News

6/recent/ticker-posts

Dù ai đắc cử tổng thống, quan hệ Mỹ - Trung vẫn sẽ xấu đi

Trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, giới chuyên gia cho rằng dù đại diện của đảng Dân chủ hay Cộng hòa chiến thắng, những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tồn tại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản năm 2019 - Ảnh: AP

Theo báo Guardian, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã rơi xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ trước cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới của Mỹ trong tháng 11.

Xấu nhất trong nhiều thập kỷ

Dưới thời Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt lên những quan chức Trung Quốc liên quan tới Tân Cương và Hong Kong. Washington cũng tăng cường các hoạt động liên lạc, trao đổi với Đài Loan, đặc biệt là một số thương vụ bán vũ khí.

Bên cạnh đó, một thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt các lệnh phạt thuế giữa hai nước đang bị đình đốn và phía Mỹ cho tới nay cũng đã áp đặt nhiều hơn những quy định hạn chế và kiểm soát với các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Cựu phó tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng với ông Trump hôm 22-10 đã thể hiện cam kết giữ lập trường cứng rắn trong hành xử với Trung Quốc.

"Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không thể trở lại giống như thời điểm trước đây", báo Guardian dẫn nhận định của phó giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Cheng Xiaohe của ĐH Nhân dân tại Bắc Kinh. "Mối quan hệ đó hiện quá xấu".

Nhận định này cũng tương đồng với quan điểm của giới chuyên gia ở Mỹ.

"Bất kể ai đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, chúng ta cũng sẽ chứng kiến những căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung trên nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, địa chiến lược, nhân quyền và các vấn đề giữa nhân dân hai nước trong các năm tới đây", bà Wendy Cutler, quyền phó đại diện thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nói.

Liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung, Hong Kong và Đài Loan là hai vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Để phản ứng việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới gây tranh cãi tại Hong Kong, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt trừng phạt lên những quan chức liên quan tới việc này, giảm bớt quy chế đặc biệt với đặc khu Hong Kong và cảnh báo các tổ chức tài chính không tiến hành các giao dịch "quan trọng" với bất cứ ai được cho là gây tổn hại cho quyền tự trị của Hong Kong.

Với Đài Loan, Mỹ đã cử các phái đoàn thăm viếng của chính phủ ở cấp cao, tăng cường các hoạt động tập trận quân đội trong khu vực, khởi động tiến trình đàm phán kinh tế mới với Đài Bắc...

Sẽ khác ở cách tiếp cận

"Sự không tin tưởng lẫn nhau chưa bao giờ lớn hơn thế", bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định.

Tuy vậy, cũng theo các chuyên gia, dù những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung vẫn sẽ tồn tại bất chấp ứng cử viên nào đắc cử, song điểm khác biệt chủ chốt nằm ở cách tiếp cận với những căng thẳng đó của ông Trump và ông Biden.

Ông Biden vẫn luôn cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh để gây sức ép với Trung Quốc thông qua các tổ chức đa phương mà ông Trump đã rời bỏ. 

Trong trường hợp ông Biden đắc cử, các chuyên gia dự đoán ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngược lại, nếu ông Trump đắc cử, giới quan sát cho rằng ông sẽ với tiếp tục một chiến lược đơn phương và đối đầu với Bắc Kinh mà chắc chắc sẽ làm tăng thêm căng thẳng.

Một số người lạc quan ở Trung Quốc tin rằng nếu ông Trump tái đắc cử, hai nước sẽ có khoảng thời gian 4 năm để đàm phán thành công một thỏa thuận thương mại. Nhưng cũng có những ý kiến khác tin rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ xấu đi đột ngột nếu ông Trump trúng cử thêm một nhiệm kỳ.

"Tình huống hiện tại không thể tồi tệ hơn nữa. Nếu nó còn tiếp tục tệ hơn, xung đột quân sự sẽ ở rất gần", giáo sư Cheng Xiaohe nhận định.