Trong 24 giờ qua nước ta ghi nhận 12.796 ca nhiễm mới, trong đó 12.752 ca ghi nhận trong nước. Trong ngày 29-8, có 8.813 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đưa tổng số ca được điều trị khỏi lên 219.802 ca.
Nhân viên y tế gõ cửa từng nhà trên đuòng Nguyễn Phúc Nguyên (phường 10, quận 3, TP.HCM) xét nghiệm COVID-19 diện rộng, sáng 28-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 28-8 đến 18h ngày 29-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.796 ca nhiễm mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 12.752 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (5.414), TP.HCM (4.957), Long An (533), Đồng Nai (377), Tây Ninh (234);
Tiền Giang (155), Hà Nội (133), Đà Nẵng (106), An Giang (103), Đồng Tháp (93), Khánh Hòa (92), Bình Thuận (78), Quảng Bình (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (55), Đắk Lắk (52), Nghệ An (50), Cần Thơ (37), Kiên Giang (29), Bến Tre (22), Phú Yên (21), Trà Vinh (20), Bình Phước (18), Quảng Ngãi (14);
Bình Định (13), Bạc Liêu (12), Sơn La (11), Hậu Giang (11), Thanh Hóa (11), Thừa Thiên Huế (7), Ninh Thuận (6), Lâm Đồng (6), Cà Mau (5), Vĩnh Long (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), Lào Cai (2), trong đó có 5.712 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 522 ca. Tại Bình Dương tăng 1.365 ca, TP.HCM giảm 524 ca, Long An tăng 82 ca, Đồng Nai giảm 420 ca, Tây Ninh tăng 234 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 435.132 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.426 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) ghi nhận 430.939 ca nhiễm trong nước, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217).
Trong ngày 29-8, có 8.813 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đưa tổng số ca được điều trị khỏi lên 219.802 ca.
Trong hai ngày 28 và 29-8, ghi nhận 344 ca tử vong tại TP.HCM (256), Bình Dương (31), Tiền Giang (18), Long An (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh (3), Khánh Hòa (1), Ninh Thuận (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Phúc (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Về xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 568.545 xét nghiệm cho 668.793 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay là 12.715.682 mẫu cho 32.116.373 lượt người.
Trong ngày 28-8 có 261.692 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.
* Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.
* Để giảm tải nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh có liên quan đến COVID-19 đánh giá nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế mỗi ngày, sau ca làm việc.
Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế cần ngừng làm việc, không tiếp xúc với người bệnh và nhân viên y tế khác; xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và thực hiện cách ly theo quy định chung.
* Ngày 29-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM nhanh chóng chuyển ngay các gói thuốc về các đơn vị y tế cơ sở để hỗ trợ điều trị cho người nhiễm COVID-19 (F0) đang cách ly tại nhà.
Theo HCDC, tính đến sáng 29-8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà ở TP là 77.801 người, trong đó có 55.707 người cách ly tại nhà ngay từ đầu và 22.094 người cách ly tại nhà sau khi được xuất viện.
* Để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho được 100% hộ dân, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu toàn bộ người dân thành phố Nha Trang, kể cả cán bộ, công chức và các đối tượng được hoạt động nghiệp vụ bình thường trước đó, "tuyệt đối không ra khỏi nhà từ 15h chiều 29-8 đến 6h sáng 30-8-2021" để lấy mẫu xét nghiệm.
* Ngày 29-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phát thông báo khẩn, khẩn thiết đề nghị tất cả người dân ở Hà Nội khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Nhiều tỉnh kéo dài áp dụng chỉ thị 16, cấm ra đường sau 18h để chống dịchBình Dương tiếp tục kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 15-9. Riêng một số "vùng đỏ" tại Thuận An, Tân Uyên và Dĩ An thực hiện chỉ thị 16 tăng cường (tức là người dân không ra khỏi nhà, kể cả đi chợ, lương thực sẽ được phát miễn phí hoặc đi chợ hộ).Bến Tre tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 30-8 đến 0h ngày 10-9. Toàn tỉnh hiện có 1.727 ca mắc COVID-19, 41 ca tử vong, 1.154 ca đã ra viện.UBND thành phố Tuy Hòa, Phú Yên yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra đường và không xác nhận vào giấy đi đường cho các trường hợp tham gia giao thông từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau.Tỉnh Bình Định áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời xã Phước Mỹ và 3 phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Hải Cảng để tầm soát toàn dân nhằm phòng, chống dịch COVID-19 trong 48 giờ, kể từ 0h ngày 30-8.Tỉnh Gia Lai thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố Pleiku theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 28-8.Tỉnh Quảng Ngãi áp dụng chỉ thị 16 tại các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi trong thời gian 14 ngày, kể từ 12h ngày 28-8.