News

6/recent/ticker-posts

Nhà có 3 con nhưng chỉ có một chiếc điện thoại, sao học trực tuyến?

Đó là chia sẻ về việc học trực tuyến của chị Nguyễn Thị Hồng cũng như nhiều bậc cha mẹ ở TP.HCM trên hội phụ huynh có con vào lớp 1.

Năm học mới bắt đầu nhưng nhiều học sinh ở TP.HCM không có thiết bị để theo học

Nhiều học sinh ở TP.HCM không thể học trực tuyến

Không có thiết bị, không kết nối mạng… nhiều học sinh ở TP.HCM không thể học trực tuyến, dù năm học mới đã bắt đầu.

Trường hợp của Nguyễn Thị Hồng (P.An Lạc, Q.Bình Tân) không phải là đơn lẻ. Trên các hội nhóm phụ huynh ở TP.HCM, nhiều người cho biết không có đủ điều kiện mua sắm thiết bị, kết nối mạng để cho con bước vào năm học mới với hình thức trực tuyến.

Chị Hồng cho biết năm nay nhà chị có tới 3 con cùng bước vào năm học mới, bé lớn nhất lớp 7, bé thứ 2 lớp 5 và bé út vào lớp 1. Từ trước tới nay, các con chị vẫn theo học ở các trường công lập gần nhà nhưng riêng năm nay việc học của con trở nên khó khăn hơn nhiều khi cả ba bé đều sẽ học trực tuyến trong khi cả gia đình chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại có thể kết nối mạng và phải sử dụng 3G nên rất hạn chế dùng.

“Tôi đã thông báo tình hình với giáo viên chủ nhiệm của các con, trước mắt nếu không trùng lịch học thì tới tiết của bé nào bé đó sẽ học, còn nếu trùng lịch thì phải ưu tiên cho bé lớn, vợ chồng tôi cũng chưa biết tính sao”, chị Hồng chia sẻ và cho biết do ảnh hưởng của dịch, hai vợ chồng đều ở nhà gần 3 tháng nay nên không đủ điều kiện mua thêm máy tính, điện thoại cho các con học trực tuyến.

Tại Q.Bình Tân, địa phương có số học sinh đông nhất nhì TP.HCM, riêng bậc THCS, tiểu học đã có khoảng 6.500 học sinh không đủ điều kiện để học trực tuyến, theo thống kê của Phòng GD-ĐT. Trong đó, có em thì không có thiết bị kết nối mạng, có em thì nhà không có internet…

Một lãnh đạo của Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, con số này chiếm hơn 10% học sinh của quận. Chưa tính đến việc có hàng nghìn học sinh khác đang mắc kẹt ở quê do vậy việc triển khai năm học mới với hình thức trực tuyến ít nhiều sẽ gặp khó khăn so với những năm trước.

“Trước mắt, chúng tôi vẫn sẽ triển khai năm học như hướng dẫn của Sở GD-ĐT, với những em chưa có điều kiện theo học chúng tôi sẽ bàn bạc với các trường để tìm phương án hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp. Sau khi hết giãn cách xã hội, các trường có thể tận dụng các phòng chức năng, hỗ trợ kèm cặp, phụ đạo lại để các em có thể theo kịp chương trình”, vị này chia sẻ.

Ngoài học sinh thì theo thống kê Q.Bình Tân còn có khoảng 150 giáo viên cũng không có máy tính và không có điều kiện mua thiết bị công nghệ khác để dạy trực tuyến.

Tương tự, ở Q.Gò Vấp cũng có khoảng 15% học sinh không có điều kiện theo học trực tuyến, theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận này. Và biện pháp trước mắt là Q.Gò Vấp sẽ cho các trường tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể để hỗ trợ học sinh.

Có thể phát bài học về tận nhà học sinh

Đối với những trường hợp gặp khó khăn, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, cho biết trước hết quận sẽ lập danh sách sau đó tính toán đến từng phương phán cụ thể, khi triển khai thấy phương án nào phù hợp thì sẽ mở rộng áp dụng.

Cụ thể, theo ông Uyên, Q.6 sẽ nhờ giáo viên và chính quyền địa phương hỗ trợ để đưa bài giảng, bài học trực tiếp tới những em không đủ điều kiện theo học trực tuyến.

Thường ở mỗi quận sẽ có nhân viên kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục của các phường. Riêng Q.6 có 14 người là giáo viên thuộc biên chế của phòng GD-ĐT phụ trách mảng này.

"Chúng tôi sẽ nhờ lực lượng này đưa bài học tới học sinh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn thì sẽ dựa trên những khó khăn thực tế để tính tiếp hoặc thay đổi phương án phù hợp hơn. Mình cứ phải sáng kiến cách này cách kia thôi chứ không thể để học sinh vì ảnh hưởng của dịch mà dừng việc học được. Còn với những em dù được hỗ trợ nhưng vẫn còn yếu, không thể theo kịp chương trình thì chúng tôi sẽ nhờ các trường tổ chức ôn tập, phụ đạo thêm sau khi các em được đến trường”, ông Uyên chia sẻ.

Trước tình trạng nhiều học sinh không thể học trực tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đang thống kê con số cụ thể từ các cơ sở. Dựa trên số liệu thực tế, sẽ tính toán phương án hỗ trợ chung cũng như có hướng dẫn để các trường có thể giúp đỡ từng trường hợp học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến.

Trước đó, theo quyết định của UBND TP.HCM, học sinh thành phố sẽ bắt đầu năm học mới vào ngày 1.9 và không tổ chức khai giảng. Cụ thể, bậc THCS, THPT bắt đầu kết nối với giáo viên từ ngày 1.9 và bắt đầu vào học chính thức từ ngày 6.9, bậc tiểu học sẽ bắt đầu kết nối với giáo viên từ ngày 8.9 và học chính thức vào ngày 20.9. Riêng bậc mầm non không học trực tuyến.