News

6/recent/ticker-posts

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Trưa 1/8, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông mạnh lên thành bão, sức gió tối đa 75 km/h, khả năng chiều mai đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Sinlaku đang ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thái Bình - Nghệ An khoảng 400 km. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 (75 km/h) khoảng 130 km, tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km mỗi giờ. Đến 13h ngày mai, tâm bão ở vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Nam Định, Ninh Bình và Nghệ An, duy trì sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp.

Sau đó bão giảm tốc độ còn 10-15 km/h, giữ hướng tây tây bắc, tiến sâu vào Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 13h ngày 1/8. Ảnh: NHCMF.

Đài Hong Kong cũng dự báo bão theo hướng tây tây bắc, đổ bộ vào khu vực từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh vào đầu giờ chiều 2/8. Đến 15h ngày mai, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió tối đa 55 km/h. Áp thấp nhiệt đới sau đó gần như đi ngang, chứ không chếch nhiều lên bắc như dự báo của đài Việt Nam.

Đánh giá về khả năng gió mạnh, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới là phía bắc vĩ tuyến 16, phía tây kinh tuyến 115. Tàu thuyền ở giữa và nam biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Vịnh Bắc Bộ (gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-8, sóng biển cao 3-4 m, biển động rất mạnh. Từ gần sáng và ngày mai, vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật tăng hai cấp; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có gió giật cấp 6-7. Ven biển các tỉnh Thanh Hóa đến Thái Bình đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao 3,5-4,5 m.

Về khả năng mưa, theo cơ quan khí tượng, do hoàn lưu trước bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ chiều nay đến đêm 2/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rất to với lượng phổ biến 200-400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt.

Từ nay đến ngày 5/8, miền Bắc có mưa giông với lượng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Riêng Hà Nội, từ chiều tối nay đến ngày 3/8 có mưa rất to với lượng mưa 150-250 mm/đợt.

Đối phó với bão, tại Nghệ An, nhà chức trách kêu gọi được hơn 3.000 tàu thuyền với hơn 15.000 lao động đưa thuyền về nơi neo đậu. Tới trưa 1/8, hơn 400 phương tiện với 1.600 lao động đang còn hoạt động tại vùng biển Nghệ An và vùng đánh bắt chung. Tất cả đều đã nhận được thông báo về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để tìm nới tránh trú.

Toàn tỉnh có trên 84.000 ha lúa vụ hè thu và vụ mùa song do nắng nóng kéo dài hơn hai tháng khiến trên 10.000 ha bị thiếu nước, trong đó hơn 7.000 ha sắp chết. Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá mưa do bão "quý như vàng" bởi sẽ giúp cứu diện tích lúa đang sắp chết. Ngoài ra, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt cũng đang rất cần mưa.

"Mưa trải đều nhiều ngày thì tốt, song dồn dập trong thời gian ngắn sẽ gây ngập úng, nguy cơ sạt lở", ông Đệ nói.

Tại Hà Tĩnh, một số huyện như Hương Sơn, Đức Thọ, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh đã xảy ra mưa lớn, sau gần hai tháng nắng nóng gay gắt. Tỉnh có 251 tàu thuyền của ngư dân địa phương và ngoại tỉnh đánh bắt trên vùng biển huyện Lộc Hà đã neo đậu tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim để tránh bão.

Tại Quảng Trị, 48 tàu với 352 người đang hoạt động trên vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ, cách bờ khoảng 20 hải lý, đã nhận được thông báo về bão.

Tỉnh có 124 hồ chứa nước và 123 hồ thủy lợi với dung tích khoảng 260.000 m3. Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm nên dung tích các hồ hiện chỉ đạt gần 20% so với dung tích thiết kế. Mưa bão sẽ giúp tăng lượng nước ở các hồ này.

Ngoài ra, tỉnh còn gần 16.000 ha lúa vụ hè thu chưa đến thời kỳ thu hoạch, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo nhiều nơi thu hoạch nhanh đối với diện tích lúa đã chín nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến 10h sáng nay vẫn còn 1.640 tàu thuyền với gần 9.000 lao động ở trong vùng nguy hiểm.

Sinlaku là cơn bão thứ hai ở biển Đông trong mùa mưa bão năm nay. Bão đầu tiên tên Nuri hình thành ngày 13/6, đi vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, năm nay biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một nửa số đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão mạnh tập trung ở Trung và Nam Bộ trong những tháng cuối năm 2020.