News

6/recent/ticker-posts

Tiền điện vẫn 'nhảy vọt' nếu áp biểu giá 5 bậc thang

Cho rằng phương án tính giá điện theo lũy tiến bậc thang 5 bậc vẫn chưa khả thi, nhiều chuyên gia đề xuất nghiên cứu tính 3 bậc.


Với việc rút phương án điện một giá, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lấy ý kiến về phương án 5 bậc thang để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay.

Với phương án 5 bậc thang này, bậc 1 và 2 sẽ ghép thành một (0 - 100 kWh) nhưng giá giữ nguyên như hiện hành là 1.678 đồng một kWh. Bậc cao nhất - bậc 5 từ 701 kWh trở lên với giá 3.123 đồng một kWh.

Mức sử dụng (kWh)Giá điện (đồng/kWh)Tỷ lệ so với giá bán lẻ bình quân (%) *
0-1001.67890
101-2002.014108
201-4002.635141
401-7002.983160
701 trở lên3.123168

* Giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng một kWh.

Tại hội thảo "Giá bán lẻ điện sinh hoạt thế nào là hợp lý" ngày 20/8, ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, phương án biểu giá luỹ tiến 5 bậc thang cải tiến từ 6 bậc thang hiện hành chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản tổng doanh thu điện sinh hoạt tính theo giá bình quân bằng tổng doanh thu tính theo từng bậc thang. Do đó, ông Lâm nói, nhiều khả năng sẽ có lạm thu nếu áp dụng phương án này.

"Việc áp dụng giá 5 bậc có cải tiến hơn 6 bậc đang áp dụng nhưng chưa chứng minh được sự cốt lõi là đảm bảo giá điện bình quân không đổi", nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nhận xét. Chưa kể, việc tính giá điện nhiều bậc chứa đựng nhiều yếu tố khó kiểm soát, lập lờ, thiếu minh bạch.

Ông Nguyễn Minh Duệ - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Năng lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, khoảng cách tăng giá giữa các bậc trong phương án biểu giá 5 bậc thang hiện quá lớn. Điều này khiến các hộ dùng trên 200 kWh phải trả giá cao, cao hơn nhiều giá điện bình quân. Và như vậy tiền điện nhiều khả năng vẫn "nhảy vọt" khi giao mùa, nắng nóng.

Ông đề nghị, nhà điều hành cần nghiên cứu để mức tăng giá, giãn cách giữa các bậc ở phương án này "tăng vừa phải hơn", để vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước.

Một số chuyên gia đề xuất Bộ Công Thương có thể nghiên cứu thêm phương án 3 bậc giá.

Ông Ngô Đức Lâm nêu căn cứ là lấy giá bán điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh làm mốc tính bởi giá này đã gồm các chi phí, lãi cho ngành điện tái đầu tư.

Theo đó, bậc 1 (0-100 kWh) sẽ có giá thấp hơn giá điện bình quân để đảm bảo tính hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách. Bậc 2 (101-400 kWh) sẽ bằng giá điện bình quân, 1.864,44 đồng một kWh và bậc 3 từ 401 kWh trở lên, giá cao hơn giá điện bình quân.

Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng đồng tình "tốt nhất nên rút biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt xuống còn 3 bậc".

Ông góp ý, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện. Bên cạnh đó, giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở khoảng cách giữa các bậc.

Ngoài ra, ông lưu ý, khi xây dựng biểu giá bán lẻ sinh hoạt Bộ Công Thương cần công khai tỷ lệ tính giá so với giá bình quân chung của 4 bậc và tỷ lệ tính giá từng bậc so với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt.

"Khi cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng, để không làm tăng giá bình quân hiện hành. Xử lý được chênh lệch giá giữa các bậc thang hợp lý sẽ giảm thiểu việc tiền điện tăng đột biến vào mùa nắng nóng", ông nói.

Về lâu dài, Chủ tịch Hội Thẩm định giá nói "cần cải tiến tất cả biểu giá theo hướng bán theo cấp điện áp giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm chứ không nên sửa kiểu chắp vá". Mức giá trung bình của biểu giá điện phải phục vụ số đông hộ dùng điện và cần công khai.

Chia sẻ quan điểm, ông Duệ cũng nói giải pháp cho giá bán điện hợp lý ở Việt Nam thì trước tiên phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng điện và tiến tới giảm bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

"Lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả chưa rõ ràng, nếu không có giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh thì áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên doanh nghiệp, người dân", ông nhận xét.

Ông Nguyễn Tiến Thoả bổ sung, khi xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì cần xác định Nhà nước chỉ đóng vai trò hậu kiểm, kiểm tra, thực hiện chính sách an sinh xã hội ngoài giá. "Nếu còn để giá điện phải gánh cả phần an sinh xã hội thì sẽ còn méo mó, không phản ánh quy luật cung cầu, giá trị", Chủ tịch Hội Thẩm định giá nói thêm.

Ngoài ra, chi phí đầu vào cũng cần Bộ Công Thương, ngành điện minh bạch, công khai và chỉ được tính vào giá những chi phí hợp lý và áp dụng giá thị trường có cạnh tranh gắn với thị trường bán lẻ cạnh tranh. Muốn làm được điều này, ông Thoả đề nghị sửa Luật Giá về thẩm quyền quyết định giá, sửa Luật Điện lực về chính sách giá điện.

"Không sửa luật thì không thể có được giá điện cạnh tranh khi chuẩn bị cho phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh", ông nhấn mạnh.