News

6/recent/ticker-posts

Sét đỏ giống sứa dài 50 km trên bầu trời

Sét dị hình đỏ rực với những tua dài giống con sứa khổng lồ xuất hiện chớp nhoáng trên bầu trời bang Texas.

Sét dị hình đỏ giống con sứa khổng lồ. Ảnh: Stephen Hummel.

Stephen Hummel, chuyên gia tại Đài quan sát McDonald, chụp ảnh sét dị hình đỏ xuất hiện tại khu vực núi Locke, bang Texas, hôm 2/7. "Sét dị hình thường xuất hiện chớp nhoáng trước mắt dưới dạng những cấu trúc mờ. Bạn cần nhìn kỹ để phát hiện chúng. Nhiều khi tôi không chắc mình đã thấy sét dị hình cho đến lúc kiểm tra lại camera", Hummel chia sẻ.

Sét dị hình là hiện tượng phóng điện cực nhanh diễn ra ở vùng phía trên của khí quyển với độ cao khoảng 60-80 km, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Hiện tượng này rất khó bắt gặp. Nó chỉ kéo dài chưa đầy một giây và khó quan sát từ mặt đất vì thường bị mây giông che khuất.

Một số sét dị hình có hình sứa giống như ảnh chụp của Hummel. Số khác chỉ là những cột ánh sáng đỏ với tua hướng xuống. Sét dị hình sứa có thể đạt kích thước rất lớn. Sét mà Hummel chụp ảnh có thể dài gần 50 km, cao 50 km. Một số sét loại này có thể nhìn thấy từ cách xa hơn 500 km.

"Giông bão càng mạnh và tạo ra nhiều điện thì khả năng sét dị hình xuất hiện càng cao", Hummel cho biết. Dù trông tương tự sét thường, sét dị hình xảy ra ở độ cao lớn hơn nhiều. Các phi hành gia đôi khi cũng nhìn thấy sét dị hình từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sét dị hình có màu đỏ do nitơ lơ lửng ở độ cao lớn trong khí quyển Trái Đất. Khí này bị luồng điện kích thích và phát ra ánh sáng đỏ. Kể từ phát hiện sét dị hình năm 1989, các nhà khoa học đã quan sát được chúng ở mọi châu lục, trừ châu Nam Cực.