Một cô gái trẻ ở Cần Thơ sau khi được tiêm vắc xin Pfizer đã lên mạng xã hội khoe phiếu đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin kèm theo bình luận "tui xin ông anh nè".
Cụ thể, ngày 6/9, cô gái có tài khoản Facebook L.H. chia sẻ dòng trạng thái "Đã đủ 2 mũi vững tâm" kèm theo hình chụp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 với loại vắc xin Pfizer - BioNTech.
Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều bạn bè của cô gái đã gửi lời chúc mừng. Trong đó, có người hỏi "Này chích tư hả e?" hoặc "Sao tiêm được pfizer vậy bà?". Tại các bình luận, L.H. đã trả lời: "Dạ em xin người ta đó" và "Tui xin ông anh nè".
Sau khi nội dung trên được chia sẻ, nhiều người dân ở Cần Thơ tỏ ra bức xúc, đặt vấn đề cô gái này là người nhà của cán bộ nào mà được ưu tiên, "xin được ông anh" như vậy? Nhiều người dân chưa được tiêm vắc xin cũng băn khoăn việc tiêm vắc xin Covid-19 có đang minh bạch, công bằng?
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 7/9, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết, sau khi nắm thông tin trên, ông đã chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh nhanh vụ việc.
Qua xác minh, cô gái trên tên L.T.C.H. (26 tuổi, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Cô gái tiêm vắc xin mũi 1 vào ngày 11/8, mũi 2 vào ngày 6/9, tại đơn vị tiêm Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều.
"H. là em bà con và ở cạnh nhà của một đồng chí trong lực lượng tuyến đầu đi truy vết. Đồng chí này tiếp xúc trực tiếp với F0, F1. Vì vậy, quận có cho chủ trương ưu tiên tiêm cho người nhà của các đối tượng trực tiếp làm công tác truy vết nên phường đã đưa vào danh sách được tiêm ngừa", ông Trứ cho biết.
Ông Trứ cũng cho biết, hiện lực lượng chức năng đã yêu cầu cô gái gỡ bỏ những hình ảnh đã đăng đồng thời yêu cầu phường làm rõ và báo cáo để có hướng xử lý và chấn chỉnh, không để những người không đúng đối tượng ưu tiên được tiêm trước.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến thời điểm hiện tại TP Cần Thơ đã tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 được 251.949 liều, mũi 2 được 34.789.
Đến ngày 7/9, Cần Thơ ghi nhận 4.525 ca mắc Covid-19 đã điều trị khỏi. 3.580 trường hợp.