Các lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau tiến hành các cuộc tấn công mới dù hai nước thuộc Liên Xô cũ này đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn từ trưa 10-10 để kết thúc cuộc giao tranh ở vùng Nagorno-Karabakh.
Khói bốc lên sau khi đạn pháo rơi xuống thành phố Stepanakert ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh hôm 9-10 - Ảnh: REUTERS
"Không đếm xỉa thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo đạt được trước đó, lúc 12h05, các lực lượng Azerbaijan phát động tấn công nhắm vào Karakhanbeyli, một khu vực ở tiền tuyến", người phát ngôn Shushan Stepanyan của Bộ Quốc phòng Armenia ngày 10-10 cho biết.
Người này nói thêm các lực lượng tại vùng Nagorno-Karabakh cũng đã thực hiện các biện pháp đẩy lùi cuộc tấn công trên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói rằng chỉ 30 phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các lực lượng Armenia đã bắn vào các khu vực Terter và Agdam. "Armenia vi phạm rành rành thỏa thuận ngừng bắn", Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói.
Trước đó, Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau khoảng 10 giờ đàm phán ở Matxcơva. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov giữ vai trò trung gian trong cuộc đàm phán này. Thỏa thuận có hiệu lực từ 12h trưa 10-10 (giờ địa phương).
Theo Đài Al Jazeera, Nagorno-Karabakh được công nhận là một phần của Azerbaijan theo luật quốc tế. Tuy nhiên, đa số người dân sinh sống tại vùng Nagorno-Karabakh là người Armenia và vùng này đã bác bỏ sự quản lý của Azerbaijan. Họ đã tự vận hành riêng dưới sự hỗ trợ từ Armenia kể từ một cuộc chiến chết chóc vào thập niên 1990 sau khi Liên Xô tan rã.
Kể từ hôm 27-9, có hơn 400 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở vùng này. Theo Hãng tin AFP, vốn dĩ trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, sáng 10-10, hai bên vẫn còn cáo buộc nhau bắn tên lửa về các khu vực của dân thường.
Hãng tin Reuters bình luận việc hai bên tiếp tục tấn công vào các vị trí của nhau chỉ không lâu sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc thỏa thuận ngừng bắn này - với sự dẫn dắt của Nga - có ý nghĩa ra sao.
Trong một tuyên bố ngụ ý thỏa thuận ngừng bắn không hoàn toàn chấm dứt, Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan nói rằng các bên giao tranh hiện đang nỗ lực tìm ra sự hòa giải chính trị.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan, đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nhưng nói rằng cần đạt thêm nhiều thứ nữa. "Lệnh ngừng bắn nhân đạo là bước quan trọng đầu tiên, nhưng sẽ không đại diện cho một giải pháp lâu dài", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.