News

6/recent/ticker-posts

Hy vọng và lo âu về vaccine Covid-19 Nga

Bất chấp nhiều lo ngại về mức độ an toàn, Nga được cho là vẫn có nhiều cơ sở vững chắc để tuyên bố phát triển thành công vaccine Covid-19.

Hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga đăng ký thử nghiệm kết hợp Giai đoạn một và hai đối với loại vaccine có tên Gam-Covid-Vac Lyo. Các nhà nghiên cứu lên kế hoạch thử nghiệm trên 38 tình nguyện viên.

Họ cho biết vaccine được tạo ra từ virus adeno, một virus cảm cúm vô hại mang gen của một chủng virus corona, tương tự phương pháp mà AstraZeneca, công ty dược phẩm đa quốc gia trụ sở tại Anh, và tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ đang theo đuổi. Công nghệ này còn khá mới mẻ, khi vaccine đầu tiên từ virus adeno mới được phê duyệt hồi tháng 6 để chống Ebola.

Giới chức Nga sau đó cho biết họ sẽ nhanh chóng đưa vaccine của Viện Gamaleya vào sản xuất. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố "lần đầu tiên trên thế giới một loại vaccine chống Covid-19 được đăng ký tại Nga" hôm qua, Viện Gamaleya vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm Giai đoạn một và hai.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định "tất cả tình nguyện viên đều phát triển kháng thể ở mức độ cao với Covid-19, đồng thời không có ai bị biến chứng nghiêm trọng do tiêm chủng". Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết kết quả này dễ dàng đạt được ở thử nghiệm Giai đoạn một và không chứng minh hiệu quả thực sự của vaccine.

Các mẫu vaccine Covid-19 do Viện Gamaleya ở Moskva, Nga, nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Reuters.

"Điều này thật kỳ quặc. Putin không có vaccine. Ông ấy chỉ đang đưa ra tuyên bố chính trị", John Moore, nhà virus học tại Đại học Y khoa Weill Cornell ở New York, Mỹ, nêu ý kiến.

"Tôi nghĩ quyết định của Nga thực sự đáng sợ và ẩn chứa nhiều rủi ro", Daniel Salmon, giám đốc Viện An toàn Vaccine tại Đại học Johns Hopkins, nhận định. Ông và những chuyên gia khác đều cho rằng Nga đang mạo hiểm khi "đốt cháy" giai đoạn thử nghiệm thứ ba, cơ sở để xác định hiệu quả của vaccine và đảm bảo nó không gây hại cho một số đối tượng nhất định.

Theo bình luận viên Carl Zimmer của NY Times, khác với những loại thuốc thử nghiệm dành cho người bệnh, vaccine được dùng để tiêm cho hàng loạt người khỏe mạnh, nên bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn cao. Nếu hàng trăm triệu người được tiêm vaccine, một tác dụng phụ hiếm hoi cũng có thể xuất hiện ở hàng nghìn người.

Natalie Dean, nhà thống kê sinh học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida, Mỹ, cho rằng thời điểm Nga tuyên bố có vaccine quá sớm, nên họ "rất khó có khả năng đủ dữ liệu về hiệu quả của sản phẩm". Chuyên gia này lưu ý thêm rằng dù dữ liệu trong các thử nghiệm ban đầu ở người đầy hứa hẹn, những giai đoạn sau vẫn có thể thất bại.

Viện Gamaleya hôm qua thông báo thử nghiệm Giai đoạn ba đối với vaccine vừa được phê duyệt, có tên "Sputnik V", sẽ bắt đầu từ hôm nay với sự tham gia của hơn 2.000 người tại Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Arab Saudi, Brazil và Mexico.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), một quỹ tài sản có chủ quyền do chính phủ Nga thành lập và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19, đã thành lập một trang web để quảng bá cho loại vaccine của Nga. Tổ chức này cho rằng việc Nga nỗ lực tạo ra vaccine Covid-19, cũng như sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, đã bị truyền thông phương Tây bác bỏ.

Trong một đoạn có tiêu đề "Đối đầu Chủ nghĩa hoài nghi" thuộc bài viết trên trang web của RDIF, Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết kết quả hai giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ được công bố trong tháng này. "Nó đáp ứng các yêu cầu quốc tế, đồng thời cho thấy tất cả người tham gia thử nghiệm lâm sàng đều phát triển 100% khả năng miễn dịch Covid-19", ông cho hay.

Dmitriev còn tiết lộ "bí mật thực sự" về tốc độ phát triển vaccine của Viện Gamaleya nằm ở việc tận dụng những nghiên cứu hiện có về các vector virus adeno. Vector virus là công cụ đưa gen vào tế bào. Các gen gây bệnh ở virus được loại bỏ, đồng thời bổ sung gen mà các nhà nghiên cứu muốn tế bào đích biểu hiện.

"Từ khi Covid-19 khởi phát, tất cả những gì các nhà nghiên cứu Nga phải làm là trích xuất một gen mã hóa từ nhánh của chủng virus corona mới, rồi cấy nó vào một vector virus adeno quen thuộc để đưa vào tế bào người. Họ quyết định sử dụng công nghệ đã được chứng minh và có sẵn, thay vì tìm tới phương pháp xa lạ", Dmitriev viết.

Những vaccine sử dụng vector virus adeno cũng đang được phát triển ở Trung Quốc, Anh và Mỹ. Kỹ thuật này đã xuất hiện hơn 30 năm, nhưng chưa đem lại bất cứ thành công đáng kể nào. Tuy nhiên, "Sputnik V" được cho là vượt trội hơn, khi sử dụng tới hai vector virus adeno thay vì chỉ một. Các nhà nghiên cứu Nga theo đuổi cách tiếp cận hai vector trong điều chế vaccine kể từ năm 2015 và vẫn kiên trì với phương pháp này.

Hai loại vector virus adeno được sử dụng trong vaccine Covid-19 là Ad5 và Ad26. Bằng cách này, vaccine sẽ "đánh lừa cơ thể", vốn đã phát triển khả năng miễn dịch chống lại loại vector đầu tiên, giúp tăng hiệu quả với mũi tiêm thứ hai khi sử dụng một loại vector khác.

Nền tảng công nghệ hiện có của các vector dựa trên virus adeno được cho là khiến việc tạo ra vaccine mới nhanh chóng và dễ dàng hơn, bằng cách sửa đổi vector ban đầu với vật liệu di truyền từ các virus mới xuất hiện.

Bằng phương pháp tiếp cận hai vector, Viện Gamaleya đã sản xuất một loại vaccine Ebola được tiêm trên "vài nghìn người", dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa có dữ liệu lâm sàng chứng minh hiệu quả của nó. Viện này còn từng sử dụng các vector virus adeno để phát triển vaccine chống cúm và MERS, cả hai đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nâng cao.

"Những thành tựu này cho thấy các phòng thí nghiệm của Nga đã không lãng phí thời gian của họ trong vài thập kỷ qua, trong khi ngành công nghiệp dược phẩm quốc tế thường đánh giá thấp tầm quan trọng của những vaccine mới, được nghiên cứu khi không có mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, trước khi Covid-19 ập đến", Dmitriev viết.