News

6/recent/ticker-posts

Vụ chai nước cam của Cocacola có "dị vật": Khách hàng thua kiện

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên bác yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bình Minh đòi công ty Cocacola bồi thường 5 chai cam ép có dị vật.
Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, sáng 14/3, TAND TP.Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh (34 tuổi, ngụ quận Bắc Từ Liêm) kiện Công ty TNHH nước giải khát Cocacola Việt Nam về việc chai nước cam Splash của hãng này có dị vật.

Chai Splash có dị vật (bìa trái) cùng hai sản phẩm khác có cùng ngày, lô sản xuất (Ảnh: Pháp Luật TP HCM)

Trước đó, vào tháng 9/2015, TAND Quận Bắc Từ Liêm đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên bác yêu cầu đơn kiện của bà Nguyễn Thị Bình Minh đối với Cocacola Việt Nam.
Báo Pháp Luật TP HCM thông tin về phiên tòa xét xử phúc thẩm, nguyên đơn đã đưa ra ba chai Splash có cùng ngày, lô sản xuất với chai nước có dị vật trong vụ kiện, đề nghị tòa giám định bổ sung để làm sáng tỏ câu hỏi đây có phải là sản phẩm của CocaCola Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, đại diện bị đơn cho rằng ba chai nước này chỉ có bề ngoài giống với sản phẩm của CocaCola Việt Nam, nguyên đơn lại không cho biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên không có căn cứ để chứng minh đó là sản phẩm của công ty.
Về vấn đề này, đại diện nguyên đơn cho hay sau khi phiên sơ thẩm do TAND quận Bắc Từ Liêm kết thúc, một chủ hàng tạp hóa trên địa bàn đã mang tặng ba chai nước ngọt này. Tuy nhiên, do người này yêu cầu không công khai danh tính nên không thể cung cấp thông tin.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX phúc thẩm nhận định về dấu vết dập ép, chai nước vật chứng có đầu dập nắp khác với 63 mẫu so sánh, vỏ chai nước cam ép là sản phẩm tái sử dụng nhiều lần, dây chuyền tại Hà Nội đối chứng không có sự thay thế chỉ có sự bảo dưỡng, sửa chữa và chỉ có một dây chuyền duy nhất; do vậy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn
Theo hồ sơ, ngày 5/10/2011, bà Minh mua một số chai nước cam ép nhãn hiệu Splash (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Công ty CocaCola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất. 
Sau khi mang về nhà, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp, chứa rất nhiều tạp chất và đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong. Nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, bà Minh đã ủy quyền cho một công ty luật để làm việc với CocaCola Việt Nam. Do vụ việc không được giải quyết thỏa đáng, bà Minh đã khởi kiện công ty này ra tòa.
Đơn khởi kiện yêu cầu CocaCola Việt Nam bồi thường số tiền mua một chai nước cam Spalsh vào thời điểm thanh toán, có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện dị vật trong chai nước, công khai xin lỗi nguyên đơn và người tiêu dùng trên năm số báo liên tiếp về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Bắc Từ Liêm đã bác đơn kiện của bà Minh. Theo HĐXX sơ thẩm, kết quả giám định cho thấy nắp chai Splash có dị vật thực tế có màu đỏ, khác với màu vàng theo mẫu của Coca-Cola, dấu dập ép của chai này cũng khác so với các mẫu của công ty. Điều này chứng tỏ chai nước được dập nắp với đầu dập khác, không phải dây chuyền Coca-Cola Việt Nam.
Về ba chai nước cam mới xuất trình có cùng thời gian sản xuất với vật chứng, nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ, tên người bán hàng, không có tài liệu chứng minh sản phẩm do CocaCola cung cấp, phía bị đơn không thừa nhận nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Vì những lẽ trên, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Minh, không chấp nhận yêu cầu khác của đương sự.