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, đơn vị đã xác minh truy bắt được các đối tượng trong vụ trộm chim của ông Lê Phước Hoài Bảo (Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam).

Theo hồ sơ vụ việc, chiều ngày 14/7/2015, Tùng điều khiển xe máy hiệu Sirius BKS 92L1- 051.05 chở Tấn đi từ xã Tam Đàn vào TP. Tam Kỳ vui chơi. Trên đường đi, Tấn gạ gẫm Tùng đi trộm cắp chim cảnh lấy tiền tiêu xài. Cả hai phi xe máy tới trước nhà ông Hoài Bảo (trú khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để bắt trộm chim cảnh đem bán.
Tại đây, Tùng đứng ngoài giữ xe và canh gác, còn Tấn trực tiếp leo qua tường rào vào biệt thự của vị Giám đốc Sở lấy trộm hai lồng chim. Theo Cơ quan điều tra, cả hai lồng chim được làm bằng gỗ và tre có hình dạng hình hộp chữ nhật, kích thước 58x31x47cm. Bên trong một lồng có con chim chào mào màu lân đen, lưng có màu nâu sẫm. Lồng còn lại là con chim chào mào màu đen, cánh chim có màu nâu sẫm. Tổng trị giá hai con chim chào mào bị trộm khoảng gần 5 triệu đồng. Thực hiện trót lọt vụ trộm, cả hai đem bán cho một người dân cùng xã được hai triệu đồng và chia nhau tiêu xài cá nhân.
Thấy phi vụ trộm chim nhà vị Giám đốc Sở quá dễ dàng, bằng những thủ đoạn tương tự, cả hai đối tượng trên tiếp tục lẻn vào nhà ông Bảo để trộm thêm một lồng chim chào mào khác để bán. Cụ thể, sáng 17/7/2015, Tùng tiếp tục chở Minh đến nhà ông Bảo trộm một lồng chim kích thước 58x31x47cm, được làm bằng gỗ và tre. Sau khi thực hiện trót lọt vụ trộm này, cả hai tên đang trên đường đi tìm mối quen để bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Tại cơ quan điều tra, Tùng khai đã cùng các đối tượng thực hiện hàng loạt vụ trộm trước đó. Cụ thể, vào ngày 6/7/2015, Tùng và Tấn đã trèo vào nhà anh Đào Văn Tiến (SN 1971, trú phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) để trộm một điện thoại iPhone trị giá 3 triệu đồng, một điện thoại khác trị giá gần 200 ngàn đồng. Ngày 12/7/2015, Tùng và Tấn còn đột nhập vào nhà chị Võ Thị Thu Nga (SN 1968, trú phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ) lấy trộm một máy tính xách tay trị giá 3 triệu đồng. Tất cả, đều được cả hai bán đem chia tiêu xài cá nhân.
Liên quan đến vụ việc trên, PV đã liên hệ với ông Lê Phước Hoài Bảo. Ông Bảo cho biết, ông là người rất thích chơi chim cảnh. “Sau khi công an vào cuộc điều tra tìm được 3 con chim chào mào và có hỏi tôi rằng, có truy tố hai kẻ trộm cắp kia không. Tôi trả lời không truy tố. Tôi nghĩ chắc cơ quan công an truy tố vụ khác cũng có liên quan đến hai thanh niên này”, ông Hoài Bảo cho hay.
Trả lời PV về chuyện bồi thường và hướng xử lý vụ việc, ông Bảo cho rằng giá trị tài sản mà ông bị mất không cao. Hơn nữa, ông đã thu hồi về được nên ông không có yêu cầu bồi thường.
Xử lý đúng pháp luật 
Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Văn Hòa cho biết thêm: “Giá trị tài sản 3 con chim chào mào và ba lồng nhốt chim của ông Bảo tuy không lớn nhưng về hành vi phạm tội đã cấu thành tội trộm cắp tài sản”. Chưa hết, hai đối tượng trên còn gây ra hàng loạt vụ trộm khác với tổng giá trị tài sản của 4 vụ trộm là 16.350.000 đồng. Vì lẽ đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định truy tố hai đối tượng trên để có những xử lý thích đáng, đúng pháp luật để răn đe.