News

6/recent/ticker-posts

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Chiều 31/7, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khả năng ngày mai mạnh lên thành bão, ảnh hưởng tới Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới hình thành từ một vùng áp thấp, di chuyển từ Philippines vào. Chiều nay, sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới là 60 km/h, cấp 6-7, giật cấp 9.

Hai ngày tiếp theo, áp thấp nhiệt đới theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 1/8, tâm bão nằm trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp.

Những ngày tiếp theo, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật cấp 10.

Đài khí tượng Nhật Bản và Trung Quốc cũng nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, sức gió mạnh nhất 90 km/h và hướng vào Việt Nam.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

Bắc biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5 m. Vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, từ ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-4 m.

Ở khu vực giữa và nam biển Đông, gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m.

Về khả năng gây mưa trên đất liền, chuyên gia khí tượng dự báo từ chiều 1/8 đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa to và giông với lượng mưa 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Từ gần sáng 1 đến ngày 3/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa rất to và giông, lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt. Các tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa phổ biến 100-250 mm/đợt.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 3/8, Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) có mưa với lượng 100-200 mm/đợt, riêng Bắc Tây Nguyên 200-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu 3-7 m, hạ lưu 2-5 m. Đỉnh lũ trên các sông Đà, Thao, Hoàng Long, Bôi, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và Tây Nguyên lên báo động 1-2, các sông suối nhỏ có khả năng đạt báo động 2-3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và Tây Nguyên.

Mùa mưa bão năm nay xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm hơn một tháng. Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một nửa số đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão mạnh tập trung ở Trung và Nam Bộ trong những tháng cuối năm 2020.