News

6/recent/ticker-posts

Cưỡng hiếp bé gái, bán con lấy tiền ở Kenya vì Covid-19

Do đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái bị đẩy ra rìa xã hội. Tương lai của họ ngày càng bất định khi liên tục bị hiếp dâm, mang thai ngoài ý muốn hoặc nhiễm HIV.

Naomi là một trong những cư dân sống tại Kibera, khu ổ chuột lớn nhất châu Phi nằm ở thủ đô Nairobi (Kenya). Khi lệnh phong tỏa toàn quốc vừa được áp dụng, cô bé 15 tuổi bị cưỡng hiếp bởi hàng xóm của mình.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mẹ em không thể tiếp tục bán rau cải ở ven đường. Bà thuyết phục Naomi đi xin tiền mọi người quanh khu nhà để gia đình có thể mua thức ăn.

Naomi bị cưỡng hiếp bởi một người hàng xóm. Ảnh: Ed Ram.

“Khi em đến nhà, người đàn ông đó bắt đầu sờ soạng rồi ép em quan hệ tình dục với hắn. Sau đó, hắn cho em 5 USD và bỏ trốn trước khi cảnh sát tới. Em sợ rằng nếu có thai, em sẽ không thể đi học được nữa”.

Từ cuối tháng 3, lệnh giãn cách xã hội đã làm tê liệt nền kinh tế Kenya. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái, những người vốn có đời sống bấp bênh trước khi đại dịch xuất hiện, lại càng bị đẩy ra rìa xã hội. Tương lai của họ ngày càng bất định khi liên tục bị lạm dụng tình dục, hôn nhân ép buộc và mang thai ngoài ý muốn.

Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính

Phần lớn diện tích thủ đô Nairobi được che phủ bởi cây xanh, cùng những ngôi nhà rộng rãi với cánh cửa kim loại vững chắc. Tuy nhiên, vẫn còn hơn một nửa dân số - khoảng 2 triệu người - tập trung sống ở 6% diện tích đất của thành phố trong tình trạng nghèo đói khủng khiếp. Đó chính là khu ổ chuột Kibera.

Nằm ẩn mình trong các thung lũng với những ngôi nhà tạm bợ được lợp bằng mái tôn rỉ sắt, đường vào Kibera như một mê cung của những lối đi chật hẹp. Hàng nghìn người sử dụng chung nhà vệ sinh và đều mất phí cho mỗi lượt sử dụng.

Nhiều gia đình đông thành viên phải sống trong căn nhà chỉ có một phòng và không có cửa sổ. Họ cố gắng tồn tại với mức thu nhập chưa đến 1 USD/ngày.

Khu ổ chuột Kibera. Ảnh: Ed Ram.

Carol (15 tuổi) sống cùng Nelly, người mẹ tàn tật 52 tuổi cùng 2 em gái. Bé bị cưỡng hiếp bởi một thanh niên 16 tuổi hồi tháng 4 vừa qua và đang mang thai.

“Lúc đó mẹ em đang ra ngoài tìm việc làm, mà em thì đói quá. Mấy đứa bạn liền giới thiệu em với một cậu bé. Người này đã mua khoai tây chiên cho em ở quầy bán hàng rong ngoài đường. Em tới nhà của cậu trai đó để ăn khoai. Sau đó, anh ta nói rằng muốn đổi lại thứ gì đó từ em. Em đã cố gắng đấu tranh, vùng thoát nhưng anh ta quá khỏe”, Carol kể lại.

Quá xấu hổ, bé không nói với người mẹ tàn tật của mình việc mang bầu. “Em không muốn làm mẹ cảm thấy nhục nhã”.

Bản thân Nelly, mẹ em, cũng bị mắc kẹt trong mối quan hệ lạm dụng, bạo lực với người chồng say xỉn.

“Khi chồng tôi phát hiện ra con bé có thai, ông ta dọa giết cả 4 mẹ con. Vì vậy, chúng tôi phải ra kiốt ngoài chợ ngủ tạm trong nhiều tuần. Tôi chẳng có nơi nào để đi. Hơn nữa, xã hội thường sẽ đánh giá những người phụ nữ bỏ chồng”, cô nói.

Kate Maina-Vorley, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Plan International chi nhánh Kenya, mô tả trường hợp của Naomi và Carol chính là “mặt tối của đại dịch”.

“Hiện nay, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực tình dục và bất bình đẳng giới đang gia tăng, cũng như nạn tảo hôn”, bà cho biết.

Carol mang thai ngoài ý muốn do bị hiếp dâm. Ảnh: Ed Ram.

Tuy nhiên, đó không phải vấn nạn mới xuất hiện ở Kenya. Theo một nghiên cứu từ năm 2013, cứ 1 trong 5 bé gái ở độ tuổi 15-19 đang mang thai hoặc đã sinh con.

Chính phủ Kenya cam kết chấm dứt tình trạng này vào năm 2030 tại một hội nghị Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2019. Nhưng giờ đây, mọi nỗ lực thúc đẩy quyền trẻ em gái “đều có nguy cơ đổ bể”, theo giám đốc Maina-Vorley.

Vừa mang thai, vừa bị nhiễm HIV

Alive Gori, nhân viên điều dưỡng cấp cao của khoa bạo lực giới tại Trung tâm Y tế Nam Kibera, cho biết kể từ tháng 3, số trẻ em gái 12-17 tuổi tới phòng khám của cô sau khi phá thai bất thành đã tăng gấp đôi.

Trừ khi tính mạng của người mẹ đang gặp rủi ro, việc phá thai là bất hợp pháp ở Kenya. Vì vậy, những cô bé này thường tới các phòng khám “chui” hoặc sử dụng ma túy hay thuốc tự chế theo lời mách bảo của bạn bè. Nếu bất thành, các em mới tới bệnh viện.

Các nhà vận động xã hội cho rằng quyền của phụ nữ và trẻ em gái sống trong những cộng đồng như Kibera hoặc ở khu vực nông thôn vốn đã suy yếu từ nhiều thập kỷ qua.

“Vào buổi tối, chỉ cần đi bộ khoảng 100 m, khả năng cao bạn sẽ bị hiếp dâm. Vấn nạn này lại càng được bình thường hóa ở những cộng đồng nghèo”, tiến sĩ Wangui Kimari, một nhà nghiên cứu xã hội học, cho biết.

Catherine là một trong những nạn nhân của sự nghèo đói và nạn cưỡng hiếp. Ảnh: Ed Ram.

Ở vùng nông thôn phía tây Kenya, gần thành phố Kakamega, Catherine (16 tuổi) sống trong một căn nhà làm từ bùn khô cùng gia đình. Sau khi toàn quốc áp dụng lệnh giãn cách xã hội, một công nhân 45 tuổi đến nhà Catherine hàng ngày mỗi lần mẹ em ra ngoài tìm việc làm.

“Ông ta hứa sẽ mang cho em bất cứ thứ gì em cần như bút, sách vở với điều kiện em phải quan hệ tình dục. Nhưng sau khi em bảo rằng em có bầu, người đàn ông đó biến mất và chưa một lần trở lại”, cô bé kể.

Jennifer (15 tuổi), một cô gái khác ở cùng làng với Catherine, bị lây nhiễm HIV từ một công nhân 37 tuổi. Người đàn ông này cũng ép cô quan hệ tình dục với lời hứa hẹn về những món đồ mang đến.

“Em tới bệnh viện để thử thai và phát hiện mình bị nhiễm bệnh”.

Jennifer được nhận thuốc điều trị HIV miễn phí nhưng đôi khi cô không đủ khả năng để di chuyển tới phòng khám để lấy thuốc. Cả hai cô bé đều lo lắng rằng họ sẽ không có thời gian tới trường sau khi sinh con.

“Đại dịch đã ảnh hưởng tới cả cộng đồng chúng tôi. Đàn con của tôi ở nhà một mình và đói khát, trong khi những gã đàn ông ở bên ngoài tranh thủ cơ hội cưỡng hiếp chúng. Căng thẳng ngày một lên cao và hàng xóm trở nên ích kỷ hơn. Họ ngay lập tức giấu đồ ăn đi khi thấy một đứa trẻ ghé nhà”, Jane, mẹ của Catherine, cho biết.

Jennifer vừa mang bầu, vừa nhiễm HIV. Ảnh: Ed Ram.

Cảnh sát nói với Jane rằng họ đang điều tra vụ việc đáng tiếc xảy ra với Catherine nhưng bà e ngại rằng họ chỉ nói suông.

“Cảnh sát chỉ đi loanh quanh hết làng này đến làng khác. Nếu họ thấy bạn không đeo khẩu trang, họ sẽ bắt bạn. Nếu bạn không có đủ nước để rửa tay, họ cũng sẽ giam giữ bạn. Họ nhắm tới những người nghèo khổ”, bà nói.

Bán con để lấy tiền trang trải

George (46 tuổi) cho biết vợ anh gây áp lực, buộc anh phải bán cô con gái 17 tuổi Janet cho một người đàn ông 32 tuổi với giá khoảng 570 USD.

“Tôi không đồng ý chuyện đó nhưng tôi chẳng còn cách nào khác. Tôi có 5 con gái và 1 con trai. Janet là con gái đầu lòng. Nếu bán nó đi, tôi sẽ có tiền để nuôi 5 đứa còn lại”, anh nói.

George không còn khả năng lao động sau khi mất một chân do tai nạn giao thông vào năm 2017. Do đại dịch, họ hàng không giúp đỡ gia đình anh được nữa. Số tiền bồi thường anh nhận được hồi ấy cũng chẳng còn bao nhiêu.

Việc bán các cô gái để làm của hồi môn là bất hợp pháp ở Kenya nhưng chuyện đó xảy ra ngày càng nhiều. Kate Maina-Vorley nói rằng vấn nạn này gia tăng do sự tuyệt vọng về tài chính ở nhiều gia đình.

Mặc dù chính phủ cam kết sẽ chuyển tiền hỗ trợ và cung cấp lương thực cho những người lao động có thu nhập thấp, nhiều người cho biết họ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào.